Bệnh ẩu 'giết' người, nỗi đau thấu trời

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh), Trần Văn Sơn (cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế - BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình), Hoàng Công Lương (bác sĩ của BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình) liên quan tới vụ 8 bệnh nhân chạy thận thiệt mạng.

Bệnh ẩu đã khiến 8 người chết oan uổng tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình (ảnh: Thùy Linh).

Theo Đại tá Phạm Văn Sử - Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, kết quả điều tra cho thấy Bùi Mạnh Quốc đã sử dụng hóa chất axít clohydric (HCL) và axít Flohydric (HF) để sục rửa hệ thống lọc nước RO. Nhưng sau khi sục rửa, vì cẩu thả, Quốc đã quên xả 2 đầu vào máy làm tồn dư hóa chất trong các đường ống nước dẫn vào máy lọc thận. Hàm lượng tồn dư florua cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép, khiến cho các mẫu nước này vượt ngưỡng bảo đảm an toàn, không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo, dẫn đến cái chết oan uổng của 8 con người.

Quốc cẩu thả rồi kéo theo dây chuyền cùng ẩu là Sơn và Lương, đã bỏ qua sự kiểm tra, giám sát, bỏ qua trách nhiệm mà nhắm mắt sử dụng nguồn nước nguy hiểm vào việc chạy thận. Một điều rất sơ đẳng, thế mà những người này đã bỏ qua, nghe mà cứ thấy rờn rợn khi mạng sống của 8 con người đã bị đánh đổi bởi sự cẩu thả, vô ý và thiếu trách nhiệm đó.

Vụ chạy thận làm chết 8 người, vụ khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 đối tượng trên, liệu có làm thức tỉnh bao sự cẩu thả khác còn “chưa bị lộ”? Chứ nỗi đau oan khuất của gia đình và người thân của 8 bệnh nhân thiệt mạng kia, còn khiến lòng người trong xã hội đau đớn. Nguyên nhân, lí do càng đơn giản, càng sơ đẳng mà giết chết nhiều người, theo đó nỗi đau càng thấu trời.

Nhưng những ngày qua, dư luận xôn xao đâu chỉ về sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận chết ở BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, mà còn vụ 18 tàu vỏ thép ở Bình Định kém chất lượng với 9 máy Mitsubishi lại không do Mitsubishi sản xuất như những “con voi lọt qua lỗ kim” của cơ quan kiểm định.
Cơ quan đăng kiểm được nhà nước giao trách nhiệm kiểm định chất lượng phải bảo đảm đúng cam kết trong hợp đồng ở từng hạng mục, từng chi tiết cụ thể. Nhà nước giao phó, ngư dân không am tường thì cũng phó thác, đặt niềm tin vào cơ quan đăng kiểm, thế mà hàng chục hạng mục, chi tiết từ nguyên vật liệu thép đóng tàu cho đến động cơ sai lệch lớn với các điều khoản trong hợp đồng mà cơ quan đăng kiểm không hề hay biết, lại cho qua.

Chuyện các nhà cung cấp linh kiện, thiết bị, sản phẩm làm ăn gian dối không phải là hiếm, vì thế mới cần có cơ quan đăng kiểm làm việc khách quan, công tâm và hết trách nhiệm nhằm giúp ngăn chặn tình trạng đó. Sứ mệnh của ngành đăng kiểm không chỉ là kiểm định để đối chiếu đúng hay không đúng, phù hợp tiêu chuẩn hay không, mà qua đó trước hết ngăn chặn những gian lận, thiệt hại tiền của ngư dân và nhà nước, nhưng cao hơn hết là để bảo đảm phương tiện ra khơi bảo đảm chất lượng, an toàn cho ngư dân.

Cũng bệnh ẩu (?) mà 9 động cơ tàu vỏ thép hiệu Mitsubishi không do Mitsubishi sản xuất vẫn qua mắt được cơ quan đăng kiểm.

Phía đăng kiểm có tiêu cực hay không trong vụ việc này cần có một cuộc điều tra của cơ quan công an để làm rõ. Song với những bằng chứng, căn cứ đã được xác định, thì có thể nói rằng những kiểm định viên các tàu vỏ thép nói trên đã làm việc cực kì cẩu thả, thiếu trách nhiệm, hoặc là chuyên môn quá kém, lười nhác tìm tòi tham khảo, đối chiếu... Tàu vỏ thép kém chất lượng nhanh hỏng, gây thiệt hại tài sản của ngư dân, may mà chưa gây ra thiệt hại về người như trường hợp vụ bệnh nhân chạy thận ở BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Nhưng không thể cho qua vụ việc này, không thể để cho thói làm việc cẩu thả, thờ ơ với mạng sống của người khác cứ nhởn nhơ trong một môi trường công việc đòi hỏi sự nghiêm túc, tận tụy, kĩ càng và chính xác đến từng micromét như trong ngành kiểm định.

Thẩm Hồng Thụy

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan/benh-au-giet-nguoi-noi-dau-thau-troi-676792.bld