Bị bạn đánh, trẻ nên phản kháng hay 'mách' người lớn?

Khi con bị bạn đánh, nhiều cha mẹ dạy con phản kháng lại hay nhắc con đi mách người lớn. Theo chuyên gia, cả hai cách này đều chưa phải là tốt nhất

Trẻ cần được kiểm soát cảm xúc. Ảnh minh họa: INT.

Cha mẹ bối rối

Nhiều trẻ mất bình tĩnh sẽ dùng “nắm đấm” để giải quyết vấn đề. Đôi khi chỉ là chuyện rất nhỏ nhưng do trẻ chưa có kỹ năng giải quyết nên dễ xảy ra xô xát. Nhiều phụ huynh bối rối không biết xử lý thế nào khi con mình bị bạn đánh.

Chị Nguyễn Phương Thảo (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, con trai học lớp 5 thường bị bạn đánh, ban đầu chỉ là bắt nạt thông thường nhưng về sau, con bị đánh với tần suất nhiều hơn. Tuy chưa có thương tích nặng nhưng chị Thảo cảm thấy rất lo lắng.

Biết tính con nhút nhát, chị chỉ biết khuyên con lên mách cô giáo, một mặt chị liên hệ với cha mẹ học sinh để cùng nhắc nhở trẻ. Ngược lại, anh Nguyễn Khang (Đông Anh, Hà Nội) cho rằng, con chỉ cần không trêu bạn trước, nếu tự dưng bị đánh, con cần phải đánh lại, tự bảo vệ bản thân chứ không chờ người lớn đứng ra xử lý.

Chưa nói đến hậu quả của những trận đánh nhau, cả tâm lý lẫn thể xác. Bé thì những chuyện xô xát chỉ đơn giản là cái đập tay đá chân, nhưng lớn hơn, con có thể gặp những hành động bạo lực, lúc đó cũng không còn đơn thuần là cái đập tay đá chân bình thường, mà có thể dùng đến cả vũ khí.

Theo cô Nguyễn Kim Ngân - Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội), nếu muốn xem phương án nào là cách tốt nhất với con, cha mẹ cần trả lời câu hỏi: Trẻ con đánh nhau là chuyện bình thường hay bất thường? Điều gì sẽ xảy ra khi con bị bạn đánh và con đánh lại bạn? Điều gì sẽ xảy ra nếu con không đánh lại và chạy đi mách cô giáo hay người lớn?

Trước hết ta phải hiểu, trẻ đánh nhau là chuyện không tránh khỏi. Nhưng tại sao chúng lại đánh nhau? Trẻ sẽ không biết đánh người khác nếu không được “dạy” đánh người. Đó có thể là bố mẹ, anh chị em, bạn bè, các phim bạo lực, hoặc chúng chứng kiến hình ảnh này nhiều lần trong cuộc sống... Trẻ học được về bạo lực đơn giản cả khi thấy người lớn đánh một con chó, mèo. Vì vậy, nếu thường đánh con thì cũng đừng ngạc nhiên khi con mình có xu hướng bạo lực.

Nếu chúng ta dạy “con không được đánh bạn, phải chơi hòa bình thân thiện, nhưng bạn đánh con mẹ cho con quyền đánh lại”. Điều này giống như một quả bóng bàn vậy, người này đánh qua, người kia đánh lại. Và làm sao để có được hòa bình khi mọi người cứ đánh qua đánh lại nhau như thế? Điều gì sẽ xảy ra nếu con ghi nhớ câu “có quyền đánh lại để tự vệ” và liệu tự vệ có phải là cách an toàn nhất để bảo vệ được con?

Thế nhưng, nếu dạy cho con không đánh lại bạn mà chạy đi mách cô giáo hay người lớn, thì con bạn sẽ trở thành một đứa trẻ như thế nào? Chúng ta hãy nghĩ đến khả năng tự tin, tự lập của trẻ. Trẻ có nhận lại hòa bình thực sự mỗi khi giải quyết mâu thuẫn bằng cách mách người lớn không? Rồi điều gì sẽ xảy ra khi con không tự giải quyết được vấn đề của mình mà lúc nào cũng đi mách người lớn?

“Người lớn thường mất bình tĩnh và có hành động bạo lực khi thấy con mình đang gây chiến, đánh nhau. Tôi đã từng chứng kiến một đứa trẻ đánh mẹ và bà mẹ ngay lập tức đánh vào chân con và gào lên: “Mẹ đã bảo con là không được đánh người mà”. Tôi cũng từng thấy một đứa đánh bạn và mẹ đã đánh vào mông nó.

Một trường hợp khác là hai mẹ con nhà nọ hét vào mặt nhau và không ai muốn lùi bước. Khi chúng ta phản ứng lại với bạo lực bằng bạo lực, đồng nghĩa thừa nhận rằng bạo lực là hành động được phép chấp nhận”, cô Ngân chia sẻ.

Ảnh minh họa ITN.

Thiết lập “quyền lực mềm”

Nguyên tắc đầu tiên để xử lý những hành vi bạo lực của trẻ là kiểm soát bản thân. Phải thừa nhận rằng đó là phần khó nhất với nhiều bậc cha mẹ, những người đã từng bị nuôi dạy theo cách hét vào mặt, la mắng hay những hành động bạo lực khác. Xu hướng lặp lại này được hình thành tự nhiên trong não bộ và chúng ta phải rất cố gắng thì mới có thể bỏ qua, thay đổi điều đó.

Theo cô Nguyễn Kim Ngân, tùy theo từng độ tuổi của trẻ mà cha mẹ có cách dạy khác nhau trong việc đánh nhau. Với trẻ dưới 5 tuổi, hãy giữ mọi chuyện thật đơn giản và đi vào vấn đề chính. Hãy cách ly trẻ hiếu chiến khỏi tình trạng hiện tại, để chúng có thời gian bình tâm lại trong vòng kiểm soát của bạn.

Có thể nói: “Mẹ không cho phép con đánh mọi người. Mọi người sẽ bị đau đấy. Mẹ sẽ giữ con ở đây để mọi người được an toàn cho đến khi con bình tĩnh trở lại”.

Hãy lưu ý cho trẻ vào không gian để bình tĩnh chứ không phải là phạt trẻ ngồi một mình để suy nghĩ. Hãy thiết lập một khu vực nào đó trong nhà với sách, đồ chơi giác quan đơn giản…

Bạn có thể ngạc nhiên vì chẳng lẽ sau khi trẻ đánh người chúng ta lại cho trẻ một góc để chơi như là phần thưởng à? Nhưng hãy nhớ, khi bạn cần bình tĩnh để không hét vào mặt trẻ, được ngồi một mình bình tĩnh không phải là phần thưởng cho cơn giận của bạn mà là kiểm soát cảm xúc.

Nếu trẻ tức giận kéo dài, hãy tỏ ra bình tĩnh và kiên quyết với quy định “không được đánh” và nói chuyện với bé những cách thay thế và điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ lại đánh người lần sau như không được đi chơi vào cuối tuần nữa chẳng hạn. Hãy nhớ rằng, trẻ vẫn còn chưa tròn 5 tuổi và cần thời gian để học cách kiểm soát cảm xúc.

Khi trẻ lên 8 tuổi là thời điểm thích hợp để bắt đầu giải quyết vấn đề. Điều này sẽ dạy trẻ trách nhiệm, trí thông minh cảm xúc, kỹ năng giải quyết xung đột tích cực. Còn với trẻ trên 8 tuổi có hành động bạo lực, hãy tìm hiểu xem lí do đằng sau việc đó là gì. Điều gì khiến bé nổi giận?

Quá trình giải quyết vấn đề có thể bao gồm cả hệ quả, ví dụ như nếu một đứa trẻ tức giận làm hỏng thứ gì đó, bé cần làm việc để trả tiền cho thứ đó hoặc tập trung vào giảng giải cho bé, chứ không phải là trừng phạt.

Xuân Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bi-ban-danh-tre-nen-phan-khang-hay-mach-nguoi-lon-post679472.html