Bếp lửa đoàn viên

Bếp lửa đoàn viên

8:15:20 - 5/2/2022

Năm nay, vào những ngày tết cổ truyền của dân tộc, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương liên tục cập nhật thông tin về tình trạng rét đậm rét hại từ các tỉnh miền Bắc đến Trung Trung Bộ. Ở khu vực trung du, nhiệt độ dao động từ 12-150C. Và cũng bởi không khí lạnh tràn về, mỗi người, mỗi nhà càng xích lại gần nhau hơn, truyền hơi ấm cho nhau qua từng cách riêng, thậm chí mang đặc trưng vùng miền. Ở nhiều vùng quê Hà Tĩnh vẫn duy trì bếp lửa hồng để sưởi ấm và gắn kết mọi người lại với nhau trong những ngày đầu xuân mới.

Thông thường, ngay trước thời khắc giao thừa, trong gian bếp, từng mớ củi khô được chất lên thành đống để hun lửa. Theo quan niệm của người già truyền lại, đêm giao thừa, vào thời khắc chuyển giao năm cũ, đón chào năm mới, mỗi nhà phải nhóm đống lửa. Khi ngọn lửa cháy rực, từng viên than đỏ hồng mang theo quan niệm xua tan đi những muộn phiền, xui rủi của năm cũ. Bếp lửa cũng là ánh sáng hi vọng về một năm mới sung túc, may mắn và bình an.

Là người con xa quê lâu ngày trở về đoàn tụ cùng gia đình, hơi ấm từ những viên than hồng đưa tôi trở về cảm xúc vẹn nguyên từ những ngày còn thơ bé. Đó là những ngày xuân, bên bếp lửa hồng cùng cha mẹ và các anh chị em quây quần thưởng thức món bánh chưng xanh quện mật mía thơm lừng, ăn kèm củ kiệu, dưa hành. Hương vị tết quê cứ thế ùa về trong câu chuyện của những người con xa quê lâu ngày gặp lại. Ký ức của những ngày thơ bé nghèo khó nhưng đầm ấm tình thân.

Trong cái rét căm căm, bếp lửa không chỉ sưởi ấm những người con xa quê lâu ngày gặp lại mà còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Ông Bùi Xuân Định, Bí thư Đảng ủy xã đi chúc tết cũng ghé vào: “Cứ ngồi bên bếp lửa này, ăn miếng trầu, uống bát nước chè xanh là vui nhất, ấm nhất”. Vừa tạm biệt ông Bí thư Đảng ủy xã, một nhóm người già, trẻ nhỏ trong xóm lại đến chúc tết gia đình. Quây quần bên bếp lửa, những tiếng nổ lách tách của than hồng khiến những đứa trẻ thích thú.

Nhấp ngụm chè xanh, vừa nhai trầu, bà Loan hàng xóm vừa kể cho chúng tôi nghe về chuyện những người con trai của bà đi xuất khẩu lao động, năm nay được về quê đón tết cùng gia đình. Bà Loan chia sẻ: Năm ngoái dịch Covid-19 mới bùng phát, hai người con trai đi làm ăn xa phải ở lại xứ người đón tết. Năm nay, dù dịch bệnh vẫn còn nhưng nhờ được tiêm đủ vắc xin, Nhà nước có chính sách “mở cửa”, tạo điều kiện cho lao động về quê ăn tết nên các thành viên trong gia đình đoàn tụ đủ cả. Hạnh phúc của người già chỉ thế thôi, được sum vầy cùng con cháu là vui nhất”.

Bé Su (7 tuổi) theo cha từ Sài Gòn về quê nội Hà Tĩnh ăn tết cũng vui không kém. Huơ huơ đôi bàn tay bé xíu bên bếp lửa, bé nói: “Con thấy nhà có bếp lửa rất lạ, nhưng trời rét thế này, các bà các ông cùng ngồi quây quần bên bếp lửa đón tết con thích lắm. Năm sau con lại muốn cùng ba về quê ăn tết”. Không chỉ chuyện hôm nay, những câu chuyện ngày xưa cũng trầm vang theo từng đợt lửa đỏ.

Những cái tay bắt mặt mừng, giọng nói ấm áp, chân tình từ người đứng đầu một xã đến các cụ tuổi ngoài 70 bên bếp lửa hồng khiến tôi nhớ mãi.

Bếp lửa không đơn giản chỉ là “địa chỉ” sưởi ấm những ngày xuân lạnh giá mà đã trở thành điểm hò hẹn của tình thân, nghĩa xóm.

Trở về với quê nhà trong những ngày tết, hình ảnh “một bếp lửa ấp iu nồng đượm” mà nhà thơ Bằng Việt từng khắc họa càng hiện hữu sống động và ấm áp ân tình. Nơi bếp lửa ấy vẫn kết nối bao câu chuyện tình đất tình người, tính cố kết cộng đồng làng xã. Bếp lửa mang theo chan hòa, hơi ấm của mỗi người con đất Việt hòa vào khí sắc của đất trời vào xuân.

Thái Hà

Bắt đầu từ ngày 7-9-2020, Báo Bình Phước online mở Chuyên mục “Điều giản dị”.

Đây sẽ là “sân chơi” mới cho tất cả độc giả trên mọi miền đất nước với những góc nhìn dung dị nhưng giàu ý nghĩa xã hội, được nhiều người đồng cảm và mang đúng tiêu chí của chuyên mục là “điều giản dị”.

Bài viết gửi về: baoindientu.thoisu@gmail.com; ĐT: 0888.654.509.

Tòa soạn sẽ trả nhuận bút cho tác giả có bài viết được đăng theo quy định.

Chi tiết xem tại đây

BBT

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/0/130431/bep-lua-doan-vien