Bị cô lập như 'ốc đảo', người dân ở bãi giữa sông Hồng kết bè chuối để di chuyển

Những ngày này, người dân sinh sống ở bãi giữa sông Hồng đang chịu cảnh nước dâng lên ngập úng. Phương tiện di chuyển chủ yếu của họ là thuyền, thậm chí phải kết bè chuối để đi qua vùng nước ngập.

Những cơn mưa lớn kéo dài trong gần một tháng qua, cùng với việc hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ khiến mực nước tại sông Hồng lên mức 6,5 m. Hàng nghìn cây chuối và bao nhiêu hoa màu của người dân ở bãi giữa sông Hồng đã bị nhấn chìm trong biển nước.

Nhiều người dân sinh sống tại khu vực này cho biết, con đường mòn nối từ bãi trên xuống dưới vườn xoan ngày thường vẫn thường đi bộ, đi xe đạp qua thì nay nước dâng đã ngập úng khiến giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, thuyền là phương tiện di chuyển chính, không có thuyền, họ phải kết bè bằng chuối để làm phương tiện đi lại.

Gia đình em Nguyễn Văn Lương (14 tuổi, Nga Sơn, Thanh Hóa) ra Hà Nội thuê đất tại bãi giữa để làm vườn từ 2 năm nay.

Lương cho biết, nước dâng lên được một tuần nay, nhà tuy có thuyền nhưng vẫn phải kết thêm một bè chuối để đi lại cho tiện, nhất là những lúc bố mẹ dùng thuyền đi làm thì Lương phải dùng bè để sang sông.

Từ khoảng 10 thân cây chuối tươi, cậu bé chỉ mất khoảng 20 phút là làm xong một chiếc bè chắc chắn có sức chở 3 người lớn. Để di chuyển, cậu sử dụng một chiếc gậy chống và làm mái chèo.

Lương bỏ học ở quê từ năm 13 tuổi ra Hà Nội phụ giúp bố mẹ. Lương cho biết, bố mẹ em đang thuê khoảng 1800m2 đất ở trong vườn xoan để trồng mía, hoa màu... ngoài ra, những ngày nước nổi, bố em cũng đi đánh cá để kiếm thêm thực phẩm cải thiện bữa ăn.

Để đến được bờ bên kia, Lương phải chèo khoảng 300m, điểm sâu nhất là 1,5 m, bằng với chiều cao của em. Mỗi ngày, Lương chèo khoảng gần 10 chuyến cả đi và về để chở bố mẹ và chị sang bờ bên kia.

Lương sống cùng bố mẹ, một em gái 5 tuổi và một chị gái. Chị gái của Lương tên là Thêu, năm nay 18 tuổi, vừa học xong trung học nghề nhưng không làm ở quê mà quyết định ra Thủ đô học nghề nấu ăn để theo đuổi ước mơ trở thành một đầu bếp. Những ngày này, mỗi khi muốn đi đâu vào phố và quay về nhà thì cô phải hẹn trước thời gian với em trai bởi một lượt chèo cho quảng đường 300m nhanh nhất cũng phải mất 20 phút, lâu thì 30 phút.

Ngoài ra đình của Lương, còn 2 gia đình khác cũng sinh sống trong khu vực vườn xoan (bãi giữa) thuê đất để làm nông nghiệp.

Những ngày này, họ gần như bị cô lập bởi nước dâng lên biến cả một khu đất thành ốc đảo. Ông Hùng (60 tuổi) mới chuyển đến đây sinh sống được 2 năm, ông cho biết: “Ở đây chúng tôi dùng nước giếng khoan là chính, thiếu thốn nhất là điện, phần lớn ắc quy chỉ được dùng cho mục đích thắp đèn, cũng may là ở khu vực bờ sông nên khá mát mẻ.

3 hộ sinh sống ở đây chỉ trông vào chiếc máy bơm nước giếng khoan là nguồn nước chính.

Hơn một tuần nước dâng lên khiến cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn, hàng nghìn m2 hoa màu bị tàn phá. Lương cho biết: "mỗi đợt nước dâng như thế này phải kéo dài 10 ngày, năm ngoái nước cũng to nhưng em không phải kết bè như năm nay. Giờ em chỉ mong nước rút nhanh để bố mẹ và chị có thể đi làm dễ dàng như bình thường".

Huy Phạm

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bi-co-lap-nhu-oc-dao-nguoi-dan-o-bai-giua-song-hong-ket-be-chuoi-de-di-chuyen-post232679.info