Bé gái 5 tuổi đang chơi bị chó cắn tới tấp, bác sĩ khuyến cáo cách phòng tránh bệnh dại từ vật nuôi

Bị chó cắn là tai nạn phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nếu không được xử lý vết thương đúng cách và tiêm huyết thanh, vaccine phòng dại kịp thời thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Theo thông tin từ Khoa Cấp cứu và Chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 28/3 tiếp các bác sĩ đã nhận một bệnh nhi là bé gái H.A (5 tuổi, ở Hà Giang) bị chó cắn gây nhiều vết thương trên cơ thể.

Theo lời kể, khi bé đang chơi ở gần nhà thì bị con chó bất ngờ lao ra tấn công, cắn tới tấp vào vùng vai, cánh tay, mặt… Rất may là mọi người xung quanh nghe thấy trẻ kêu khóc đã chạy ra hỗ trợ kịp thời. Sau đó cháu bé được đưa ngay đến bệnh viện ở địa phương để sơ cấp cứu và tiêm huyết thanh, tiêm vaccine phòng dại rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương…

Vết thương ở cánh tay của bệnh nhi. Ảnh BVCC

Tại đây, qua thăm khám, các bác sĩ xác định trẻ có tổn thương xây xát nông lẫn vài điểm vết thương nhỏ sâu vùng cánh tay, vai, cạnh mắt và vùng môi trên bên phải. Trẻ được tiến hành phẫu thuật để cắt lọc làm sạch các vết thương, đồng thời trẻ sẽ được tiêm phòng các vaccine phòng dại theo kế hoạch và theo dõi tiếp theo để phát hiện kịp thời các biến chứng sau chó cắn.

Theo các bác sĩ, bị chó cắn là tai nạn phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nếu không được xử lý vết thương đúng cách và tiêm huyết thanh, vaccine phòng dại kịp thời thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Dự phòng dại bằng huyết thanh và vaccine là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.

Bác sĩ khuyến cáo cách phòng tránh nguy cơ bị chó, mèo cắn

Theo Cục Y tế dự phòng, từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng, nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận số ca tử vong do dại cao như Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7 ca, Bình Phước 7 ca, Điện Biên 6 ca, Bến Tre 5 ca, Đắk Lắk và Bình Thuận 4 ca.

Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.

Để ngăn ngừa bệnh dại từ nguy cơ bị chó mèo cắn, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo:

Ảnh minh họa

- Khi nuôi chó, mèo, người nuôi cần phải tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông vật nuôi, chó ra đường, nếu dắt chó, vật nuôi ra đường phải được đeo rọ mõm.

- Trẻ không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

- Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý tránh để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo có kích thước lớn, dữ tợn.

- Nên cho trẻ vui chơi ở những địa điểm an toàn, có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ và người lớn.

- Khi trẻ bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương, cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng

- Tuân thủ các biện pháp dự phòng để có hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt lưu ý với những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ.

- Dự phòng dại bằng huyết thanh và vắc xin là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh dại rất giống cảm cúm

Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh dại rất giống với cảm cúm, bao gồm sốt, nhức đầu, mệt mỏi, và cảm giác khó chịu, châm chích hoặc ngứa quanh vùng bị cắn, theo chuyên trang y tế Medical News Today.

Khi virus tấn công hệ thần kinh trung ương, có thể gây ra hành vi thất thường, lo lắng trầm trọng, lú lẫn và ảo giác.

Khi bệnh tiến triển, người mắc có thể dẫn đến tê liệt, ảo giác, co thắt cơ, tê liệt, hung hăng, khó nuốt, sợ nước và cuối cùng là tử vong.

Theo WHO, có thể bị nhiễm bệnh do bị chó dại cắn. Cần lưu ý nước bọt của chó dại tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc (ví dụ như mắt hoặc miệng) hoặc vết thương ngoài da cũng có thể gây ra bệnh dại.

Virus dại có thể tồn tại trong nước bọt và niêm mạc. Do đó, nếu tiếp xúc với bệnh dại qua vết cắn hoặc vết xước, cần phải làm sạch vết thương thật kỹ và tìm kiếm sự chăm sóc y tế kịp thời.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/be-gai-5-tuoi-dang-choi-bi-cho-can-toi-tap-bac-si-khuyen-cao-cach-phong-tranh-benh-dai-tu-vat-nuoi-172240329103214321.htm