Bẻ 'gọng kìm' cản trở HTX tích tụ ruộng đất

Nhiều mô hình tích tụ ruộng đất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng mở rộng diện tích. Tuy nhiên cần có những chính sách mạnh mẽ, thông thoáng để khuyến khích người dân, HTX tham gia quá trình tích tụ ruộng đất, hướng tới sản xuất quy mô lớn và xuất khẩu bền vững.

Là một trong những đơn vị tích tụ ruộng đất tại Yên Khánh (Ninh Bình), HTX nông nghiệp Hợp Tiến đã sản xuất trên 11ha. Sau khi thuê đất của người dân, diện tích sản xuất được chuyển đổi liền vùng liền thửa, khá thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất. Điều này giúp HTX nâng số vòng sử dụng đất lên thành 3-3,5 lần/năm, từ đó giúp hiệu quả kinh tế đạt từ 120-300 triệu đồng/ha/năm.

Tích tụ còn chậm chạp

Có thể thấy rằng, tích tụ ruộng đất đã từng bước mang lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ, cách bờ cách thửa. Thống kê cũng cho thấy, một gia đình 4 người, muốn sản xuất lúa hiệu quả cần quy mô ít nhất là 3ha để thuận tiện trong quản lý, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, máy móc, hạn chế hao hụt, nâng năng suất sản xuất.

Đó là với quy mô hộ gia đình, còn với mô hình kinh tế tập thể, chắc chắn để sản xuất hiệu quả phải cần số diện tích lớn hơn 3ha. Tuy nhiên, nhiều HTX có rằng việc sản xuất hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu dưới 5ha do khó khăn trong tích tụ ruộng đất.

Ông Nguyễn Hữu Dực, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp La Sơn (Hà Nam), cho biết để sản xuất quy mô lớn, HTX đặt vấn đề thuê đất của người dân trong 5 năm, mỗi năm trả 25ha thóc/sào/hộ nhưng nhiều hộ không đồng ý vì sợ mất đất.

Bà Nguyễn Thị Phương, thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết, để tích tụ được ruộng đất, các thành viên trong HTX phải làm các thủ tục giấy tờ để tỉnh hỗ trợ nhưng thấy thủ tục rất phức tạp. Việc xin chữ ký từng nhà cũng rất khó khăn, mất thời gian.

Đặc biệt, để nhận được hỗ trợ 50% kinh phí mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hóa đơn giá trị gia tăng, nhưng tổng kinh phí hỗ trợ không quá 3 tỷ đồng, HTX phải có quy mô diện tích đất sản xuất tối thiểu 150ha (trong đó có ít nhất 1 vùng sản xuất tập trung có diện tích đất tích tụ, tập trung liền mảnh tối thiểu 20ha) được cho là rất khó có thể đáp ứng được. Người dân cho HTX thuê đất cho rằng, định mức hỗ trợ tích tụ ruộng đất nhiều nơi là bằng tiền chỉ tương đương 10kg thóc/sào đối với hộ gia đình, cá nhân có đất tham gia liên kết sản xuất như vậy là vẫn còn thấp, khiến người không có nhu cầu sản xuất nhưng muốn cho HTX thuê, mượn đất cũng không yên tâm làm việc khác.

Theo các chuyên gia, việc tích tụ ruộng đất hiện nay còn diễn ra chậm chạp. Ngay như mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa được triển khai trên 579.000 ha. Nhưng diện tích lúa theo mô hình này được ký hợp đồng bao tiêu chưa đến 170.000 ha. Điều này cho thấy mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất theo cánh đồng lớn chưa thực sự phát triển, thậm chí là quá trình tích tụ ruộng đất bị chững lại do người dân chưa chủ động dồn điền đổi thửa, cho HTX, doanh nghiệp thuê đất nên khó ký kết hợp đồng bao tiêu...

Nhu cầu tích tụ ruộng đất của HTX là không hề nhỏ.

Ngoài ra, nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất nhưng thủ tục còn phức tạp, hỗ trợ chưa hợp lý gây trở ngại cho nông dân, HTX tích tụ ruộng đất, hưởng chính sách hỗ trợ.

Về phía Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất nhưng chưa có chính sách phân bổ, điều tiết ngân sách, hỗ trợ nông dân, HTX đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao, từ đó khiến người dân chưa nhận thấy lợi ích của việc tích tụ ruộng đất.

Xóa rào cản

Hiện, cả nước đã có trên 29.031 HTX, trên 120 nghìn THT và 120 Liên hiệp HTX. Khu vực kinh tế tập thể hiện có nhu cầu sử dụng diện tích đất rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Theo Bộ NN&PTNT, các HTX và doanh nghiệp trong nước đang sử dụng khoảng 669.113ha đất, chiếm 5,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Còn lại 90% diện tích đất nông nghiệp đang do các hộ gia đình sử dụng nhưng phân tán, gây cản trở cho phát triển hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Trong khi quá trình hiện đại hóa nông nghiệp đòi hỏi phải có các HTX để liên kết chuỗi. Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh tích tụ ruộng đất nhằm phát triển kinh tế hàng hóa. Bởi không tích tụ ruộng đất, nông dân, thành viên HTX không thể giàu lên được. Không tích tụ ruộng đất thì không thể ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt, từ đó không thể xuất khẩu nông sản một cách hiệu quả. Trong khi, xuất khẩu nông sản đang tăng trưởng và có nhiều đánh giá khả quan.

Theo các chuyên gia, một số địa phương hiện nay mới có cơ chế hỗ trợ tích tụ ruộng đất với các cá nhân chủ trì liền kết và cá nhân, hộ gia đình có đất cho thuê , góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tham gia liên kết. Còn với các đối tượng thực hiện tích tụ, tập trung đất đai chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể hoặc thỏa đáng nên nông dân mới không nhận ra được hiệu quả thấp và chi phí cao của việc ruộng đất phân tán. Từ đó, họ cũng không tự nguyện dồn điền đổi thửa để HTX, doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn.

Chính vì vậy, các địa phương cần xem xét có cơ chế cho đối tượng cho thuê, mượn, tích tụ để tăng thêm động lực, khuyến khích tích tụ ruộng đất, góp phần sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, từ đó tạo lợi thế cho các HTX phát triển sản xuất, dễ dàng và thuận tiện trong thuê, mượn đất phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi chế biến, phân phối sản phẩm nông nghiệp dài hạn.

Bên cạnh đó, hiện nay Nhà nước đã có cơ chế thu hút tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất sản xuất nhưng lại chưa có quy định cụ thể cho phép chuyển đổi một phần diện tích đất để làm kho chứa vật tư, nguyên liệu và xưởng đặt máy móc thiết bị phục vụ sản xuất quy mô lớn.

Chẳng hạn như HTX sản xuất quy mô lớn thì phải sử dụng máy cấy. Khi có máy cấy thì cần diện tích làm mạ khay. Hay để tích tụ được 10 ha trở lên để sản xuất thì HTX đòi hỏi cũng phải có diện tích đất để sản xuất cây giống, nhà xưởng, kho chứa lên đến vài nghìn mét vuông. Nếu phải đi thuê từ bên ngoài thì gia tăng chi phí, giảm hiệu quả kinh tế.

Theo các HTX, nhu cầu tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn của các HTX là không hề nhỏ. Tuy nhiên, cần có chính sách đủ mạnh và hợp lý để khuyến khích nông dân, HTX cùng thực hiện một cách phù hợp. Nếu không đây sẽ là gọng kìm níu chân người dân, HTX, doanh nghiệp phát triển và những mô hình kinh tế hàng hóa quy mô lớn khó hình thành và phát triển bền vững.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/be-apos-gong-kim-apos-can-tro-htx-tich-tu-ruong-dat-1093939.html