Bệnh cường giáp có chữa khỏi được không? Khi nào cần mổ, uống i-ốt phóng xạ?

Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị bệnh cường giáp bao gồm dùng thuốc, i-ốt phóng xạ và phẫu thuật tuyến giáp. Tùy vào tình trạng, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ phù hợp để nhanh chóng đưa người bệnh về trạng thái bình giáp…

1. Điều trị cường giáp bao lâu thì bệnh ổn định?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết có hình bướm, nằm trước cổ, đảm nhận chức năng sản xuất hormone T3 (triiodothyronine) và T4 (levothyroxine), đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chuyển hóa, điều hòa thân nhiệt, kiểm soát nhịp tim.

Khi tuyến giáp sản xuất ra lượng hormone vượt quá nhu cầu của cơ thể sẽ dẫn đến tình trạng cường giáp. Người bệnh cường giáp có các biểu hiện đặc trưng như run tay, tim đập nhanh, sụt cân, mệt mỏi, vã mồ hôi, không chịu được nóng, đi ngoài phân lỏng, tâm trạng dễ cáu gắt… Nếu không được điều trị, cường giáp có thể dẫn đến các biến chứng khó lường, gây ảnh hưởng đến công việc cũng như cuộc sống của người bệnh.

Theo ThS. BSNT Phạm Thị Hồng Nhung, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thay vì dùng từ "chữa khỏi", bệnh cường giáp có thể ổn định nếu bệnh nhân được điều trị đúng cách.

Nhìn chung, sau 1-2 năm điều trị kết hợp với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ, khả năng bệnh ổn định ở khoảng 40-70%. Sau khi tuyến giáp đã hoạt động bình thường, người bệnh có thể dừng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, điều này cần được bác sĩ chuyên khoa nội tiết thăm khám và cân nhắc.

Khi ngưng điều trị, bệnh nhân sẽ tiếp tục đến khám bác sĩ định kỳ mỗi 3 tháng một lần trong năm đầu tiên bởi bệnh có thể tái phát trong giai đoạn này. Nếu bệnh tái phát thì có thể tiếp tục dùng lại thuốc kháng giáp hay i-ốt phóng xạ, hoặc cũng có thể xem xét đến việc điều trị ngoại khoa.

Quá trình điều trị cường giáp đòi hỏi người bệnh cần kiên nhẫn và tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

2. Bệnh cường giáp có nên phẫu thuật không?

Tùy vào từng tình trạng, bác sĩ có thể được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn tuyến giáp. Trong trường hợp cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp, người bệnh sẽ phải dùng thuốc hormone tuyến giáp cả đời.

Bên cạnh đó, phẫu thuật tuyến giáp cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm như ảnh hưởng đến dây thanh quản khiến người bệnh khàn giọng thậm chí câm, để lại sẹo… Do đó, bác sĩ thường sẽ chỉ định mổ tuyến giáp khi:

Bệnh nhân gặp thất bại trong điều trị dùng thuốc và liệu pháp i-ốt phóng xạ.
Tuyến giáp bị viêm nặng hoặc bướu cổ có kích thước lớn đã được điều trị dùng thuốc ổn định.
Phụ nữ có thai hoặc cho con bú hoặc không có điều kiện điều trị nội khoa…

ThS. BSNT Phạm Thị Hồng Nhung, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thông tin về việc khi nào người bệnh cường giáp nên phẫu thuật?

3. Khi nào nên điều trị cường giáp bằng liệu pháp i-ốt phóng xạ?

I-ốt phóng xạ được sử dụng theo đường uống, có tác dụng phá hủy các tế bào tuyến giáp, làm giảm lượng hormone mà cơ quan này sản xuất. Liệu pháp thường được bác sĩ chuyên khoa chỉ định ở người bệnh lớn tuổi, gặp thất bại hoặc không có điều kiện điều trị nội khoa. Hầu hết người bệnh được điều trị bằng i-ốt phóng xạ trở thành suy giáp và cần dùng thuốc hormone tuyến giáp thay thế.

Sau khi uống i-ốt chứa phóng xạ, người bệnh cần cách ly ít nhất 48 giờ. Người bệnh cần tránh tiếp xúc với những người xung quanh, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai và trẻ em. Ngoài ra, cần đảm bảo uống nhiều nước, khi đi vệ sinh nên xả bồn cầu từ 2 đến 3 lần, nên ngủ ở phòng riêng…

Phương pháp này có thể gây ảnh hưởng tạm thời đến khả năng sinh sản ở cả bệnh nhân nam và nữ. Vì vậy, khi áp dụng phương pháp này người bệnh cần cân nhắc kỹ lợi ích cũng như hiệu quả điều trị mang lại.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Dịch Mũi Đổi Màu Cảnh Báo Bệnh Gì? |SKĐS

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-cuong-giap-co-chua-khoi-duoc-khong-khi-nao-can-mo-uong-i-ot-phong-xa-169230622115316398.htm