Bị phong tỏa suốt 17 năm, Hamas lấy vũ khí từ đâu?

Cuộc tấn công dữ dội của Hamas vào Israel sử dụng hàng ngàn quả rốc-két và tên lửa, máy bay không người lái thả thuốc nổ, cùng với nhiều đạn dược và vũ khí nhỏ.

Vụ tấn công này được thực hiện từ khu vực nội phận Gaza do Hamas kiểm soát, một dải đất rộng 360 km vuông giáp biển Địa Trung Hải, một bên giáp Israel, một bên giáp Ai Cập.

Đây là khu vực nhỏ, đông dân, hiếm tài nguyên.

Ảnh: CNN.

Khu vực này đã bị cắt đứt khỏi thế giới bên ngoài suốt gần 17 năm qua, sau khi Hamas giành quyền kiểm soát khu vực khiến Israel và Ai Cập áp đặt lệnh phong tỏa chặt chẽ vùng lãnh thổ này. Hiện, các lệnh này vẫn đang được áp dụng.

Israel cũng củng cố hàng rào phong tỏa đường không và đường biển quanh Gaza cũng như nhiều lớp giám sát khác.

Điều này đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để Hamas có thể tích lũy được số lượng vũ khí khổng lồ cho phép nhóm này thực hiện các cuộc tấn công phối hợp khiến hơn 1.200 người ở Israel thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.

Theo các chuyên gia, câu trả lời là tập hợp của sự khôn khéo, khả năng ứng biến, sự bền bỉ và một ân nhân nước ngoài.

Yếu tố Iran

Sổ tay Thế giới của CIA viết: “Hamas giành được khối lượng vũ khí của mình thông qua buôn lậu hoặc sản xuất tại địa phương, và nhận được dưới dạng các gói hỗ trợ quân sự từ Iran”.

Mặc dù chính phủ Mỹ và Israel chưa phát hiện bằng chứng cho thấy Iran liên quan trực tiếp tới vụ tấn công cuối tuần vừa rồi nhưng các chuyên gia cho rằng nước Cộng hòa Hồi giáo này từ lâu đã là nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Hamas. Họ buôn lậu vũ khí vào vùng nội phận này thông qua các đường hầm bí mật hoặc các tàu thuyền vượt qua hàng rào phong tỏa trên biển Địa Trung Hải.

Ảnh: CNN.

Bilal Saab, thành viên cấp cao và giám đốc Chương trình Quốc phòng và An ninh tại Viện Nghiên cứu Trung Đông (MEI) tại Washington cho biết: “Mạng lưới đường hầm của Hamas vẫn có quy mô khổng lồ mặc cho Ai Cập và Israel liên tục cố gắng phá hủy chúng”.

Daniel Byman, thành viên cấp cao của Dự án Các Mối đe dọa Đa quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết: “Hamas nhận được vũ khí buôn lậu từ Iran vào Gaza thông qua các đường hầm này. Các gói vũ khí này thường bao gồm các hệ thống vũ khí tầm xa”.

Charles Lister, một thành viên cấp cao khác tại MEI cũng cho biết: "Iran cũng đã gửi cho Hamas các loại tên lửa đạn đạo tiên tiến qua đường biển, dưới dạng các bộ phận để được lắp ráp tại Gaza”.

Các nhà phân tích cho biết Iran cũng đã đóng vai trò cung cấp huấn luyện.

Byman tại CSIS cho biết: “Iran cũng đã giúp Hamas sản xuất, cho phép Hamas tự chế tạo kho vũ khí của mình”.

Một quan chức của Hamas tại Lebanon đã cung cấp chi tiết về khả năng sản xuất vũ khí của Hamas trong một bài phỏng vấn với kênh RT tiếng Ả Rập của Russia Today, đăng tải vào Chủ Nhật.

“Chúng tôi có nhà máy tại địa phương để sản xuất mọi thứ, như tên lửa có tầm bắn 250km, tầm bắn 160km, 80km và 10km. Chúng tôi có nhà máy sản xuất pháo cối và đạn pháo cối. Chúng tôi có nhà máy sản xuất súng Kalashnikov và đạn sử dụng trong các súng này. Chúng tôi sản xuất đạn dược dưới sự cho phép của Nga, ngay tại Gaza”.

Tái chế

Đối với các vũ khí kích cỡ lớn, Lister của MEI cho biết Đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, một nhánh quân đội của Iran nhận lệnh trực tiếp từ lãnh đạo tối cao quốc gia, đã cung cấp chương trình đào tạo về vũ khí cho các kỹ sư của Hamas trong suốt gần hai thập kỷ.

“Nhiều năm được huấn luyện về các hệ thống vũ khí hiện đại đã mang lại cho các kỹ sư của Hamas đủ hiểu biết để đẩy mạnh khả năng sản xuất vũ khí trong nội địa”.

Ông cũng cho biết Tehran đảm bảo chương trình đào tạo sản xuất vũ khí cho Hamas liên tục được cập nhật.

“Các kỹ sư tên lửa của Hamas là một phần trong mạng lưới khu vực của Iran, vì vậy các chương trình đào tạo và trao đổi thường xuyên tại Iran cũng là một phần trong nỗ lực của Iran nhằm chuyên nghiệp hóa lực lượng ủy quyền của họ trong khu vực”.

Tuy nhiên cách Hamas có được nguyên liệu thô để sử dụng trong chế tạo vũ khí mới là yếu tố cho thấy sự khéo léo và linh hoạt của tổ chức này.

Gaza không có ngành công nghiệp nặng phục vụ sản xuất vũ khí như các nước khác trên thế giới. Theo Sổ tay của CIA, các ngành công nghiệp chính của Gaza là dệt may, chế biến lương thực và chế tạo nội thất.

Tuy nhiên sắt vụn là một sản phẩm xuất khẩu chính của Gaza, sản phẩm này có thể mang lại nguyên liệu sản xuất vũ khí.

Những khối sắt vụn này thường xuyên tới từ những vụ tấn công hướng vào Gaza, theo Ahmed Fouad Alkhatib đã viết cho Diễn đàn Fikra của Viện Chính sách Cận Đông Washington trong năm 2021.

Khi cơ sở hạ tầng của Gaza bị Israel phá hủy, những phần còn lại như các tấm kim loại, ống kim loại, cốt thép, dây điện đều được đưa tới các xưởng sản xuất vũ khí của Hamas, được biến chuyển thành thân tên lửa hoặc các vũ khí khác.

Tái chế các vũ khí chưa phát nổ của Israel để lấy các loại nguyên liệu nổ và các bộ phận khác cũng là một yếu tố hỗ trợ cho chuỗi cung ứng của Hamas.

“Các chiến dịch của IDF đã gián tiếp cung cấp cho Hamas các nguyên liệu bị kiểm soát hoặc cấm sở hữu hoàn toàn tại Gaza”.

Tất nhiên, những yếu tố này không phải bỗng dưng xuất hiện.

Để sử dụng lượng vũ khí khổng lồ trong một thời gian ngắn như Hamas đã làm trong thứ Bảy vừa rồi, Hamas đã phải tích trữ kho vũ khí thông qua buôn lậu cũng như tự sản xuất trong một thời gian dài.

Baraka, quan chức của Hamas tại Lebanon, cho biết tổ chức này đã chuẩn bị cho vụ tấn công trong suốt hai năm.

Ông không nhắc tới sự can thiệp của nước ngoài trong quá trình lên kế hoạch cho vụ tấn công, và chỉ cho biết các đồng minh của Hamas “đã viện trợ vũ khí và tài chính. Đặc biệt Iran đã cung cấp rất nhiều tiền và vũ khí”.

Các nhà phân tích cũng cho biết quy mô các cuộc đột kích của Hamas hướng vào Israel đã khiến họ bất ngờ.

“Chúng ta cần phải hiểu rằng việc phóng hàng loạt tên lửa thực ra vô cùng phức tạp”.

“Điều đáng kinh ngạc nhất là họ có thể tích trữ, vận chuyển, triển khai, và bắn hàng ngàn tên lửa mà không bị phát hiện bởi tình báo Israel, Ai Cập hay Saudi. Rất khó có thể tưởng tượng được dân quân Palestine có thể thực hiện được điều này mà không có sự trợ giúp từ Iran”.

Nguyễn Quang Minh (theo CNN)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bi-phong-toa-suot-17-nam-hamas-lay-vu-khi-tu-dau-a630984.html