Bi hài hậu trường phim Việt: 'Vua Bảo Đại đâu?'

Có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt vì những tình huống 'kỳ cục', 'bỗng dưng xuất hiện' mà không nằm trong kịch bản, khiến nhiều đoàn phim điêu đứng.

Một cảnh quay trong phim Cỏ biết của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó giám đốc Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS), là một trong những người đã trải qua nhiều câu chuyện ''dở khóc dở cười'' như vậy. Cụ thể, vào năm 2013 ông làm phim Cỏ biết (35 tập), trong đó có một cảnh quay tại Củ Chi, về một tên “trùm bò” khét tiếng, cùng đàn em dùng súng khống chế người dân để cướp hàng trăm con bò.

Để quay được đại cảnh này, đoàn phim phải huy động toàn lực, thuê mướn hàng chục hộ dân mới đủ số lượng bò theo yêu cầu của đạo diễn. Trong đó, các cảnh quay toàn, trung, cận liên quan đều được thực hiện trước. Duy cảnh duy nhất được xem khó nhằn là đại cảnh “trùm bò” cùng đàn em lùa bò đi sau khi cướp.

“Cảnh này được xem là cảnh ''đinh'', vì toàn cảnh phải lấy được hình ảnh trùm bò lùa hàng trăm con bò hối hả chạy đi. Chúng tôi cũng lường trước một việc rằng cảnh này chỉ quay 1 lần, không thể quay lại lần 2”, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng kể.

Tất cả các cảnh nổ súng, cướp bò đều trơn tru. Tuy nhiên, đến khi “trùm bò” hô hào lùa bò đi, thì “bò đã chạy mất hút, khói bụi bay mù mịt. Duy chỉ còn lại anh “trùm” vẫn vẫy tay hô hào mà… không thấy bò đâu”, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng nhớ lại.

Sau đó, nhiều hộ chăn nuôi bò nổi nóng và không cho thuê, đòi bò lại. Theo đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, họ nóng vì bò thịt nếu chạy như vậy sẽ mất sức, cần thời gian mới phục hồi được. Điều đáng nói, sau đó bò sợ luôn cả chủ, chủ đến gần là bò bỏ chạy. Nhiều người dân khi đó còn nói đã nuôi bò mấy chục năm nay, chưa bao giờ họ thấy bò chạy dữ như vậy, nhanh hơn cả ngựa.

Cũng trong phim này, có một cảnh quay tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với nội dung: nhân vật Khanh (diễn viên Thiên Thanh đóng) sau giờ tan trường cô đi cùng một người bạn ra về thì bị 2 kẻ xấu tạt sơn vào mặt Khanh để trả thù.

“Chúng tôi chuẩn bị kỹ, đợi lúc sinh viên tan trường để lấy hiệu ứng hiện trường. Và diễn viên cũng đã tập đi tập lại nhiều lần, rất đạt. Đâu đó đã xong xuôi hết, nhưng khi máy chạy tôi hô "diễn'' thì mọi chuyện diễn ra đúng kịch bản, mãi cho đến khi 2 kẻ xấu tạt nước sơn thì không trúng vào nhân vật chính (Khanh) mà trúng vào nhân vật phụ”, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng kể lại.

Cảnh này không thể quay lại vào hôm đó, vì sơn đổ xuống sân trường, muốn làm lại phải chờ chùi rửa, diễn viên cũng phải thay đồ, make up lại (nếu không sẽ sai rắc - co). Anh ''giang hồ'' này sau đó trốn đoàn phim luôn.

Về sau, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng hỏi lại thì anh chàng tạt sơn nói: “Khi em tạt, cô Khanh cổ né nên trúng… cô kia, nếu cô Khanh không né thì trúng rồi”.

Nổi đóa vì “anh hùng biển khơi”

Bộ phim Ngọn nến hoàng cung (45 tập, khởi quay từ năm 2000, mãi đến 4 năm sau mới hoàn thành, đoạt Cánh diều vàng cho phim truyền hình dài tập xuất sắc nhất năm 2004) đề cập tới một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước. Đó là lúc triều đại phong kiến đứng đầu là Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Phim này cũng có một cảnh quay nhớ đời, là lúc vua Bảo Đại (Huỳnh Anh Tuấn đóng) đi chơi thuyền buồm cùng cô Cécile Lan (Kim Thanh Thảo đóng) là phu nhân Đại sứ Nhật.

Vua Bảo Đại cùng cô Cécile Lan trò chuyện cho đến lúc thuyền buồm lật và sự xuất hiện thú vị của ''anh hùng biển khơi'' (cảnh nằm trong tập 9 của phim Ngọn nến hoàng cung)

Ở cảnh này, theo kịch bản, vua Bảo Đại và cô Cécile Lan đi trên thuồn buồm, thưởng ngoạn cảnh biển, cùng trò chuyện thì bất ngờ có sóng to gió lớn, thuyền buồm lật úp, cô Cécile Lan rơi xuống biển, vua Bảo Đại lao xuống cứu và đưa cô vào bờ.

Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, theo đó các thợ lặn sẽ cùng hợp sức để làm lật thuyền. Ngay cả các công tác cứu hộ cũng được triển khai rất chi tiết.

“Cảnh quay rất thật, khung hình đẹp, mọi thứ đúng kịch bản. Mãi cho đến khi cô Cécile Lan rớt xuống biển được cứu đưa vào gần bờ thì quay phim chính (Cao Thành Danh) tức giận, giậm chân hỏi: thằng nào vậy?”, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng nhớ lại.

"Lúc đó tui cũng té ngửa vì người cứu Cécile Lan không phải là vua Bảo Đại mà là anh chàng chuyên lo phục trang của đoàn. Tôi hỏi Kim Thanh Thảo chuyện gì đã xảy ra thì cô ấy nói mình chỉ diễn đúng kịch bản, té xuống biển và chết đuối, vậy nên cô ta phải diễn nhắm mắt, chết đuối thật, lúc đó cô ta cũng nghĩ vua Bảo Đại cứu mình, nào ngờ khi mọi người la ó quá, cô mở mắt ra thì thấy anh chàng phục trang. Còn Huỳnh Anh Tuấn thì nói, lúc đó em định bơi tới cứu cô Cécile Lan thì thấy có người bơi tới trước và cứu cô ấy rồi, em cũng không biết mình phải làm gì trong lúc đó”, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng kể thêm.

Và khi mọi người hỏi anh chàng phục trang vì sao người ta đang quay, đã có chỉ đạo chi tiết mà anh này lại ra cứu diễn viên, lúc này anh ta nói là ''sợ cô Cécile Lan chết đuối nên mới cứu''.

“Anh Cao Thành Danh (quay phim) tức giận hỏi ''mày tốt tánh quá, sao mày không cứu vua Bảo Đại mà cứu Cécile Lan?'' thì anh ta làm thinh. Lúc đó anh ta cứu cô Cécile Lan bơi còn giỏi hơn thợ lặn. Mọi người quay tìm vua Bảo Đại thì thấy… còn ngoài biển. Cũng thú vị, vì trong cảnh quay này, chúng tôi mới thấy được một người tốt như anh chàng phục trang, khổ nỗi lòng tốt của ảnh bất thình lình “đặt giữa biển” nên làm hỏng cả một cảnh quay khó”, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng cười và nhớ lại.

(Còn tiếp)

Minh Luân
Ảnh cắt ra từ clip phim

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/bi-hai-hau-truong-phim-viet-vua-bao-dai-dau-751959.html