Bi kịch số phận của 'xác ướp la hét' nghi hoàng tử Ai Cập

Tại thung lũng Deir El Bahri, các chuyên gia phát hiện một 'xác ướp la hét'. Sau nhiều năm nghiên cứu, họ suy đoán đây là thi hài hoàng tử Ai Cập.

Vào năm 1886, các nhà khảo cổ học khai quật được một " xác ướp la hét" ở thung lũng Deir El Bahri, cách thành phố Cairo, Ai Cập khoảng 483 km về phía Nam.

Theo các chuyên gia, xác ướp thuộc về một nam giới. Người này qua đời vào khoảng 3.000 năm trước. Người đàn ông được chôn trong tư thế ngửa cổ lên trời và gương mặt khác thường với miệng há to giống như đã trải qua điều kinh hãi, đau đớn tột độ trước khi chết.

Biểu cảm rùng rợn của thi hài khiến các chuyên gia gọi đó là "xác ướp la hét" (Screaming Mummy). Kể từ khi phát hiện, các chuyên gia tiến hành hàng loạt kiểm tra, phân tích xác ướp nhằm tìm hiểu cuộc sống cũng như nguyên nhân tử vong của người đàn ông này.

Sau một thời gian kiểm tra, các nhà khoa học phát hiện một số bí mật bất ngờ. Trong đó, xác ướp nam giới được bọc bằng da động vật thay vì vải lanh như các xác ướp thuộc tầng lớp quý tộc.

Vị trí tìm thấy xác ướp nằm gần khu mộ của các thành viên Hoàng gia Ai Cập ở bờ tây thuộc sông Nile. Điều này khiến các chuyên gia suy đoán "xác ướp la hét" cũng thuộc tầng lớp cao quý trong xã hội.

Việc bọc xác ướp bằng da động vật như cừu, dê được cho là ô uế, dơ bẩn và không tinh khiết. Không những vậy, người được mai táng theo cách này sẽ không thể sang được thế giới bên kia.

Tiếp đến, các chuyên gia không phát hiện bất cứ ký hiệu hay manh mối nào giúp xác định danh tính của "xác ướp la hét". Theo quan niệm của người Ai Cập cổ đại, tên họ là thứ quý giá nhất đối với mỗi người. Một xác ướp không ghi rõ danh tính cũng đồng nghĩa với việc họ không thể tới được thế giới bên kia hoặc đó có thể là một cách trừng phạt đối với kẻ phạm tội.

Về sau, các chuyên gia tiến hành kiểm tra, so sánh ADN của "xác ướp la hét" với một số thi hài thuộc tầng lớp quý tộc Ai Cập cổ đại được khai quật trước đó.

Nhờ vậy, nhóm chuyên gia nghi ngờ "xác ướp la hét" có thể là hoàng tử Pentewere - con trai của Pharaoh Ramses III. Vị hoàng tử này được cho là đã âm mưu giết cha để đoạt ngôi. Thế nhưng, kế hoạch thất bại nên hoàng tử Pentewere bị xử tử bằng cách treo cổ.

Qua những vết thương ở cổ của xác ướp, nghiên cứu mới này cũng khẳng định Hoàng tử Pentewere bị kết án tử hình bằng hình thức treo cổ. Để xác thực thông tin này, các chuyên gia sẽ cần tiến hành những nghiên cứu sâu hơn.

Mời độc giả xem video: Ai Cập phát hiện thêm kho báu cổ đại với hơn 100 quan tài chứa xác ướp 2.500 năm. Nguồn: VTV24.

Tâm Anh (theo Ancient origins)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/bi-kich-so-phan-cua-xac-uop-la-het-nghi-hoang-tu-ai-cap-1699877.html