Bí ẩn trong những cuốn sách cổ xưa nhất của nhân loại (P1)

Tuy không được được nhiều người biết đến như những cuốn sách "best seller" (bán chạy nhất) nhưng những tác phẩm dưới đây đều xứng đáng là những kho báu vô giá của nhân loại.

Nền văn minh Sumer

Không ai biết chính xác người Sumer đến từ đâu, nhưng theo các chuyên gia, nhiều khả năng gốc rễ của tộc người này bắt nguồn từ Iran hoặc Ấn Độ. Mặc dù có cùng nguồn cội song người Sumer sử dụng lại sử dụng ngôn ngữ riêng có tên gọi là Semitic, cùng họ với tiếng Do Thái cổ nhưng khác hẳn với một số nhóm người nhỏ sinh sống ở vùng Mesopotamia từ trước ngay khi cộng đồng “người đầu đen” (người Sumer tự xưng) đến định cư và tạo ra một xã hội có phân chia giai cấp tại vùng đất này.

Xét về những thành tựu, có một nhà khảo cổ đã đánh giá thế này: “Không tộc người nào có đóng góp vào nền văn hóa nhân loại nhiều hơn người Sumer". Thậm chí còn sớm hơn nền văn minh Ai Cập, nhiều nhà khoa học đã ghi nhận Sumer là nền văn minh đầu tiên và dĩ nhiên cũng là cổ xưa nhất của nhân loại, là cái nôi khởi thủy của tất thảy con người ngày nay.Theo những tài liệu cổ, chúng ta được biết những người Sumer đầu tiên đến vùng đất phía Nam Lưỡng Hà (ngày nay là miền nam Irắc) - vùng đất giữa sông Tigris và sông Euphrates khoảng năm 4000 TCN và từ đó cho ra đời vô vàn những thành tựu to lớn mà đến tận bây giờ vẫn còn có giá trị sử dụng. Nền văn minh Sumer không có quốc gia cụ thể và chỉ bao gồm các thành bang độc lập được ngăn cách bởi các con kênh và các bức tường biên giới bằng đá lấy trung tâm là một ngôi đền thờ. Mỗi thành bang này có người cai trị riêng với những quy chuẩn khác biệt về văn hóa. Lúc bấy giờ, có thể coi Sumer là một “ngôi nhà chung” của tất cả mọi nền văn hóa nhỏ từ các thành bang khác gộp lại.

Với sự phát triển ngày càng lớn mạnh vào khoảng thiên niên kỷ thứ 4 TCN, người Sumer đã khiến chúng ta phải kinh ngạc về trình độ, sự hiểu biết khoa học, lối tư duy và hệ tư tưởng trong bối cảnh thiếu thốn mọi mặt cả về công nghệ và công cụ. Lúc bấy giờ, người Sumer đã sáng tạo ra hệ thống chữ viết riêng gọi là văn tự dạng nêm và đây cũng chính là cơ sở để người Sumer có thể lưu giữ được những thành tựu to lớn về chiêm tinh học, thực vật học, nông nghiệp và toán học… của mình vào những tài liệu bằng đất hay những cuốn sách cổ được biết tới ngày nay.

1) Instructions of Shuruppak (tạm dịch là Những lời răn của Shuruppak), 2500 TCN: Văn bản cổ này là một trong những tác phẩm tiêu biểu đại điện cho một trong 3 nhóm văn chương thịnh hành của văn hóa Sumer thời bấy giờ đó là văn học giáo huấn. Tương tự các tác phẩm khác thuộc nhóm văn giáo huấn với mục đích giáo dục với những bài hoặc răn dạy đạo đức hoặc khuyên bảo để hoàn thành một việc nào đó trong thực tiễn, cuốn đất nung “Châm ngôn của Shuruppak” cũng bao gồm những bài răn, chỉ bảo những điều hay của vua Shuruppak Ziusudra đến thần dân của mình.

2) Code of Urukagina (Luật Urukagina), thế kỷ 24 TCN: Luật Urukagina được xem là bộ luật sớm nhất của một chính quyền từng được biết đến. Nó xuất phát từ vùng Lưỡng hà và có nội dung được khắc lên các phiến đất sét nung bằng tiếng Sumer vào khoảng thế kỷ 24 TCN. Đây là những đạo luật của vua Urukagina, người nắm quyền lãnh đạo tối cao của Sumer sau khi ông này lật đổ chính quyền thối nát của người tiền nhiệm Lugalanda. Những cải cách của Urukagina đã được hoan nghênh rộng rãi như là một nỗ lực đầu tiên được ghi nhận về cải cách của chính phủ, hướng tới một xã hội tự do và bình đẳng hơn. Ngoài việc đưa ra những quy định hạn chế quyền lực của giới chức sắc tu sĩ và những tay nhà giàu thì bộ luật này còn công khai tiến hành các biện pháp chống lại nạn ngược đãi phụ nữ và trẻ em, cấm việc cho vay nặng lãi, chà đạp nhân phẩm, chống đói nghèo, trộm cắp, giết người và tịch thu tài sản vô cớ.

3) Epic of Gilgamesh (Sử thi Gilgamesh), 2150 đến 2000 năm TCN: Sử thi Gilgamesh là một trong những tác phẩm văn học sớm nhất trong lịch sử nhân loại có xuất xứ từ vùng Lưỡng Hà. Bộ sử thi vĩ đại này xuất hiện vào khoảng 2150 đến 2000 năm TCN (trước 400 năm thời điểm hai tác phẩm phía trên ra đời), vốn là những tấm đất sét bên trên được khắc văn tự hình nêm có nội dung ca ngợi cuộc đời huyền thoại của vị vua anh hùng Gilgamesh. Mặc dù được viết bằng Akkad song các nhà học giả cho rằng nó vốn là một loạt truyền thuyết và thơ của người Sumer, sau khi đồng hóa với nền văn minh Akkad đã xuất hiện trong một bộ sử thi dài hơn của tộc người này. Sử thi Gilgamesh được phát hiện vào năm 1849 trong thư viện đổ nát của vua Yasu bởi nhà khảo cổ Anh Austen Henry Layard cùng trợ thủ người Arập là Hormuzd Rassam.

4) Curse of Agade (Lời nguyền của Agade), khoảng năm 2000 TCN: Là câu chuyện kể về sự sụp đổ của đế chế Akkad, một đất nước phải gánh chịu lời nguyền rủa do vị vua kiêu ngạo Naram-Suen (trị vì năm 2261-2224 TCN) đã làm ô uế đền thờ Enlil và xúc phạm thần linh khiến các vị thần tức giận và giáng xuống cư dân nước này nạn xâm lăng tàn khốc của bộ lạc người miền núi. Lời nguyền cho Agade là một trong số những bài ai ca điển hình của văn hóa Lưỡng Hà lúc bấy giờ.

5) The Debate Between Bird and Fish (Cuộc tranh luận giữa chim và cá), cuối thiên niên kỷ thứ 3 TCN: Là một tác phẩm văn học thuộc thể loại văn giáo huấn Sumer đóng vai trò quan trọng trong nền văn học Babylon cổ đại. Đây là một trong những tác phẩm lâu đời nhất của loài người còn lưu giữ lại đến nay. Các tác phẩm này chủ yếu nói về những cuộc đối thoại hoặc tranh luận tỷ dụ như cuộc đối thoại giữa giữa bò và ngựa, cây thánh liễu và cây cọ, cừu và ngũ cốc, chim và cá v.v… ra sức cạnh tranh về những ưu thế của mình nhằm nhấn mạnh những phẩm chất và ích lợi mà mình mang lại cho con người, một thể loại có thể được xem là truyện ngụ ngôn ngày nay. Nghiên cứu khoa học cho thấy, “Cuộc tranh luận giữa chim và cá” là một tác phẩm được khắc trên tấm đất sét có niên đại từ giữa đến cuối thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên.

6) Code of Ur-Nammu (Luật Ur-Nammu), 2100–2050 TCN: Được công nhận là một trong số các bộ luật cổ xưa và hoàn chỉnh nhất của nhân loại còn lưu giữ lại được đến ngày nay, “Luật Ur-Nammu” được các nhà Sumer học khẳng định là có xuất phát điểm từ vùng Lưỡng hà. Tác phẩm này được khắc trên các phiến đất sét nung bằng tiếng Sumer vào khoảng năm 2100–2050 TCN.

7) Lament for Ur (Bài ca than khóc cho vương triều Ur), 2000 TCN: Bài “Bài ca than khóc cho vương triều Ur” là một trong tác phẩm thuộc thể loại ai ca mang tính nghi thức cúng tế của người Sumer. Tác phẩm này được tác giả viết ra vào khoảng năm 2000 TCN nhằm khắc tả nỗi buồn và sự thương xót những tai họa xảy ra với dân chúng thành bang Ur khi thành phố - thủ đô của “vùng đất văn minh” bị thất thủ.

8) Enmerkar and the Lord of Aratta (Enmerkar và chúa tể Aratta), thế kỷ 21 TCN: Đây là một tác phẩm thuộc thế loại truyền thuyết sử thi kể về cuộc chiến vĩ đại giữa vị vua huyền thoại của người Sumer đó là Enmerkar và Aratta (Iran ngày nay) có niên đại khoảng thế kỷ 21 trước Công nguyên. Cùng với các tác phẩm thì “Enmerkar and the Lord of Aratta” cũng được giới khảo cổ xác định là những cuốn sách cổ nhất mọi thời đại còn được lưu trữ đến ngày nay.

Quỳnh Dao (tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/bi-an-trong-nhung-cuon-sach-co-xua-nhat-cua-nhan-loai-p1-171109/