'Bệ đỡ' HTX giúp Tuy An vươn cao trên con đường xây dựng nông thôn mới

Mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới của huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) vẫn còn không ít thách thức do một số tiêu chí chưa thể hoàn thành sớm như mong đợi. Tuy nhiên, với việc chú trọng vào phát triển các HTX nông nghiệp vững mạnh thì tin rằng, đó sẽ là 'bệ đỡ' giúp cho huyện ven biển này vươn cao hơn trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Tuy An là một huyện ven biển, có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa của tỉnh Phú Yên. Đây cũng là nơi có số lượng di tích, danh thắng được xếp hạng nhiều nhất của tỉnh với 9 di tích, danh thắng cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh. Vùng quê này được các du khách trong và ngoài nước biết đến với nhiều điểm đến hấp dẫn khác như: Đầm Ô Loan, Hòn Yến; Hòn Chùa; Gành Đá Đĩa - được xếp vào top 20 điểm đến được du khách yêu thích khi đến Việt Nam.

Tận dụng thế mạnh du lịch

Tận dụng được thế mạnh về du lịch ở địa phương như nêu trên nên HTX Nông nghiệp và du lịch cộng đồng An Mỹ (ở xã An Mỹ, huyện Tuy An) đã tổ chức mô hình du lịch cộng đồng, đưa sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa kết nối cộng đồng.

HTX Nông nghiệp và du lịch cộng đồng An Mỹ đang tận dụng hiệu quả thế mạnh về mô hình du lịch trải nghiệm ở Tuy An.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX này chia sẻ: Tôi chọn du lịch trải nghiệm để phát triển bởi nó mang đến giá trị chung cho cả cộng đồng, không chỉ là kinh tế mà còn là giao lưu văn hóa, lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống như bảo tồn nghề truyền thống tại các làng chài, các thôn, buôn miền núi, giữ gìn và bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên…

Cách đây 2 năm, sản phẩm Du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa kết nối cộng đồng tại khu nghỉ dưỡng của HTX An Mỹ đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Theo bà Thủy, mô hình du lịch này đã ấp ủ và từng bước định hình từ 5-10 năm trước khi thành lập. Nhất là chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất với hệ thống homestay từ Tp.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đến huyện Tuy An cùng nền tảng công nghệ số, đồng thời liên kết sản xuất với các hộ nông dân và các đơn vị có sản phẩm nông sản đặc trưng đạt chứng nhận OCOP.

“Cuối cùng, chúng tôi chọn mô hình HTX với mong muốn đồng hành, chia sẻ lợi nhuận với bà con nông dân. Cùng với sự khởi sắc của ngành Du lịch sau đại dịch, hoạt động du lịch của HTX đã và đang thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước”, vị giám đốc HTX An Mỹ bộc bạch.

Như chia sẻ của bà Thủy, để tạo ra nền nông nghiệp đa giá trị, cần đẩy mạnh du lịch nông nghiệp và HTX là sự đồng hành thích hợp nhất. Bởi du lịch nông nghiệp là sản phẩm của cả một cộng đồng trong phạm vi làng xóm. Đến với loại hình này, ngoài việc muốn được trải nghiệm hoạt động sản xuất như trồng rau, cấy lúa, dệt vải…, du khách còn muốn hòa mình vào nhịp sống thôn quê với những nếp nhà và con người sinh hoạt bình dị hàng ngày.

Không chỉ vậy, nơi đây còn có khu vực trưng bày sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương dưới hình thức chợ phiên, phục vụ trải nghiệm văn hóa, truyền thống bản địa. Mô hình còn cung cấp các khu vực làm việc, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, nơi lưu trú tập thể dưới hình thức nhà vườn tạo thành khu trải nghiệm làng thu nhỏ.

Kinh tế hợp tác là nhân tố quan trọng

Có thể thấy việc tích hợp sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương với du lịch của HTX đã tạo ra không gian phát triển kinh tế cho xã An Mỹ, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả và thực chất hơn.

Để Tuy An về đích huyện nông thôn mới thì một trong những nhân tố quan trọng chính là hoạt động hiệu quả của kinh tế hợp tác tại các xã nông thôn mới.

Nhờ vậy, tính đến tháng 9/2023, xã An Mỹ tiếp tục giữ vững các tiêu chí xã nông thôn mới và đã thực hiện đạt 10/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và đạt 2/4 tiêu chuẩn xây dựng xã An Mỹ lên phường.

Cùng với xã An Mỹ, hiện nay huyện Tuy An có 14/14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện ven biển này phấn đấu năm 2023 xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có ít nhất 3 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 3 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 3 vườn mẫu nông thôn mới; có trên 10 sản phẩm được UBND tỉnh Phú Yên công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên.

Tuy vậy, vẫn còn không ít thách thức cho Tuy An trước mục tiêu đạt huyện nông thôn mới khi mà còn một số tiêu chí chưa thể hoàn thành sớm. Để Tuy An về đích huyện nông thôn mới thì một trong những nhân tố quan trọng chính là hoạt động hiệu quả của kinh tế hợp tác tại các xã nông thôn mới.

Đơn cử như HTX nông nghiệp An Ninh Tây ở xã An Ninh Tây, với 150 thành viên, được xem là đơn vị HTX đi đầu của huyện, ngày càng phát triển, kinh doanh nhiều loại hình dịch vụ và có lãi, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã nhà.

Với hoạt động hiệu quả trong nhiều năm liền, trong năm 2023 doanh thu của HTX có thể sẽ đạt gần 14,8 tỷ đồng và lợi nhuận thuần đạt hơn 310 triệu đồng, năng suất canh tác lúa đạt 72 tạ/ha.

Ngoài ra, để đóng góp nhiều hơn nữa cho xây dựng nông thôn mới ở địa phương, HTX An Ninh Tây còn đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân nhằm tăng năng suất, chất lượng cây lúa, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa; nâng cao phát triển các loại hình dịch vụ; kiên cố hóa kênh mương,…

Ngoài việc phục vụ sản xuất nông nghiệp với các dịch vụ truyền thống như: cày đất, tuốt lúa, thu hoạch…, HTX nông nghiệp An Ninh Tây còn mở thêm các dịch vụ kinh doanh như bán lẻ xăng dầu, vệ sinh môi trường... Nhờ đó mà hồi năm 2022, các dịch vụ mang lại cho HTX tổng doanh thu 13,5 tỷ đồng.

Hướng tới xây dựng các HTX nông nghiệp vững mạnh

Cách đây 3 năm, xã An Ninh Tây đã được tỉnh Phú Yên công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tin rằng với hoạt động hiệu quả của HTX nông nghiệp An Ninh Tây sẽ giúp địa phương duy trì các tiêu chí xã nông thôn mới và hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Huyện Tuy An đang hướng tới phát triển các HTX nông nghiệp vững mạnh để nâng cao đời sống cho nông dân địa phương.

Với mục tiêu, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện Tuy An đang hướng tới xây dựng và phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập để thu hút thành viên tham gia.

Theo đó, mục tiêu của huyện từ nay đến năm 2025 sẽ có 21 HTX nông nghiệp. Doanh thu bình quân của mỗi HTX hàng năm tăng từ 5%-10%. Thu nhập bình quân của người lao động, thành viên trong HTX hàng năm tăng 10%-15%.

Đến năm 2030, huyện Tuy An phấn đấu có 80% HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Hoàn thiện và đưa vào hoạt động 5 mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, phát triển bền vững. Có khoảng 50% Tổ chức kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể khác.

Để thực hiện đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Tuy An ưu tiên xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa của địa phương, HTX nông nghiệp tham gia chương trình OCOP, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới…

Bên cạnh đó, huyện Tuy An sẽ đẩy mạnh liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các tổ hợp tác với HTX. Chú trọng phát triển mô hình HTX nông nghiệp vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường, đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản và gắn với du lịch cộng đồng.

Song song đó, huyện sẽ từng bước hình thành Liên hiệp HTX tạo nguồn động lực hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy và tạo điều kiện hình thành, hợp nhất các tổ hợp tác nông nghiệp quy mô nhỏ, trang trại ở vùng nông thôn thành HTX nông nghiệp theo ngành hoặc địa bàn có quy mô, năng lực hoạt động cao hơn.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/be-do-htx-giup-tuy-an-vuon-cao-tren-con-duong-xay-dung-nong-thon-moi-1095567.html