Bí ẩn trăm năm về Thác Máu ở Nam Cực được giải mã?

Các nhà nghiên cứu ở ĐH Alaska Fairbanks và Colorado mới cho hay đã giải mã được bí ẩn về Thác Máu ở Nam Cực.

Năm 1911, nhà địa chất học người Australia Griffith Taylor phát hiện thung lũng sông băng Taylor (mang tên ông), trong đó có Thác Máu ở Nam Cực.

Một dòng thác kỳ lạ đổ xuống từ dải sông băng dài 54 km nổi bật với màu đỏ máu của nước nên được nhiều nhà khoa học gọi là "Thác máu" (Blood Falls).

Trên thực tế, màu đỏ máu của nước là do nước mặn ở thác bị nhuộm bởi các khoáng chất chứa sắt. Khi nước đổ xuống mặt băng theo định kỳ và tiếp xúc với không khí, sắt đã chuyển thành oxit sắt từ đó tạo nên màu sắc đỏ như màu máu.

Trong suốt nhiều năm, các chuyên gia, nhà khoa học đau đầu đi tìm lời giải về nguồn gốc nước mặn giàu sắt của Thác máu bí ẩnbắt nguồn từ đâu.

Nhóm nghiên cứu do nhà địa chất học Erin Pettit ở ĐH Alaska Fairbanks đứng đầu đã tiến hành khảo sát sông băng Taylor bằng radar để giải mã bí ẩn trên.

"Dòng nước mặn đỏ màu máu là một hệ sinh thái của loài vi khuẩn cổ mắc kẹt hàng triệu năm dưới lòng đất. Không ánh sáng Mặt trời, nhiệt độ chạm ngưỡng âm 5 độ C và độ mặn gấp 3 lần nước biển vẫn không giết nổi chúng. Chúng là những vi khuẩn tự dưỡng hiếm có trên Trái Đất", nhà địa chất học Erin Pettit cho hay.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Alaska Fairbanks cho thấy nước mặn có nguồn gốc từ một lớp trầm tích bị mắc kẹt suốt một triệu năm bên trong lớp băng.

"Thật khó tin khi phát hiện một hồ nước lỏng tồn tại bên dưới lớp băng dày lạnh dưới 0 độ. Điều thú vị là, hồ nước chứa các chất sắt này lại cực mặn khiến nó không thể đóng băng. Và hồ nước lỏng đó lại trở thành môi trường sinh thái cho loại vi khuẩn tự dưỡng cổ sinh sống", nhà địa chất học Erin Pettit nói.

Tâm Anh (theo LS, Glaciology)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/bi-an-tram-nam-ve-thac-mau-o-nam-cuc-duoc-giai-ma-862077.html