Bệnh trầm cảm đe dọa người lớn tuổi ở Thái Lan

Trầm cảm đã trở thành một trong những căn bệnh chính ở người cao tuổi. Họ không được quan tâm về sức khỏe tinh thần khiến tỷ lệ tự tử tăng cao.

Các vấn đề sức khỏe tâm thần đang phổ biến ở người cao tuổi. Ảnh: CDN.

Theo CNA, các cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần dành cho người cao tuổi vẫn ít phổ biến hơn mức cần thiết ở Thái Lan.

Bác sĩ, tiến sĩ Titima Wongviriyawong lão khoa tại Bệnh viện Siriraj, Thái Lan, nói rằng những người cao tuổi có thể không biết rằng điều gì tạo nên vấn đề sức khỏe tâm thần.

Lo ngại về dân số già vì không được quan tâm

Ngay cả những người hiểu biết về vấn đề này cũng từ chối tiếp nhận các vấn đề về sức khỏe tâm thần “vì họ cảm thấy mình yếu ớt”, tiến sĩ Titima Wongviriyawong cho biết thêm sự kỳ thị cũng là rào cản đối với những người cao tuổi cần tìm kiếm sự giúp đỡ.

Trước đây, có khoảng 7 trường hợp người già tự tử trên 100.000 dân nhưng trong 5 năm qua, tỷ lệ này đã tăng lên 11 trên 100.000 dân.

Với tỷ lệ tự tử ngày càng tăng ở người cao tuổi, bác sĩ Titima Wongviriyawong lo ngại các vấn đề sức khỏe tâm thần không được giải quyết có thể dẫn đến nhiều trường hợp tự tử hơn trong nhóm này.

"Đó là một mối quan tâm rất cao. Yếu tố chính là do các vấn đề tài chính và sức khỏe tâm thần của người cao tuổi không được quan tâm", cô nói.

Bác sĩ gợi ý để giải quyết vấn đề này cần có sự hợp tác của nhiều bộ phận chính phủ, cộng đồng và khu vực tư nhân.

Theo cơ quan sức khỏe tâm thần Thái Lan, khoảng 14% trong số 12 triệu người cao tuổi ở nước này trong năm nay có nguy cơ bị trầm cảm và vấn đề dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn.

Trong 5 năm qua, tỷ lệ người cao tuổi tự tử đã tăng lên 11 trên 100.000 dân. Ảnh: Hk01.

Chi phí các vấn đề sức khỏe tâm thần

Các bác sĩ cho biết nếu không phát hiện và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần, đây có thể không chỉ là vấn đề của cá nhân và gia đình họ.

Tiến sĩ Sakarn Charoensakulchai từ Đại học Y khoa Phramongkutklao cho biết những căn bệnh như vậy phải trả giá bằng kinh tế và xã hội cho đất nước.

Chính phủ phải sử dụng kinh phí được cấp cho y tế cộng đồng để giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần. Ông nói thêm người cao tuổi dự kiến sẽ có tiềm năng làm việc đến 70 tuổi trong tương lai, nếu một số lượng lớn hơn người cao tuổi mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần, "điều đó có thể làm giảm khả năng lực lượng lao động của đất nước".

Cả tiến sĩ Sakarn và tiến sĩ Titima đều nói rằng Thái Lan thiếu nguồn lực và kiến thức để giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần. Họ mong đợi người cao tuổi phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần khi dân số già đi.

Theo Liên Hợp Quốc, trong vòng chưa đầy 20 năm nữa, Thái Lan sẽ là xã hội "siêu già", nơi cứ 4 người Thái sẽ có một người trên 65 tuổi, so với 1/8 hiện nay.

Giải pháp

Tổng giám đốc Bộ Sức khỏe Tâm thần, tiến sĩ Ampon Benjaponpitak, thừa nhận các lĩnh vực như phúc lợi và các luật liên quan cần được cải thiện.

“Vẫn còn khoảng trống trong chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần người cao tuổi. Điều quan trọng là làm thế nào để tiếp cận (những người cao tuổi). Chúng tôi đang thực hiện một kế hoạch tiến bộ để tiếp cận họ trong cộng đồng bằng cách sử dụng các tình nguyện viên hoặc nhân viên của chúng tôi. Chúng tôi muốn khảo sát và phát hiện sớm các vấn đề", cô nói.

Bác sĩ Titima của Bệnh viện Siriraj đề nghị các chuyên gia y tế nên bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần của những bệnh nhân cao tuổi.

Bà nói các bác sĩ nên kết hợp việc kiểm tra sức khỏe tâm thần và phúc lợi xã hội vào việc khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi.

“Bất cứ khi nào họ gặp bác sĩ, (bác sĩ hỏi) những câu hỏi thông thường như 'huyết áp của bạn có tốt không?', 'đường huyết của bạn có tốt không?' nhưng có lẽ họ chưa hỏi “hôm nay bạn cảm thấy thế nào?”, cô ấy nói.

Do thiếu nhân lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Thái Lan, bác sĩ Ampon hy vọng sẽ đến cơ sở để xác định và giúp đỡ người cao tuổi về các vấn đề tâm thần của họ.

“Một sức mạnh của xã hội Thái Lan là cộng đồng, những người hàng xóm của bạn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn. Họ có thể chăm sóc lẫn nhau. Chúng ta cần kêu gọi cộng đồng tham gia vào việc chăm sóc người già thay vì gửi họ đến các trung tâm chăm sóc”, bà nói.

Hoàng Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/benh-tram-cam-de-doa-nguoi-lon-tuoi-o-thai-lan-post1366766.html