Belarus dùng đòn hiểm của Ukraine đấu Nga

Belarus tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn với Nga khi đột nhiên tăng gấp 1,5 lần biểu giá đối với việc vận chuyển dầu của nước này.

Belarus tăng giá chung chuyển dầu của Nga

Tờ Sputnik đưa tin, chính phủ Belarus đột nhiên tăng gấp 1,5 lần biểu giá đối với việc vận chuyển dầu của Nga qua nước này đến người tiêu dùng châu Âu theo đường ống từ thời Xô viết mang tên “Hữu nghị”.

Điều này đặt việc cung cấp dầu cho châu Âu rơi vào tình thế bất lợi cho Nga.

Theo báo “Tầm nhìn” của Nga số ra ngày 2/10, đường ống “Hữu nghị” từ thời Xô viết này đang thuộc sở hữu của các công ty Belarus là “Gomeltransneft Hữu nghị” và “Polotsktransneft Hữu nghị”. Mức phí mới sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 11/10 sau khi văn bản kể trên chính thức được công bố.

Quyết định trên được đưa ra sau tuyên bố của Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich về việc giá dầu đối với Belarus sẽ không giảm, và Tổng thống Alexander Lukashenko vừa trở về từ Bắc Kinh với thỏa thuận dòng chảy tài chính mới của Trung Quốc đến Belarus.

Ông Igor Demin, đại diện của “Transneft” cho biết, công ty đã không nhận được thông báo về thay đổi thuế quan, và công bố ý định của mình sẽ gửi đơn đến Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga.

Belarus đột nhiên tăng gấp 1,5 lần biểu giá đối với việc vận chuyển dầu của Nga qua nước này đến người tiêu dùng châu Âu

Theo kế hoạch, đến năm 2024, Nga có kế hoạch hàng năm chuyển đến Belarus 24 triệu tấn dầu. Tuy nhiên, trong quý III năm nay, Nga đã giảm cung cấp dầu cho Minsk vì khoản nợ khí đốt 270-300 triệu USD của Belarus.

Trong khi đó, điện Kremlin cũng không nhận đủ nguồn cung cấp sản phẩm dầu mỏ đã chế biến. Theo thỏa thuận, Nga sẽ nhận được từ các nhà máy lọc dầu Belarus ít nhất 1,8 triệu tấn xăng dầu mỗi năm.

Giới phân tích cho rằng, quyết định trên của Belarus là một trong những nỗ lực nhằm gây thêm áp lực đối với Nga xung quanh khả năng cung cấp khí tự nhiên từ nước này. Chính quyền Minsk cho rằng giá khí đốt Nga quá đắt và Gazprom phải giảm giá cho họ.

Thủ tướng Belarus Andrey Kobyakov khẳng định 1.000 m3 năng lượng chỉ nên có giá khoảng 80 USD thay vì 132 USD như hiện nay mà Nga dành cho nước này. Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Belarus cho rằng mức giá khí đốt “công bằng” phải là mức 73 USD/1.000 m3.

Theo các quan chức Belarus, Nga cần bán ở mức “giá sinh lợi bình đẳng” từ năm 2015, phù hợp với các thỏa thuận liên Chính phủ. Tuy nhiên, Moskva lại cho rằng quá trình chuyển đổi này là không cần thiết.

Trước đó, hôm 28/5, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết nước này sẽ không giảm giá khí đốt cho Belarus trong quý III/2016, và vẫn giữ giá bán theo mức đã ký trong hợp đồng.

“Hợp đồng của chúng tôi có hiệu lực cả năm và được tính theo công thức. Sẽ không cần thêm thỏa thuận nào cả, bởi giá bán khí đốt được xác định theo hợp đồng thương mại”, ông Novak khẳng định.

Người đứng đầu ngành Năng lượng Nga cũng cho biết Moskva không có kế hoạch kiện Belarus tại tòa án Stockholm để giải quyết vấn đề thanh toán khoản nợ mua khí đốt của Nga.

Phe đối lập giành chiến thắng mới ở thành trì thân Nga

Cùng với tăng giá trung chuyển dầu của Nga, cuộc bầu cử Quốc hội Belarus sắp tới đã có tín hiệu mới đối với phe đối lập Tổng thống thân Nga Alexander Lukashenko.

Theo thông tin Ủy ban Bầu cử Trung ương Belarus hôm 11/9, ít nhất 1 ứng cử viên của phe đối lập đã được bầu vào Quốc hội nước này.

Nga bất lợi khi Belarus tăng giá vận chuyển dầu?

Trong khi công bố kết quả bầu cử tại 3 trên 7 khu vực của Belarus, Chủ tịch Ủy ban bầu cử Lidia Yermoshina cho biết bà Anna Konopatskaya, một thành viên của Đảng Công dân Thống nhất (UCP) đối lập, đã giành một ghế trong quốc hội.

Suốt 20 năm qua, đây là lần đầu tiên, một chính trị gia thuộc phe đối lập với Tổng thống Alexander Lukashenko giành được ghế đại diện trong Quốc hội.

Đây được dự báo sẽ là một tín hiệu vui đối với lực lượng đối lập thân phương Tây ở Belarus và thể hiện quan điểm của giới chức nước này đã bắt đầu nhượng bộ trước các yêu cầu về sự thay đổi nền dân chủ.

Quan hệ giữa Belarus và phương Tây có dấu hiệu tan băng vào cuối năm ngoái, một phần nhờ ông Lukashenko phản đối hành động sáp nhập bán đảo Crimea của Nga, đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình về khủng hoảng Ukraine (bao gồm thỏa thuận ngừng bắn Minsk – Belarus ký hồi tháng 9/2014) và từ chối cho Nga xây dựng căn cứ không quân tại lãnh thổ mình.

Trước thềm cuộc bầu cử hồi tháng 10 năm ngoái, ông Lukashenko cũng đã giảm sức ép lên các nhóm đối lập. Hồi tháng 8, ông thả tự do cho 6 thủ lĩnh phe đối lập, trong đó có cựu ứng viên Tổng thống Nikolai Statkevich, bị bắt giam sau khi tham gia cuộc biểu tình hậu bầu cử vào năm 2010.

Trung Dũng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/belarus-dung-don-hiem-cua-ukraine-dau-nga-3320092/