Bệnh viện căng mình đón người già, trẻ nhỏ trong những ngày rét hại

Những ngày qua, thời tiết ở Nghệ An vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ xuống thấp, có thời điểm dưới 11 độ C khiến nhiều người phải nhập viện, phần lớn là người già và trẻ nhỏ.

Người già, trẻ nhỏ ùn ùn nhập viện

Theo ghi nhận của PV Báo Sức khỏe và Đời sống vào sáng 25/1, tại một số bệnh viện trên địa bàn TP.Vinh (Nghệ An) lượng người dân đến khám bệnh tăng mạnh.

Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, nhiều phụ huynh đưa con đến khám, nhập viện. Chị Nguyễn Bích H. (ở phường Vinh Tân, TP.Vinh) đang làm thủ tục cho con là cháu P.H.H. (3 tuổi) cho biết, gần 1 tháng nay, bé bị sổ mũi, ho, thở khò khè phải nhập viện điều trị. Vừa mới ra viện được 1 tuần lại gặp thời tiết lạnh, bé H. lại tái phát bệnh. Bé khó thở, tím tái, sốt cao, co giật nên gia đình đưa cháu vào viện. Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm phổi cấp.

Phụ huynh đưa con đến khám, điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.

Thạc sĩ, bác sĩ Đậu Thị Hội, Phó trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) cho biết, thời tiết rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người, đặc biệt là trẻ em (đối tượng có sức đề kháng rất yếu). "Trong đợt rét này, số lượng bệnh nhi đến khám tăng lên, trung bình một ngày 600 – 700 người. Trong đó 1/3 số bệnh nhân thăm khám phải nhập viện điều trị nội trú. Các bệnh lý thường gặp mùa này liên quan đến đường hô hấp, viêm mũi dị ứng, viêm VA, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, cúm A, cúm B", bác sĩ Đậu Thị Hội nói.

Cũng theo Thạc sĩ, bác sĩ Đậu Thị Hội, để phòng ngừa các bệnh lý nói chung và các bệnh đường hô hấp nói riêng trong những ngày rét đậm, rét hại, phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ. Đặc biệt là giữ ấm bàn tay, chân, cổ, ngực, đầu của trẻ. Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ ngoài trời quá thấp. Khi có việc cần thiết ra ngoài, đeo khẩu trang và giữ ấm cho trẻ.

"Cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ trong thời tiết này. Tăng cường cho bé uống nhiều nước và tránh ăn các đồ ăn, đồ uống lạnh hoặc lấy ra trực tiếp từ tủ lạnh. Vệ sinh cá nhân trẻ hàng ngày ở nơi kín gió hoặc có thiết bị sưởi. Đặc biệt là tiêm phòng cho trẻ đầy đủ, đúng lịch. Các bậc cha mẹ cần chú ý không ủ ấm trẻ quá mức khiến mồ hôi túa ra, ngấm ngược vào người", bác sĩ Đậu Thị Hội lưu ý.

Bệnh nhân tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Anh Sơn, Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An) khuyến cáo thêm, tuyệt đối không sử dụng than đá, than củi để sưởi ấm, vì hơi than tỏa ra khí rất độc. Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi thay đổi thời tiết, đối với trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, các bậc cha mẹ cần giữ ấm, đặc biệt miệng, mũi, cổ và chân cho trẻ bằng việc đảm bảo không khí ấm áp trong phòng. "Tránh cho trẻ đến nơi đông người, không cho trẻ tiếp xúc với khói, bụi... Khi thấy trẻ bị ho kéo dài, sốt cao, bỏ bú, ngủ li bì khó đánh thức thì không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Bùi Anh Sơn cho hay.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, lượng bệnh nhân cấp cứu nhập tại khoa Cấp cứu tăng lên 20 – 25%, Trung bình 200 – 220 bệnh nhân/ ngày, cao điểm có ngày khoa cấp cứu tiếp nhận 260 bệnh nhân.

Bệnh nhân hầu hết là người cao tuổi. Các bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp và đột quỵ não tăng lên 30 – 50% so với ngày thường.

BSCKII. Nguyễn Hữu Tân, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An

BSCKII. Nguyễn Hữu Tân cho biết, để phòng các bệnh lý đường hô hấp, mọi người cần giữ ấm cơ thể. Với những người có bệnh lý nền cần gìn giữ sức khỏe, tránh làm việc nặng, uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ. Phòng đột quỵ, tai biến, người cao tuổi cần tránh tiếp xúc lạnh trực tiếp, uống thuốc kiểm soát huyết áp hàng ngày.

Ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, rét đậm tăng cường như hiện nay, các bệnh viện ở Nghệ An triển khai nhiều biện pháp phòng chống rét như hạn chế thời gian chờ đợi của bệnh nhân khi bệnh nhân đông, quá tải.

Thời tiết lạnh sâu, số bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh lý đường hô hấp, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ rất nhiều.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, đơn vị tập trung mọi nguồn lực, thuốc, trang thiết bị và máy móc để kịp thời tiếp đón, phân loại, chẩn đoán và xử trí cho bệnh nhân. Cùng với đó tăng cường công tác hội chẩn các khoa, trung tâm liên quan để xử lý kịp thời các bệnh nhân nặng, nguy kịch. Tập trung hỗ trợ nhân lực từ các khoa, phòng, trung tâm khi tình trạng bệnh nhân đông, quá tải.

Sở Y tế Nghệ An và các đơn vị liên quan phổ biến kiến thức, hướng dẫn, khuyến cáo người dân trong cộng đồng thực hiện các biện pháp dự phòng, phòng chống rét hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe. Các đơn vị y tế cảnh báo để người dân biết và phòng tránh các tai nạn do sưởi như bỏng và đặc biệt phòng, chống ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than, củi trong không gian kín.

Ngoài ra, Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp. Tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm phòng chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Thực hiện Công điện số 1404 Thủ tướng Chính phủ, Công văn 8344 của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản số 121 ngày 5/1 về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân các biện pháp bảo vệ sức khỏe trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hoàng Trinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-vien-cang-minh-don-nguoi-gia-tre-nho-trong-nhung-ngay-ret-hai-169240125081354296.htm