BHYT bao phủ 82% dân số

Đó là tin vui được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin đến các cơ quan báo chí tại hội nghị cung cấp thông tin định kỳ tháng 2/2017 diễn ra chiều 21/2, do Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn chủ trì.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chủ trì hội nghị. Ảnh: Trần Kiên

BHXH Việt Nam cho biết, số người tham gia BHXH bắt buộc hiện nay là 13 triệu người; BH thất nghiệp là 11,2 triệu người, BHXH tự nguyện là 225 nghìn người, BH y tế (YT) là 76,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 82% dân số.

Trong 2 tháng đầu năm 2017, toàn ngành thu 33.371 tỷ đồng, đạt 11,8% so với dự kiến kế hoạch, tăng 7.539 tỷ đồng (28%) so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: Thu BHXH bắt buộc là 22.992 tỷ đồng; thu BHXH tự nguyện là 130 tỷ đồng; thu BHTN là 1.830 tỷ đồng; thu BHYT là 8.419 tỷ đồng.

Toàn ngành giải quyết chế độ BHXH cho 1,09 triệu lượt người, tăng 50 nghìn lượt người (5%) so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó: 26,4 nghìn người hưởng BHXH hàng tháng; 82,5 nghìn lượt người hưởng trợ cấp 1 lần; 974,3 nghìn lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe.

Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho 22,8 triệu lượt người, tăng 1,5 triệu lượt người (6,7%) so với cùng kỳ năm 2016.

Phối hợp giải quyết cho 155,3 nghìn lượt người hưởng chế độ BHTN, tăng 4,7% so với cùng kỳ 2016.

Số chi BHXH, BHYT toàn ngành ước đến 28/2/2017 là 44 nghìn tỷ đồng (tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó: Chi BHXH từ nguồn ngân sách 9,1 nghìn tỷ đồng, chi từ Quỹ BHXH bắt buộc 23,8 nghìn tỷ đồng, chi BHTN là 598,2 tỷ đồng và chi từ Quỹ BHYT 10,6 nghìn tỷ đồng.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế thông tin về công tác lập hồ sơ sức khỏe cá nhân. Ảnh: TK

Đại diện Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã thông tin về tiến độ lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT và chăm sóc sức khỏe toàn dân, một chủ trương lớn của Chính phủ mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo.

Quy trình gồm: Xây dựng dự thảo kế hoạch kế hoạch lập hồ sơ và thực hiện quản lý sức khỏe cá nhân gắn với bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Sau đó trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt. Tiếp đó là xây dựng dự thảo hồ sơ quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục; hồ sơ quản lý sức khỏe bao gồm các thông tin chung về nhân thân và một số thông tin tiền sử sức khỏe, bệnh tật phù hợp nhóm đối tượng chia theo độ tuổi: Trẻ em dưới 5 tuổi, độ tuổi học đường (6 - 18 tuổi), người trưởng thành (18 - 59 tuổi), người cao tuổi (từ 60 tuổi), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi).

Hiện nay đã triển khai được ở một số địa phương như: Phú Thọ, Bắc Ninh, TP Hà Nội.

Tại hội nghị, đại diện BHXH Việt Nam và các bộ, ngành đã trả lời các câu hỏi của phóng viên xung quanh một số nội dung như: Giải quyết khó khăn trong triển khai thông tuyến khám chữa bệnh; truy thu 16 tỷ đồng của các cơ sở khám chữa bệnh chi sai trong khám chữa bệnh BHYT, các biện pháp chống thất thoát quỹ BHYT; vấn đề khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH; lập hồ sơ sức khỏe cá nhân; tăng giá dịch vụ y tế, lộ trình đối với bệnh nhân không có thẻ BHYT; lộ trình trao sổ bảo hiểm cho người lao động…

Trần Kiên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/bhyt-bao-phu-82-dan-so_t114c9n115402