Bếp quê

Những lúc thảnh thơi, ngồi 'ôn cố tri tân' cùng bạn bè bên ấm trà hay khi dông dài kể chuyện cho sắp nhỏ, tôi vẫn thường nhắc đến thời thơ bé với biết bao kỷ niệm. Và, chuyện gì thì chuyện, nhưng những ký ức đẹp về góc bếp ấm nồng của gia đình thì không thể thiếu.

Quê tôi ở dải đất miền Trung nghèo khó. Những ngày tháng Chạp, bầu trời vần vũ mây đen, gió bấc thổi thốc từng cơn và cái lạnh cũng tràn về. Khi ấy, căn bếp trở nên quan trọng trong mỗi gia đình. Là bởi, ngoài công dụng nấu cơm 3 bữa, căn bếp còn là nơi sưởi ấm tốt nhất đối với người già sau những buổi ra đồng, sau những lần kéo vó, giăng câu bì bõm dưới sông.

Với không ít nếp nhà, bếp luôn đỏ lửa suốt cả ngày đêm trong tháng Chạp. Nhà thì thắp bếp lửa hồng bằng than, nhà thì nhen lửa bằng gốc tre, lá dừa, lá cây dương liễu khô, bã mía. Điều này cho thấy sự vất vả biết dường nào để có được bếp lửa luôn đỏ trong tháng Chạp khi cái nắng hiếm hoi để phơi hong chất đốt. Hình ảnh ấy luôn đọng mãi trong ký ức của tôi. Và vì thế, tôi thương mến xiết bao làn khói lam chiều.

Minh họa: Huyền Trang

Nhà nghèo nên thường chỉ những ngày áp Tết, căn bếp của gia đình tôi mới được đủ đầy. Vui nhất là khi mẹ tôi chuẩn bị làm bánh Tết. Mẹ vẫn bảo, dù có khó khăn đến đâu, có đầu tắt mặt tối, có bươn chải thế nào thì mấy ngày Tết cũng phải tươm tất, chu toàn.

Thế mới biết, để có được niềm vui trong những ngày đầu năm mới của con cái là sự vất vả lo toan tháng tháng ngày ngày của cha mẹ. Cha bươn chải chạy ngược chạy xuôi trên đồng dưới ruộng để có cái ăn, mẹ cặm cụi với đôi bàn tay thoăn thoắt lo toan chuyện bếp núc.

Thời bấy giờ, chính cái khó bó cái khôn nên mọi gia đình đều toan tính, liệu cơm gắp mắm để chuẩn bị tự làm bánh trái. Để có được nguyên vật liệu làm bánh đâu phải nhà nào cũng đầy đủ nên việc chạy đôn chạy đáo để đổi chác, mượn gom cũng đã vất vả lắm rồi. Nhưng đổi lại là tình cảm người nhà quê rất thực thà, nhường cơm sẻ áo, đùm bọc lẫn nhau người có nếp tẻ người có ít đường, quả trứng, lon mè ngỏ lời cùng trao qua đổi lại, thấm đẫm tình làng nghĩa xóm.

Chỉ riêng chuyện làm bánh cho mỗi gia đình cũng bỏ ra nhiều công sức. Ở quê tôi rất chuộng với các loại bánh bình dân như: bánh nổ, bánh in, bánh thuẫn, bánh mè (khao khảo) và mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai lang...

Còn bánh tét thì hầu như nhà nào cũng có. Nhưng vui nhất là chuyện đóng bánh nổ bởi có sự giúp nhau rất thân tình. Những trai tráng trong làng thấy nhà nào neo người, góa bụa, hoặc chỉ có toàn phái nữ thì tự giác đến cầm vồ đóng giúp và đây cũng là cơ hội để các nam thanh nữ tú gặp gỡ, hẹn hò, cũng có nhiều trường hợp thành vợ thành chồng sau đó.

Riêng đối với lũ trẻ con chúng tôi, ngoài giờ đi học về là không muốn xa mẹ và xa bếp lửa. Khi thì háo hức chờ đợi để được hưởng vị ngọt ngon với một ít đường sém bám dưới đáy chảo, khi thì được mẹ cho 1 chiếc bánh thuẫn thơm lừng. Cũng nhiều khi lại phụ mẹ gói bánh tét, năn nỉ mẹ gói cho 1 chiếc nhỏ xinh để sau khi vớt bánh là có cái để ăn liền.

Bếp lửa tháng Chạp trong tôi còn biết bao chuyện để nói, để kể. Mỗi lần nhắc nhớ, kỷ niệm lại thêm đong đầy. Để hôm nay nhìn lại, tôi thấy nhớ thấy thương bếp lửa quê mình.

NGUYỄN TẤN HỶ

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/bep-que-post260291.html