Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa: Điều trị thành công bệnh lý co giật nửa khuôn mặt

Nằm trong đề án bệnh viện vệ tinh, ê-kíp y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đã điều trị cho nhiều bệnh nhân bị co giật nửa khuôn mặt bằng phương pháp vi phẫu giải ép vi mạch. Đây là một kỹ thuật khó, chuyên sâu chỉ được áp dụng ở các BV tuyến Trung ương.

Điều trị gần 30 ca

Bệnh nhân N.T.X (59 tuổi, trú xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) điều trị tại BVĐK tỉnh vào tháng 10-2023 trong tình trạng khuôn mặt bên trái bị co giật từng cơn và có nhiều cơn trong ngày, kéo dài hơn 5 năm nay. Sau khi khám, hội chẩn và thực hiện các cận lâm sàng, ê-kíp bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh, BVĐK tỉnh xác định nguyên nhân gây bệnh lý trên do một mạch máu chèn ép vào dây thần kinh số 7 (dây thần kinh mặt) của bệnh nhân và được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp vi phẫu giải ép vi mạch. Sau 10 ngày hậu phẫu, tình trạng co giật trên khuôn mặt bệnh nhân đã chấm dứt.

Ê-kíp y, bác sĩ Khoa Ngoại Thần kinh thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhân mắc bệnh lý co giật nửa mặt.

Mới đây, cuối tháng 3, các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh cũng phẫu thuật thành công một trường hợp bệnh nhân bị co giật nửa mặt. Theo đó, bệnh nhân Đ.N.H.N (32 tuổi, trú TP. Nha Trang) đến khám tại BV với triệu chứng nửa mặt phải, mắt và miệng giật liên tục. Qua khai thác bệnh sử, khám bệnh và chụp MRI sọ não xác định dây thần kinh số 7 bên phải của bệnh nhân bị chèn ép bởi một mạch máu liền kề, gây ra tình trạng trên. Sau khi được tư vấn, bệnh nhân đã lựa chọn điều trị bằng phương pháp phẫu thuật giải ép vi mạch dây thần kinh số 7. Bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh trực tiếp tiến hành phẫu thuật cùng sự hỗ trợ của Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Hồng Hải - chuyên gia phẫu thuật thần kinh tại BV Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân được xuất viện 6 ngày sau đó, các triệu chứng co giật nửa mặt hoàn toàn biến mất. Đây là 2 trong gần 30 ca bị mắc bệnh lý này được điều trị thành công tại BVĐK tỉnh.

Tỷ lệ thành công đạt gần 100%

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Phước - Trưởng khoa Ngoại thần kinh BVĐK tỉnh, co giật nửa mặt là một rối loạn chức năng của dây thần kinh mặt (dây thần kinh số 7). Biểu hiện đặc trưng đầu tiên là người bệnh sẽ bị giật ở mí mắt, thời gian sau sẽ tiến triển đến giật các cơ vùng gò má và lan dần đến toàn bộ một bên mặt. Cơn co giật cơ mặt có thể gây mất ngủ, hạn chế khả năng nhìn, làm cản trở những hoạt động hàng ngày như đọc sách, xem ti vi hoặc lái xe, đặc biệt là vấn đề thẩm mỹ, làm bệnh nhân mất tự tin trong giao tiếp. Điều trị bệnh lý này có nhiều cách, những trường hợp nhẹ có thể dùng các thuốc dạng uống hoặc tiêm. Với các trường hợp tái phát hoặc nặng dần lên, điều trị vi phẫu thuật giải ép vi mạch là phương pháp mang lại hiệu quả rất tốt cho người bệnh, với tỷ lệ thành công cao, hơn 90%. Ở phương pháp này, các bác sĩ mở đường mổ dưới chẩm sau xoang sigma, tiến hành bóc tách các quai động mạch chèn ép ra khỏi dây thần kinh số 7 và dùng một miếng Teflon chèn vào giữa để ngăn mạch máu không chèn trực tiếp vào dây thần kinh. Phương pháp này đòi hỏi tay nghề rất cao của người phẫu thuật bởi hệ thống mạch máu xung quanh khu vực chèn liên quan tới nhiều cấu trúc quan trọng của não, dây thần kinh sọ, mạch máu nội sọ…, nếu kỹ thuật không vững dễ làm tổn thương các cấu trúc xung quanh dẫn tới một số biến chứng. Tại BVĐK tỉnh, qua thực hiện gần 30 ca, đến nay không có ca biến chứng nào, tỷ lệ thành công đạt gần 100%.

Được biết, nằm trong đề án BV vệ tinh, năm 2017, ê-kíp y, bác sĩ BVĐK tỉnh tiếp nhận kỹ thuật này từ BV Chợ Rẫy và Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Sau thời gian chuyển giao theo hướng cầm tay chỉ việc, đến năm 2020, đội ngũ y, bác sĩ BVĐK tỉnh đã thực hiện độc lập kỹ thuật trên. Hiện nay, phẫu thuật này đã được triển khai thường quy tại BVĐK tỉnh, vừa điều trị hiệu quả, vừa giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí khi không phải chuyển lên tuyến trên.

Theo bác sĩ Phước, co giật nửa khuôn mặt là bệnh lý hiếm gặp với tỷ lệ mắc trên thế giới khoảng 10/100.000 dân. Nguyên nhân phổ biến là do mạch máu bị đè ép, phần lớn là động mạch hố sau; ngoài ra, cũng có thể do bị u não, dị dạng mạch máu não… Độ tuổi thường bị mắc bệnh từ 45 đến 55 tuổi, nam bị nhiều hơn nữ.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202404/benh-vien-da-khoa-tinh-khanh-hoa-dieu-tri-thanh-cong-benh-ly-co-giat-nua-khuon-mat-70700c6/