Bé 2 tuổi bị liệt mặt, méo miệng sau khi được bố mẹ cho đi xe máy buổi tối, bác sĩ chỉ cách bảo vệ trẻ trong mùa lạnh

Trước hôm bị liệt mặt, méo miệng 1 ngày, bố mẹ có cho bệnh nhi đi chơi bằng xe máy đến khoảng 21h mới về. Do chủ quan nên mẹ không mang theo mũ, áo giữ ấm cho bệnh nhi.

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên vào nhập viện điều trị. Trong số này có trường hợp trẻ em mắc bệnh do sự chủ quan từ người lớn.

Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhi T.G.H. (2 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng méo miệng, không thể nhắm kín mắt do bị lạnh đột ngột.

Bé 2 tuổi bị liệt dây thần kinh số 7 do trời lạnh. Ảnh: VTV

Theo mẹ bệnh nhi chia sẻ, trước hôm bị bệnh 1 ngày, bố mẹ có cho bệnh nhi đi chơi bằng xe máy đến khoảng 21h mới về. Thời tiết hôm đó đang chuyển mùa nên buổi tối có gió và se lạnh. Do chủ quan nên mẹ không mang theo mũ, áo giữ ấm cho bệnh nhi.

Trước đó, bệnh nhi không bị ngã hay có chấn thương gì, vẫn chơi đùa, ăn ngủ bình thường. Sáng sớm hôm sau, người nhà phát hiện bệnh nhi bị méo miệng khi cười hoặc khóc. Trong lúc ăn cháo, uống sữa thì thấy nước cháo, sữa chảy bên mép miệng bên trái, khi ngủ thấy mắt bên trái nhắm không kín.

Tại bệnh viện, bệnh nhi được chụp cắt lớp vi tính kiểm tra sọ não không phát hiện tổn thương tại sọ; đi khám chuyên khoa mắt, Tai mũi họng không phát hiện vấn đề gì ở mắt và tai mũi họng. Bác sĩ kết luận bệnh nhi bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên và chuyển vào điều trị tại Trung tâm Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng.

Hiện tại, sau 3 tuần điều trị tại Trung tâm, bệnh nhi tiến triển tốt, ăn uống tốt, mặt được cải thiện nhiều, ăn uống không rơi, mắt nhắm kín, miệng hết lệch, các hoạt động bình thường và đã được xuất viện.

Liệt dây thần kinh số 7 nguy hiểm thế nào?

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, dân gian vẫn thường gọi “liệt mặt”, “méo miệng” là tình trạng mất hoặc giảm vận động cơ vùng mặt, thường gặp ở một bên, gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng đến học tập, vui chơi, giao tiếp hàng ngày của trẻ, khó biểu hiện cảm xúc ở mặt, khó khăn trong ăn uống và quan trọng là có khả năng để lại hậu quả ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi trưởng thành của trẻ. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây các tổn thương thứ cấp ở mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, di chứng co thắt cơ nửa mặt…

Cha mẹ cần làm gì để phòng bệnh cho con

Bác sĩ khuyến cáo bậc phụ huynh có con nhỏ, vào mùa thu, đông cần chú ý các biện pháp giữ ấm đầu, mặt, cổ cho trẻ. Khi trời lạnh tránh mở cửa đột ngột để gió lạnh tạt vào mặt trẻ. Nên hạn chế cho trẻ nhỏ ra ngoài vào buổi tối, nếu ra ngoài cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe.

Khi trời lạnh nên tắm, rửa mặt, đánh răng bằng nước ấm. Cha mẹ không nên tắm cho trẻ vào khoảng 11 – 13 giờ, hay vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn vì dễ khiến trẻ bị cảm lạnh, ốm sốt… Chú ý thời gian tắm gội cho bé chỉ khoảng 5-10 phút với trẻ lớn, và không quá 2 – 3 phút (với trẻ sơ sinh kể từ khi cho bé xuống nước đến lúc ra khỏi chậu).

Cách luyện tập cho trẻ bị liệt dây thần kinh số 7

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, ngoài các phương pháp tại cơ sở y tế, việc cha mẹ tự chăm sóc, xoa bóp, tập luyện cho trẻ tại nhà, cũng như có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục về bình thường cho khuôn mặt của trẻ.

Cha mẹ có thể luyện cho trẻ tại nhà theo cách sau đây:

– Tích cực vận động cơ mặt (rướn mày, há miệng rộng, nhắm chặt mắt)

– Chu môi lại giữ nguyên trong 5 giây.

– Chu môi lại và di chuyển phần môi này từ bên này sang bên kia. Không được di chuyển lưỡi. Lặp lại 10 lần.

– Mím chặt môi lại và nói “m…m…m”, rồi nói “p…p…p”, rồi nói “b…b…b”.

– Bắt đầu với việc há to miệng và ẩn răng dưới môi. Mím môi lại tạo thành hình chữ “O”. Lặp lại 5 lần.

– Tập nói chữ A, I:

Chữ A: Há miệng rộng nhất có thể, phát âm “A” kéo dài, có thể dùng 01 ngón tay hỗ trợ đẩy nhẹ cơ mặt vùng góc hàm bên bệnh lên cao cho cân với bên lành. Lặp lại 5 lần. Chữ I: Cắn chặt 2 làm răng, nhe răng căng miệng sang hai bên, phát âm “I” kéo dài, có thể dùng 01 ngón tay hỗ trợ kéo đẩy nhẹ cơ mặt vùng góc hàm bên bệnh về phía mang tai. Lặp lại 5 lần.

Tập luyện liên tục mỗi ngày đến khi khỏi. Có thể lặp lại 2-3 lần mỗi ngày.

Trẻ liệt dây thần kinh số 7 trước và sau khi tập luyện, xoa bóp, chăm sóc tại nhà. Ảnh: BV Nhi Trung ương

Cách chăm sóc trẻ khi bị liệt dây thần kinh số 7

Tránh gió, tránh lạnh: Trẻ cần được giữ ấm, tránh gió lạnh khi ra ngoài trời, không để ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, rửa mặt hoặc chăm sóc bằng nước ấm.

Chăm sóc và bảo vệ mắt: Trẻ cần đeo kính tránh bụi bẩn khi ra ngoài, tra nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý để tránh khô mắt và hạn chế nhiễm khuẩn.

Vệ sinh răng miệng: Cơ vùng mặt không giữ nước được trong miệng, thức ăn đọng lại bên liệt dễ gây viêm nhiễm vùng răng lợi, miệng, họng. Do đó, trẻ cần được đánh răng ngày 2 lần, sử dụng chỉ nha khoa, xúc miệng, họng và nhỏ rửa mũi bằng nước muối sinh lý.

Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng: Chế độ ăn đầy đủ vitamin, khoáng chất, carbohydrate, protein và chất béo, nhu cầu theo lứa tuổi. Tránh đồ ăn sống lạnh (ăn kem, uống nước đá lạnh, dưa hấu, tôm, cua, gỏi cá…) hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ (ớt, hạt tiêu, đồ chiên xào rán…

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/be-2-tuoi-bi-liet-mat-meo-mieng-sau-khi-di-duoc-bo-me-cho-di-xe-may-buoi-toi-bac-si-chi-cach-bao-ve-tre-trong-mua-lanh-172240131081046525.htm