Bí ẩn về hồ nước tử thần khiến mọi sinh vật rơi xuống sẽ bị hóa đá

Hồ Natron ở Tanzania không chỉ có màu đỏ kỳ lạ, nơi đây còn được cho là 'địa ngục' nếu bất cứ loài động vật nào bị sảy chân xuống...

Hồ Natron nằm ở phía bắc Tanzania, chỉ cách thành phố Arusha hơn 100 km về phía tây bắc. Hồ kéo dài dài 56 km từ bắc xuống nam và rộng 24 km, trong đó một phần nhỏ của hồ mũi phía bắc nằm trên biên giới ở phía nam Kenya.

Hồ Natron là một trong những hồ nước nổi tiếng có vẻ đẹp kỳ ảo với màu đỏ tươi. Tuy nhiên, nó đã trở nên kinh dị bởi những bức tượng đá vôi cứng ngắc mang hình thù của những con chim nhỏ, rũ cánh nằm chết.

Đó là lí do nó còn có tên gọi "hồ tử thần", từ hàng nghìn năm nay, bất kỳ loài vật nào sảy chân ngã xuống hồ, xác của chúng đều bị hóa đá trong một thời gian ngắn.

Nước trong hồ Natron đôi khi chuyển sang màu đỏ hoặc màu đỏ cam. Điều này là do tảo phát triển mạnh trong môi trường chứa nhiều kiềm. Màu đỏ của hồ nước thậm chí còn có thể nhìn thấy từ bên ngoài vũ trụ.

Khí hậu ở đó khô cằn đến mức hầu hết lượng mưa nhỏ mà khu vực nhận được đều bốc hơi trước khi phủ lên bề mặt. Ngay cả nhiệt độ nước cũng thường từ 104 đến 140 độ F (40 và 60 độ C).

Mặc dù hầu hết các sinh vật không thể uống nước hồ nóng, nhưng đó lại là một môi trường hoàn hảo cho một vi sinh vật ưa mặn được gọi là vi khuẩn lam.

Nếu con người xuống tắm ở hồ này, các hóa chất trong nước sẽ đốt cháy da và mắt. Nếu một sinh vật uống nước, nó rất có thể sẽ chết do bị tổn thương nặng ở cấp độ tế bào, hệ thần kinh và gan.

Trên thực tế, hồ Natron là một hồ nước tù, nước chỉ có thể bốc hơi mà không có sự trao đổi với bên ngoài. Nước hồ có một chất hóa học có tên là Natron.

Do đặc điểm riêng biệt của hồ, động vật chết trong nước đều bị vôi hóa. Người ta thường nói rằng hồ Natron có thể biến những con vật kém may mắn này thành đá, nhưng trên thực tế, nó giống như một quá trình ướp xác hơn.

Người dân địa phương ở đây chẳng ai có thể giải thích chính xác tại sao những con vật nhỏ này lại có thể chết dễ dàng như thế. Chỉ có những lý giải khoa học xem ra có vẻ hợp lý được đưa ra: Mặt hồ ở đây có mức độ phản chiếu ánh sáng mạnh khiến những con chim bay qua dễ bị “quáng mắt” mà sà xuống mặt hồ.

"Thủ phạm" gây ra hiện tượng kỳ lạ trên tại hồ Natron là ngọn núi lửa một triệu năm tuổi, có tên gọi Ol Doinyo Lengai, nằm ở phía nam hồ Natron. Dung nham từ ngọn núi chảy xuống mang theo lượng muối khoáng đặc biệt.

Xác các con vật rơi xuống hồ được bảo quản rất tốt, vốn được bọc trong những lớp xi măng bằng muối.

Những “bức tượng đá vôi” này được bảo quản hoàn hảo đến từng chi tiết.

Chim hồng hạc là một trong số ít loài chim không bị vi khuẩn lam trong hồ gây hại, ngược lại còn tồn tại rất mạnh mẽ nhờ nguồn thức ăn này.

Hiện tại có đến hơn một triệu con chim hồng hạc tại hồ, bao gồm cả những con hồng hạc ăn tảo cát siêu nhỏ của hồ, cũng như cả một số loài quý hiếm khó tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới.

Khi mực nước sâu vừa đủ thì loài chim hồng hạc sẽ đậu trên các mỏm muối và làm tổ bằng bùn của núi lửa. Tuy nhiên, cũng có số ít những con hồng hạc kém may mắn bị rơi xuống hồ và trở thành một xác ướp trong lớp xi măng bằng muối như những loài động vật khác.

Hồ Natron ở Tanzania là một địa danh độc đáo trên thế giới thu hút nhiều du khách tham quan, mặc dù đây được cho là nơi nguy hiểm cho cả sinh vật sống và con người.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bi-an-ve-ho-nuoc-tu-than-khien-moi-sinh-vat-roi-xuong-se-bi-hoa-da-post567583.antd