Bệnh viện dã chiến đầu tiên ở TP.HCM giải thể

Sau 100 ngày hoạt động, Bệnh viện dã chiến số 4 điều trị gần 20.000 bệnh nhân và 53 nhân viên bị phơi nhiễm nCoV.

Từ khu tái định cư hoang sơ, Bệnh viện dã chiến số 4 (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã được hình thành thần tốc và trở thành đại bản doanh điều trị Covid-19 lớn nhất phía Tây Nam thành phố.

Sau hơn 100 ngày hoạt động, Sở Y tế TP.HCM tuyên bố Bệnh viện dã chiến số 4 chính thức hoàn thành sứ mệnh.

100 ngày nếm đủ ám ảnh một đời

Ngày 6/6, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố được giao quản lý và vận hành Bệnh viện dã chiến số 4. Cơ sở vật chất được giao là khu nhà tái định cư chưa sử dụng đã hơn 10 năm, không thang máy, bao gồm 20 block nhà trải rộng trên diện tích hơn 30 ha.

Bệnh viện bắt đầu nhiệm vụ vào ngày 7/7. Sau 5 ngày mở cửa, hơn 4.000 bệnh nhân Covid-19 được chuyển đến. Ngày 4/8, do số ca bệnh nặng tăng cao, bệnh viện chủ động thành lập phòng cấp cứu và khu hồi sức cấp cứu với 185 giường oxy.

 Bệnh viện dã chiến số 4 được trưng dụng từ khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh viện dã chiến số 4 được trưng dụng từ khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Nhớ lại giai đoạn này, ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, kể: "Bệnh viện rất rộng lại không có thang máy. Những lúc nhiều bệnh nhân suy hô hấp, bộ đội, dân quân tự vệ và y bác sĩ thay phiên vác bình oxy nặng, chạy ngược suốt đêm".

Ở thời điểm đỉnh dịch, ngày đông nhất lên đến 4.089 bệnh nhân (ngày 16/7) điều trị ở Bệnh viện dã chiến số 4. Số lượng bệnh nhân nặng là 176 người cần hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn (oxy canula, oxy mặt nạ, HFNC, CPAP, thở máy, sử dụng vận mạch…).

 Nhân viên y tế và tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến số 4 tổ chức Trung thu cho trẻ em F0. Ảnh: Nghi Hong.

Nhân viên y tế và tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến số 4 tổ chức Trung thu cho trẻ em F0. Ảnh: Nghi Hong.

Ngày 14/10, Bệnh viện dã chiến số 4 tiễn những F0 nặng cuối cùng xuất viện. Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, nói: "Chúng tôi chứng kiến từng câu chuyện đến mỗi hoàn cảnh riêng của mỗi người. Khi chuẩn bị khép lại một hành trình đầy gian khó, nhìn lại tuy không quá dài nhưng cũng đủ gai góc day dứt một niềm ám ảnh của cả một đời người".

Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Hoàng Thắng, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chia sẻ sau một tháng ở bệnh viện dã chiến, anh không còn thói quen tắt điện thoại lúc ngủ, vì chuông sẽ reo bất kể ngày đêm.

Nam bác sĩ trải qua nhiều cung bậc, cảm xúc, từ háo hức những ngày đầu, rồi vui mừng khi nghe F0 xuất viện, đến cả cảm giác chán chường, thất vọng khi không cứu được bệnh nhân. "Có những ngày chúng tôi bế tắc nhưng bằng năng lượng vô hình, tất cả vẫn mạnh mẽ gắng gượng", bác sĩ Thắng chia sẻ.

Sẵn sàng trở lại khi thành phố cần

Tính đến 14/10, tổng bệnh nhân được điều trị tại đây là 16.129, trong đó, 2.523 trẻ dưới 16 tuổi, 706 người lớn trên 65 tuổi. Số bệnh nhân tử vong là 61 (0,38%), chuyển viện tầng trên 551 trường hợp (3,4%).

Nhiều ngày qua, các nhân viên y tế Bệnh Viện Nhi đồng Thành phố và dân quân tự vệ tích cực dọn dẹp, trả lại mặt bằng cho khu tái định cư.

Hàng nghìn ghế bố, bàn ghế, quạt máy, xô chậu, các vật dụng từng được điều động, vận động từ khắp nơi để làm chỗ ăn ở tạm của hàng vạn F0 và cả cho các y bác sĩ, dân quân trực chiến, đã được thu gom lại.

Ngay sau khi những F0 cuối cùng xuất viện, tất cả vật dụng trên cũng được điều chuyển về Bệnh Viện Nhi đồng Thành phố.

 ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tiễn những F0 cuối cùng xuất viện. Ảnh: Nghi Hong.

ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tiễn những F0 cuối cùng xuất viện. Ảnh: Nghi Hong.

Theo ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, từ khi thành lập đến nay, tổng lượt nhân sự được điều động tham gia bệnh viện dã chiến là 798 người.

Trong đó có sự hợp sức chi viện từ Bệnh viện Bình Tân, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, đoàn y tế Phú Thọ và 262 dân quân điều động từ Bộ Tư Lệnh TP.HCM.

Trong suốt 100 ngày hoạt động, 53 nhân viên (gồm 20 nhân viên y tế và 33 dân quân) bị phơi nhiễm, chiếm 6,6%. Tất cả đều được điều trị, quan tâm chăm sóc và khỏi bệnh, khỏe mạnh.

"Bệnh viện dã chiến sẽ tạm ngưng chữa trị bệnh nhân Covid-19 khi bệnh không còn. Nhưng chúng tôi vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân khi thành phố cần", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Tính từ đầu tháng 7 đến nay, thành phố đã thành lập 16 bệnh viện dã chiến với quy mô khoảng 37.000 giường, nhiệm vụ chính là tiếp nhận, điều trị F0 không có triệu chứng hoặc có biểu hiện nhẹ. Sở Y tế TP.HCM cho biết các bệnh viện dã chiến được trưng dụng từ khu nhà tái định cư, ký túc xá của trường đại học, cao đẳng nên không thể sử dụng lâu dài. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Các bệnh viện dã chiến thành phố lần lượt ngừng hoạt động vào cuối tháng 10, tháng 11 và tháng 12 năm nay. Riêng Bệnh viện dã chiến số 3, số 5 (Thuận Kiều Plaza), số 6, số 8 ở khu tái định cư Thủ Thiêm (An Khánh, TP Thủ Đức) là những cơ sở ngừng hoạt động cuối cùng, dự kiến vào cuối tháng 12.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/benh-vien-da-chien-dau-tien-o-tphcm-giai-the-post1270985.html