Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành 'lá cờ đầu' của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Những dấu ấn tự hào

Từ một bệnh xá nhỏ với 10 giường bệnh đơn sơ (thời điểm thành lập năm 1964), đến nay, Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An đã trở thành bệnh viện hạng I tuyến tỉnh với cơ cấu 750 giường bệnh. Hệ thống cơ sở vật chất của bệnh viện ngày càng được đầu tư đồng bộ khang trang hiện đại, nhằm cung cấp dịch vụ KCB chất lượng cao, nâng cao sự hài lòng của người bệnh.

Đồng thời, bệnh viện tăng cường đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại, ứng dụng hiệu quả vào điều trị như: Máy điện châm đa năng thay thế phương pháp châm cứu; máy sóng xung kích tác dụng chống viêm, giãn cơ giảm đau; máy siêu âm, máy điều trị nhiệt nóng lạnh giúp giãn cơ, giảm sưng viêm; máy kéo giãn cột sống; máy sóng ngắn; máy oxy cao áp...

Hệ thống trang thiết bị của bệnh viện được đầu tư hiện đại, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người bệnh. Ảnh: San Hoa

Xác định bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua bệnh viện thường xuyên tổ chức cho bác sĩ, nhân viên y tế các đợt tập huấn, cử đi đào tạo chuyên sâu tại các trường đại học hàng đầu, bệnh viện và viện lớn. Bởi vậy, đội ngũ nhân lực ngày càng phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.

Từ 210 cán bộ (năm 2019), trong đó tỷ lệ đại học chiếm 14,7%, đến nay bệnh viện có 467 cán bộ, tỷ lệ đại học chiếm 75%; trong đó có 22 người là tiến sĩ/CKII; 82 thạc sĩ/ CKI; 251 người có trình độ đại học.

Nền tảng cơ sở vật chất cùng với đội ngũ nhân lực chất lượng, tạo tiền đề để đơn vị phát triển mạnh mẽ các kỹ thuật mũi nhọn chuyên sâu, điển hình như: kỹ thuật "Điều trị di chứng liệt" do tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống; qua đó, đã phục hồi chức năng thành công cho hàng ngàn người bệnh, giúp họ sống vui, sống khỏe.

Bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị. Ảnh: San Hoa

Đặc biệt từ năm 2019, Bệnh viện triển khai kỹ thuật "Nội soi ống cứng can thiệp - Tiêm xơ búi trĩ" bằng thuốc PG60 điều trị thành công cho gần 2 nghìn người; tạo nên dấu ấn thương hiệu của Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An…

Phát huy hiệu quả tinh hoa dược học cổ truyền, những năm gần đây, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An đã chú trọng đầu tư hệ thống máy móc phục vụ sản xuất, chế biến dược liệu hiện đại; tạo dây chuyền khép kín, đồng bộ theo quy trình.

Đến nay, Bệnh viện đã tự chế biến trên 90% dược liệu và sản xuất gần 40 mặt hàng thuốc từ dược liệu (với dây chuyền có công suất sử dụng 100 kg thuốc/ngày); đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị cho bệnh nhân cả về số lượng và chất lượng.

Hiện nay, bệnh viện đã sản xuất được gần 40 mặt hàng thuốc từ dược liệu. Ảnh: San Hoa

Phấn đấu xây dựng "Bệnh viện hiện đại - thông minh - thân thiện"

Năm 2023 là dấu ấn thành công vượt bậc về chuyển đổi số, thực hiện cải cách hành chính tại Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An. Bệnh viện là 1 trong 4 đơn vị được Sở Y tế chọn xây dựng mô hình "Bệnh viện thông minh"; đến nay đơn vị đạt mức 6 về ứng dụng công nghệ thông tin vào toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh và đạt tiêu chuẩn bệnh viện hoàn thành "Bệnh án điện tử".

Để người bệnh được thụ hưởng nền y tế chuyên nghiệp trong môi trường thân thiện, các buồng bệnh đều được đầu tư các thiết bị hiện đại cùng với các dịch vụ tiện ích như phần mềm TVinfo cung cấp kiến thức sức khỏe và chương trình truyền hình giải trí, hệ thống âm thanh để người bệnh nghe nhạc thư giãn.

Trải qua quá trình phát triển, mở rộng thêm nhiều khoa phòng, Bệnh viện vẫn luôn ưu tiên duy trì diện tích khuôn viên cây cảnh và xây dựng thêm nhiều công trình xanh mới trong toàn Bệnh viện. Nhờ đó, người bệnh, người nhà và nhân viên Bệnh viện luôn cảm thấy thư giãn, thoải mái khi sinh hoạt trong môi trường thân thiện, xanh mát.

Bệnh viện đã thường xuyên chủ động tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện lớn và đầu ngành. Ảnh: San Hoa

Ngoài ra, Bệnh viện chú trọng cải tiến quy trình tiếp nhận, khám, điều trị, đồng thời ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào các khâu khám chữa bệnh, tiến tới lộ trình số hóa bệnh viện. Cùng với đó, bệnh viện quan tâm bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng xây dựng phong cách, thái độ phục vụ văn minh thân thiện trong đội ngũ nhân viên; đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Với chủ trương đúng đắn, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc, sự đoàn kết đồng lòng của các tổ chức đoàn thể và cán bộ viên chức, những năm gần đây, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An đã có bước chuyển mình mạnh mẽ; chất lượng công tác chuyên môn và tinh thần thái độ trong tiếp xúc, chăm sóc và điều trị cho người bệnh được nâng cao. Nhờ đó, Bệnh viện trở thành địa chỉ y tế tin cậy của người dân trong tỉnh và khu vực; lượng bệnh nhân điều trị nội trú ngày càng tăng, mỗi ngày trung bình từ 1.200 - 1.400 người.

"Nhìn lại chặng đường 60 năm qua là dịp để tập thể Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An tiếp tục nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy tinh thần "dám nghĩ - dám làm - dám đổi mới - dám đương đầu - dám chịu trách nhiệm" để hoàn thành mục tiêu xây dựng Bệnh viện tuyến cuối y học cổ truyền khu vực Bắc Trung Bộ.

Đơn vị sẽ tiếp tục phát huy các giá trị y học cổ truyền kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt với các kỹ thuật tiên tiến của y học hiện đại để nâng cao hiệu quả điều trị; đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, từng bước xây dựng, hoàn thiện một bệnh viện chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện, hiện đại; phục vụ nhu cầu KCB ngày càng cao và đảm bảo công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới" - Bác sĩ CKII Hồ Văn Thăng - Giám đốc Bệnh viện khẳng định.

Đinh Nguyệt - San Hoa; (Kỹ thuật: Tùng Linh)

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/benh-vien-y-hoc-co-truyen-nghe-an-dau-an-60-nam-khang-dinh-vi-the-la-co-dau-cua-nganh-y-te-post287887.html