Bi hài biệt quân… khỏa thân

Năm 225 trước Công nguyên tại Cisalpine Gaul (Bắc Ý), chiến tranh giữa người Celtic và La Mã nổ ra.

Điều kiện ứng tuyển lính đánh thuê Gaesatae là trai tráng thân hình 'chuẩn'. Ảnh: Ancient-origins.net

Lần đầu tiên trong đời, lính La Mã khét tiếng mạnh nhờ có giáp bảo hộ bằng sắt… mà phải “đứng hình” trên chiến trường, vì trước mặt họ là đội quân thân không tấc vải, manh giáp hiên ngang thách thức đâm, chém.

Chiến thuật khác thường

Người Celtic là tập hợp các dân tộc Ấn – Âu sống ở châu Âu và Tiểu Á, bao gồm nhiều nhóm, nhánh, được lịch sử cổ đại ghi nhận từ thế kỷ I trước Công nguyên (TCN). Ban đầu, tại Cisalpine Gaul, người Celtic và người La Mã chung sống khá hòa bình.

Năm 234 TCN, người La Mã can thiệp vào việc phân chia lãnh thổ của người Celtic, trong đó có 2 nhóm đông dân nhất là Boii và Insubres. Năm 232 TCN, người La Mã tiếp tục thông qua luật đất đai mới, phân bổ nhiều vùng đất chính thức và rộng lớn của người Celtic cho nông dân La Mã.

Bất mãn và cảm thấy bị coi thường, người Celtic quyết tâm chống lại La Mã, hình thành nên Liên minh Tam tộc Insubres, Boii và Taurisci. Năm 225 TCN, Liên minh Tam tộc bỏ ra một số tiền lớn, thuê Biệt quân Gaesatae.

Biệt quân Gaesatae là tổ chức quy tụ lính đánh thuê người Celtic trên khắp mọi miền dãy Alps. Thủ lĩnh gồm 2 người, Concolitanus và Aneroëstes, thành viên là những trai tráng khỏe mạnh, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu cho bất cứ ai trả công cao.

Thời cổ đại, quần áo giáp là đồ bảo hộ bất li thân của quân sĩ. Quân đội La Mã nổi tiếng giỏi cả tấn công lẫn phòng thủ, một phần cũng là nhờ có mũ – áo giáp bảo vệ từ đầu tới tận chân.

Tuy nhiên, quần áo giáp có 2 nhược điểm cực kỳ lớn là nặng nề và gò bó, vì hầu hết đều được làm bằng kim loại hoặc da, vải siêu dày. Khi thành lập Biệt quân Gaesatae, Concolitanus và Aneroëstes vô cùng chú ý vấn đề này. Sau nhiều suy tính và bàn bạc, họ nhất trí “giải phóng lính đánh thuê khỏi áo giáp và cả quần áo bình thường (khỏi bị gai góc, cây cỏ vướng víu)”.

Biệt quân… khỏa thân chào đời. Vì không bị hạn chế bởi bất cứ mảnh vải hay manh giáp nào, họ di chuyển siêu nhanh, tấn công siêu linh hoạt. Concolitanus và Aneroëstes vô cùng hài lòng, dồn hết tâm huyết vào việc huấn luyện võ nghệ và… thể hình.

Dưới sự nỗ lực của họ, các lính đánh thuê người Celtic ngày càng có thân thể cường tráng, trình độ sử dụng vũ khí cũng như đánh tay đôi thượng thừa.

Lính đánh thuê Gaesatae kỳ vọng áp đảo tinh thần kẻ địch bằng… thể hình. Ảnh: Ancient-origins.net

Những… “hổ giấy”

Vũ khí của Biệt quân Gaesatae cũng như của mọi đội quân khác đương thời, chủ yếu là giáo, kiếm và khiên. Ngoài “giải phóng cử động”, Concolitanus và Aneroëstes còn lập “biệt quân khỏa thân” vì một lý do khác là thị uy.

Họ cho rằng, mình trần là cách thức thể hiện phong thái chiến binh tối thượng nhất. Nó cho phép lính đánh thuê Gaesatae chứng tỏ tinh thần không sợ hãi và phô bày thành quả rèn luyện kỹ năng chiến đấu một cách trực quan.

Thay vì mặc trang phục hay quần áo giáp, Biệt quân Gaesatae đeo… trang sức từ cổ đến tận chân, hỗ trợ khoe trọn thể hình tráng kiện. Nhìn bề ngoài, người nào cũng hiên ngang, hùng hổ.

Concolitanus và Aneroëstes tự tin, cho dù xuất hiện ở đâu, lính đánh thuê của họ cũng áp đảo tinh thần kẻ địch, khiến chúng “chưa đánh đã hàng”. Tuy nhiên, kể từ khi thành lập biệt đội này, họ chưa được ai thuê.

Hầu hết các lính đánh thuê đều có gia cảnh nghèo khó hoặc tứ cố vô thân. Vì không có đất đai cũng như nơi nương tựa, họ mới dấn thân vào nghề nghiệp nguy hiểm nhất.

Đúng lúc Concolitanus và Aneroëstes tuyệt vọng nhất, Liên minh Tam tộc tìm đến, “đặt cọc” một lượng vàng lớn kèm theo lời hứa “nếu thành công đánh bại người La Mã thì sẽ cùng nhau chia chác chiến lợi phẩm” và “mãi mãi là đồng minh, không chỉ trong chiến tranh mà cả sau khi đã chiếm được La Mã”.

Lập tức, 2 chỉ huy này nhận lời. Biệt quân Gaesatae hội tụ với quân đội của Liên minh Tam tộc, cùng nhau tiến vào lãnh địa của người La Mã.

Hay tin, triều đình La Mã huy động lực lượng phòng thủ lớn mạnh nhất. Tướng Lucius Aemilius Papus đích thân thống lĩnh 54 nghìn quân, chia đóng dọc biên giới với tinh thần quyết tử bảo vệ Tổ quốc.

Concolitanus và Aneroëstes cũng đích thân chỉ huy Biệt quân Gaesatae, xông vào chiến địa Telamon (Talamone ngày nay), vị trí trọng yếu nhất. Trái với kỳ vọng của họ, lính La Mã chỉ sững sờ một chút vì… quá bất ngờ.

Thiếu giáp bảo hộ hóa ra là bất lợi vô cùng lớn. Ảnh: Ancient-origins.net

Như đã đề cập, quân đội La Mã mạnh nhờ trang phục bảo hộ kín kẽ. Trong mắt họ, các lính đánh thuê “thân không tấc vải” chẳng khác gì trò cười. Với vũ khí là cây lao và kinh nghiệm trận mạc đầy mình, họ dễ dàng khống chế khoảng cách và tấn công chuẩn xác. Thiếu trang phục bảo hộ, các “chiến binh khỏa thân” bị lính La Mã phóng lao đâm trúng khắp người.

Chưa vào trận được bao lâu, hàng loạt lính đánh thuê của “biệt quân khỏa thân” đã bị giết. Bên cạnh họ, những đồng minh Tam tộc khoác áo choàng, mặc quần chẽn bằng vải cũng không phải là đối thủ của các quân sĩ La Mã được trang bị giáp sắt. Rất nhanh, thế trận nghiêng về phía La Mã.

Một số lính đánh thuê Gaesatae bất chấp tính mạng, lao vào hàng ngũ kẻ địch để cận chiến và không tránh khỏi bị đâm tử vong. Một số người khác thì vì sợ sệt, lùi lại, khiến phía sau thêm rối loạn. Thừa thắng, quân đội La Mã xông lên đâm giết. Biệt quân Gaesatae vỡ trận, những lính đánh thuê sống sót bỏ chạy tán loạn.

Sau trận Telamon, La Mã điên cuồng truy sát người Celtic, mở rộng lãnh thổ ra khắp Bắc Ý và vùng Balkan, nhăm nhe tiến chiếm cả phía Đông. Chỉ huy Concolitanus bị bắt, chỉ huy Aneroëstes chạy thoát nhưng lại bị dồn đuổi đến bước đường cùng, phải tự sát.

Dù vậy, Biệt quân Gaesatae không tan rã ngay. Những lính đánh thuê sống sót tự tập hợp lại, tuyển thêm binh, tiếp tục chăm chỉ rèn luyện… thể hình. Năm 222 TCN, họ được thuê một lần nữa và vẫn bại trận.

Theo ancient-origins

Ninh Thị Thơ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bi-hai-biet-quan-khoa-than-post679088.html