Bệnh viện Y học cổ truyền trước tình trạng quá tải

Trong 6 tháng đầu năm 2022, công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh là hơn 125%, riêng trong tháng 6 là 171%, thậm chí nhiều thời điểm lên tới 200%.

Quá tải ngay từ khoa, phòng

Cùng lãnh đạo bệnh viện đi thực tế, chúng tôi nhận thấy, tại Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh, 4 giường bệnh trong phòng làm thủ thuật xoa bóp đã kín bệnh nhân, nhưng vẫn còn hơn 20 bệnh nhân đang ngồi chờ ngoài sảnh. Bà Bàn Thị Huê, thôn Đông Căm, xã Gia Phú (Bảo Thắng) điều trị đau thần kinh tọa, cho biết: Khi đi làm các thủ thuật châm cứu, điện xung, xoa bóp, tôi thường phải chờ đợi khá lâu mới đến lượt. Phòng điều trị đông, nhưng may thay hầu hết bệnh nhân thường trú tại thành phố, tối về nhà nghỉ, nên tôi không phải nằm ghép.

Cán bộ y tế thực hiện thủ thuật xoa bóp phục vụ nhiều lượt bệnh nhân.

Cán bộ y tế thực hiện thủ thuật xoa bóp phục vụ nhiều lượt bệnh nhân.

Công việc của điều dưỡng viên Bùi Thị Hà bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút. Do quen việc nên chị day, ấn huyệt, xoa bóp liên tục cả mấy giờ đồng hồ cho nhiều bệnh nhân mà không nghỉ. Chị Hà tâm sự: Xoa bóp là thủ thuật cần nhiều sức nhất, bởi làm hoàn toàn bằng tay. Số lượng điều dưỡng chưa tương ứng với lượng bệnh nhân, nên công việc của chúng tôi gấp 2 - 3 lần, buộc phải làm việc cả ngoài giờ hành chính để có thể hoàn thành thủ thuật cho người bệnh.

Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh là nơi đông bệnh nhân nhất của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, thời điểm chúng tôi ghi nhận có 28 giường bệnh kế hoạch, nhưng thực tế khoa phải kê thêm 10 giường và con số tiếp nhận điều trị nội trú liên tục lên đến 50 - 60 bệnh nhân, bác sỹ buộc phải cho nằm ghép. Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng khoa Châm cứu - Dưỡng sinh bộc bạch: Do quá tải bệnh nhân nên trong giờ làm việc, chúng tôi tập trung nhân lực làm đủ thủ thuật và các công việc hành chính, còn bệnh án phải làm ngoài giờ vào mỗi tối hoặc hoàn thiện vào thứ Bảy, Chủ nhật.

Tương tự, tại Khoa Nội - Nhi có 28 giường bệnh kế hoạch, nhưng số giường thực kê lên tới 38 giường và luôn trong tình trạng quá tải, có thời điểm phải tiếp đón, điều trị hơn 60 bệnh nhân, tính ra thường xuyên vượt 150% đến 200% công suất. Bác sỹ Nguyễn Hương Sen, Trưởng khoa cho biết, lượng bệnh nhân đông, khoa có nhiều dịch vụ thủ thuật nên cường độ làm việc của y, bác sỹ rất lớn, thường xuyên phải làm quá giờ. Không chỉ là giường bệnh, mà con người, máy móc, thiết bị cũng là vấn đề lớn. Ví dụ như máy oxy cao áp hỗ trợ chữa trị cho bệnh nhân có bệnh lý đau đầu, mất ngủ, điếc đột ngột và các bệnh lý tự miễn... có thời điểm bệnh nhân lên đến 50 đến 60 người, nhưng cả bệnh viện chỉ có 1 máy, chỉ có thể phục vụ 8 bệnh nhân/ngày, số bệnh nhân nhiều hơn buộc phải cắt chỉ định.

Hướng đến giải pháp bền vững

Giai đoạn 2017 - 2020, công suất sử dụng giường bệnh của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh chỉ đạt tối đa 95%, đến năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19, nhưng con số này tăng lên 123%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện lên tới 125%, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, có nhiều thời điểm lên đến 200%.

Trong khi đó, tổng số viên chức, người lao động làm việc tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đang thấp so với số giường bệnh được giao, chỉ có 93 người trong định biên 110 người. Một nguyên nhân khác là bệnh viện đang tăng cường cán bộ đi đào tạo, một số cán bộ nghỉ chế độ, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực, buộc y, bác sỹ phải liên tục làm việc ngoài giờ và làm kéo dài. Nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực cục bộ, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh đã cơ cấu lại bộ máy, tổ chức, bố trí, sắp xếp hợp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của nguồn nhân lực sẵn có. Mới đây, bệnh viện đã giải thể bộ phận xoa bóp thuộc Khoa Phục hồi chức năng để tăng cường nhân lực cho các bộ phận đang cần kíp nhân lực. Nhiệm vụ cũng được điều tiết giữa các khoa để giảm tải cho những thời điểm có áp lực lớn về điều trị bệnh nhân. Ban Giám đốc Bệnh viện cũng chỉ đạo quyết liệt việc triển khai bệnh án điện tử để giải phóng một số nhân lực, tạo điều kiện cho nhân viên có thêm thời gian chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Bệnh nhân chờ để được thực hiện các thủ thuật tại Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh.

Bệnh nhân chờ để được thực hiện các thủ thuật tại Khoa Châm cứu - Dưỡng sinh.

Đứng trước yêu cầu về thực hiện cơ chế tự chủ, bên cạnh việc được đầu tư cơ sở vật chất, trang - thiết bị, thì việc thông tuyến tỉnh bảo hiểm y tế đã tạo thuận lợi để bệnh nhân đến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh khám và điều trị. Các yếu tố mang tính quyết định khiến Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân là việc cơ cấu lại bộ máy, tổ chức, bố trí, sắp xếp khoa, phòng, nâng cao năng lực, y đức của đội ngũ cán bộ.

Bác sỹ Mai Xuân Trung, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: Hiện nay, nhu cầu điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại trong Nhân dân ngày càng tăng, chúng tôi cũng luôn nỗ lực trở thành địa chỉ tin cậy của người bệnh. Mặc dù công suất giường bệnh luôn đạt 200%, nhưng đơn vị vẫn đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất có thể. Tuy nhiên, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám - chữa bệnh và sức khỏe của cán bộ y tế. Chỉ tiêu giường bệnh của bệnh viện hiện là 110 giường, đang rất thấp so với yêu cầu thực tế, cần được nghiên cứu, xem xét để đầu tư tăng chỉ tiêu giường bệnh. Bệnh viện cũng đang tháo gỡ bằng việc đề xuất cấp có thẩm quyền để bệnh viện được ký hợp đồng lao động bù vào vị trí những cán bộ đi học dài hạn từ 6 tháng trở lên.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/358713-benh-vien-y-hoc-co-truyen-truoc-tinh-trang-qua-tai