Bị đánh khi cố giúp giật râu rồng

Một người đàn ông ở Trung Quốc bị đánh khi cố gắng giúp một cậu bé kéo râu rồng trong lễ hội địa phương - một hành động được coi là cấm kỵ trong văn hóa.

Sự việc xảy ra khi người đàn ông đang bế một cậu bé và cố gắng giúp đứa trẻ giật bộ râu của rồng, trong khi những người múa rồng đang dùng gậy gỗ nâng cao đầu rồng, nhảy múa quanh pháo hoa, South China Morning Post đưa tin.

Một thành viên của “đội bảo vệ rồng” đã nhiều lần yêu cầu người đàn ông dừng lại nhưng bị phớt lờ. Người này rất phẫn nộ khi người đàn ông khiến đầu rồng gần như rơi xuống.

Một người khác trong đội bảo vệ rồng đã xô ngã người đàn ông này trong khi anh ta vẫn đang bế đứa trẻ. Kế đó, một số người khác trong đội bắt đầu đá và đánh anh ta.

Ngay sau đó, cảnh sát nhanh chóng có mặt và bắt giữ những người có mặt trong vụ ẩu đả.

“Vụ hành hung đang được điều tra và tôi không thể tiết lộ thêm chi tiết. Chúng tôi sẽ thông báo vào thời điểm thích hợp”, một nhân viên thông tin của chính quyền địa phương cho biết.

Người đàn ông bị tấn công khi đang giúp đứa trẻ giật râu rồng. Ảnh: SCMP tổng hợp/Baidu.

Vụ việc nhanh chóng trở thành xu hướng trên mạng xã hội Trung Quốc, làm dấy lên tranh luận về việc bảo vệ các văn hóa truyền thống của nước này.

Một người viết: “Là người gốc Binyang, hãy để tôi giới thiệu về lễ hội này. Những người múa rồng sẽ không bao giờ để đầu rồng rơi xuống đất vì điều đó có nghĩa là vận rủi sẽ kéo dài ở địa điểm đó trong ba năm".

“Đây là niềm tự hào của chúng tôi với tư cách là người Binyang. Bạn không thể kéo đầu rồng xuống!", người khác viết.

Cũng có những người cho rằng sự việc đang bị đẩy đi quá xa và dù cho có tức giận như thế nào thì việc hành hung người khác cũng là điều không nên.

“Việc dùng đến bạo lực là không đúng và anh ấy còn đang bế một đứa trẻ. Điều này là không tốt cho đứa bé”, một người để lại bình luận.

Lễ hội Rồng thần công được tổ chức vào ngày 20/2 hàng năm. Lễ hội này có nguồn gốc từ thời nhà Tống và phát triển thịnh vượng vào thời nhà Thanh (1644-1912). Việc chạm vào thân rồng được coi là may mắn nhưng không được giật râu rồng hay chạm vào vảy rồng.

Các chuyên gia cho rằng đây là một nét văn hóa tuyệt vời khi pha trộn văn hóa giữa các nhóm dân tộc Hán và Choang.

Vào năm 2008, lễ hội thường niên này đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-dan-ong-tq-bi-hanh-hung-vi-pham-phai-dieu-cam-ky-trong-van-hoa-post1462485.html