Bây giờ ta lại nói về nhau!

Chúng ta đã tiếp tục nói về nhau bằng tình yêu đồng nghiệp, tình yêu quê hương suốt 27 năm qua. Bây giờ ta lại nói về nhau, về kỷ niệm, kinh nghiệm của 60 năm đã qua để thêm hành trang bước vào giai đoạn mới của tờ báo Đảng quê nhà. Tôi nghĩ thế và đinh ninh như thế.

Tùy bút

Ngày 01/5/1981, tôi từ Thông tấn xã Việt Nam chuyển về công tác tại Báo Bắc Thái, gắn cuộc đời và sự nghiệp với mảnh đất này 35 năm có lẻ. Chuyến đi cơ sở công tác đầu tiên là tới huyện Bạch Thông, Bắc Kạn. Liên tiếp các năm sau đó thường trú, theo dõi phong trào tại các huyện Chợ Đồn và Na Rì. Với tôi, mảnh đất và con người Bắc Kạn, trong đó có những đồng nghiệp thân yêu là cả một miền ký ức… Kể cả 31 năm chung tỉnh, chung tòa soạn cho đến ngày ra ở riêng- kỷ niệm, ký ức tốt đẹp cứ dội về ào ạt…

Chủ tịch huyện Bạch Thông, anh Dương Văn Đình đi họp ở tỉnh, ghé qua Tòa soạn đón tôi lên huyện. Sau khi cử Chánh Văn phòng Ủy ban Ma Văn Chung đưa tôi đi chào Bí thư Huyện ủy Đinh Công Hòa, Phó Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Tượng, tôi xin phép đi cơ sở ngay.

Đêm ấy viết xong bài “Dương Quang khoán sản phẩm”, sáng hôm sau tôi ra bưu điện huyện gửi ngay. Mấy ngày sau cả Báo Bắc Thái và Báo Nhân dân đều đăng trang trọng, bởi cả nước đang cần hiệu ứng tích cực từ Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Bài báo đó đã giúp cả nước hiểu về cách làm hiệu quả của một địa phương miền núi mà việc chỉ đạo cơ sở là Chủ nhiệm Ủy ban nông nghiệp huyện Hà Sỹ Toàn.

Ngại phiền, tôi cứ khoác ba lô đi bộ qua các xã Dương Phong rồi Đông Viên, Rã Bản tới Phương Viên, Bằng Lũng, Ngọc Phái. Trên sàn dát mai của nhà cựu phóng viên Báo Bắc Thái Nguyễn Huy Hùng tại bản Khau Chủ, xã Đông Viên, tôi được chia sẻ về kinh nghiệm lao động nghề báo ở vùng cao, về “3 cùng” với dân bản…

Nhà báo Huy Hùng kể: Là tỉnh miền núi, Bắc Kạn ra đời tờ báo của Đảng bộ vào cuối năm 1963, chậm hơn các tỉnh dưới xuôi đôi chút và cũng chỉ ra được ít số rồi ngày 21/4/1965, theo Nghị quyết của Quốc hội, Bắc Kạn sáp nhập với Thái Nguyên thành Bắc Thái… Chỉ có 4 người chuyển về Thái Nguyên làm báo, trong đó có Phó Tổng biên tập Hoàng Vĩnh Xuyên và biên tập viên Đinh Văn Nhân- những cây bút của tờ báo còn rất trẻ…

Lần lần, thoắt cái đã mấy năm tôi thường trú 3 huyện phía Bắc tỉnh Bắc Thái. Tôi đi hầu khắp các xã xa xôi, từ Yên Thượng, Bản Thi, Nam Cường của Chợ Đồn; Sỹ Bình,Vũ Muộn của Bạch Thông đến Kim Hỷ, Cường Lợi của Na Rì... ở đâu cũng được người dân quý mến, sẻ chia... Những tình cảm quý mến và sự chăm sóc ân cần của đồng bào đã để lại trong lòng một nhà báo trẻ như tôi những tình cảm không bao giờ quên được.

Rằm tháng bảy năm ấy rất đẹp. Chủ tịch huyện Dương Văn Đình mời tôi về Vi Hương quê anh ăn Tết. Trăng rằm vằng vặc, không khí đổi mới do khoán sản phẩm trong nông nghiệp theo Nghị quyết 10 có mặt khắp làng gần, bản xa khiến tâm hồn lay động. Tôi viết: “Đêm đèo Giàng/Trăng ngàn gió núi/Bếp nhà sàn thơm mùi nếp mới… Đêm đèo Giàng/Bản làng đều thức/Sản phẩm khoán rồi nhà nhà náo nức/Ai cầy lật rạ đêm trăng”.

Từ giữa mùa đông năm 1996, nhiệt độ xuống thấp, trời rét. Ấy là tiết trời, còn trong lòng cán bộ và người dân Bắc Thái thì sức “nóng” liên tục tăng. Nhất là ngày 06/11, Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết chia tách tỉnh Bắc Thái để tái lập tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Vậy là sau 31 năm ăn chung, làm chung, từ 01/01/1997, hai người con cùng chung một cội lại tái hồi cương vực. Tháng 11 và 12 năm ấy sôi động và tâm tư nhiều lắm. Ai quê gốc Bắc Kạn thì về xây dựng quê hương đã đành, ai đang ấm áp mền bông với gia đình, người thân được phân công đi Bắc Kạn thì “hô khẩu hiệu” lên đường… Các cuộc đưa tiễn diễn ra hết sức cảm động. Các đồng chí: Hà Văn Phụng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phan Thế Ruệ, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên; Hà Sỹ Toàn, Bí thư Huyện ủy Bạch Thông... được phân công giữ những vị trí chủ chốt của Bắc Kạn...

Đồng chí Hà Văn Phụng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Thái chụp ảnh với tập thể cán bộ, phóng viên Báo Bắc Thái trước khi chia tách thành Báo Bắc Kạn và Báo Thái Nguyên.

Những ngày này của 27 năm trước, tỉnh mới Bắc Kạn có ngót 4.000m2, thu ngân sách chưa đầy 20 tỷ đồng/năm. Đất nước lúc ấy đã đổi mới đi lên công nghiệp hóa được 10 năm nhưng Bắc Thái cũng chưa kịp đầu tư cho khu vực phía Bắc tỉnh nên công nghiệp, cơ sở đào tạo hay kết cấu hạ tầng văn hóa – xã hội của Bắc Kạn gần như bằng không… Bắc Kạn bây giờ có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, dân số hơn 30 vạn, thu ngân sách năm 2022 đạt hơn 826 tỷ đồng. Đất vẫn rộng, người vẫn thưa, rừng và kinh tế đồi rừng là chủ đạo. Từ đặc điểm địa chính trị của Bắc Kạn, việc tái lập là để tỉnh ổn định và phát triển trên cơ sở bảo tồn những giá trị hiện có là chủ trương đúng đắn…

Tòa soạn Báo Bắc Thái đến năm đó cũng đã có tuổi đời 35 năm, với biên chế 31 người, nhận chỉ thị của Tỉnh ủy: Từ 1-1-1997, xuất bản cùng lúc 2 tờ báo Bắc Kạn và Thái Nguyên. Vừa làm tốt việc chia tách, chi bộ Đảng và Ban biên tập Báo Bắc Thái có trách nhiệm giúp Báo Bắc Kạn những ngày đầu, những số báo đầu... Tòa soạn Báo Bắc Kạn được hình thành từ số 10, đường Nha Trang, TP. Thái Nguyên gồm 7 người: Đồng chí Nguyễn Non Nước, Phó Tổng biên tập được đề bạt Tổng biên tập Báo Bắc Kạn cùng các đồng chí Hoàng Đức Chí, Nguyễn Cao Thâm, Trần Lan Phương, Trần Nguyên, Lê Thế Bình, Nguyễn Xuân Hải... Hôm 01/01/1997, 2 tờ Bắc Kạn và Thái Nguyên số 1 được phát hành rộng rãi tại lễ mít tinh thành lập tỉnh đã gây xúc động và tự hào lớn với công chúng báo chí có mặt hôm đó.

Tôi xin dành ít dòng trong bài viết để nói về truyền thông 2 tỉnh. Báo Bắc Kạn thừa hưởng nền nếp và nghiệp vụ của tờ Báo Bắc Thái, mà tờ Báo Bắc Thái lại thừa hưởng truyền thống báo chí cách mạng và kháng chiến nên phục vụ tốt cho nhiệm vụ chính trị ngay từ số đầu 01/01/1997 và suốt quá trình 27 năm qua. Có sự hỗ trợ của Báo Thái Nguyên, Báo Bắc Kạn điện tử ra đời sau Thái Nguyên điện tử ít ngày, năm nay cũng đã được 18 năm, cập nhật nhanh, chính xác, góp phần định hướng thông tin cho tỉnh, phục vụ đồng bào mình ngay từ buổi đầu tiên đã có bản sắc riêng... Hai người anh em cùng chung một cội cho nên nghĩa cử sâu nặng, ân tình chan chứa. Không chỉ những năm tháng đầu mà ngay đến bây giờ đều chia sẻ giúp đỡ nhau; cũng không chỉ Ban biên tập thời ấy mà cả bây giờ và mãi mãi…

Chúng ta đã tiếp tục nói về nhau bằng tình yêu đồng nghiệp, tình yêu quê hương suốt 27 năm qua. Bây giờ ta lại nói về nhau, về kỷ niệm, kinh nghiệm của 60 năm đã qua để thêm hành trang bước vào giai đoạn mới của tờ báo Đảng quê nhà. Tôi nghĩ thế và đinh ninh như thế./.

Nhà báo Hữu Minh (Nguyên TBT Báo Thái Nguyên)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/bay-gio-ta-lai-noi-ve-nhau-post57527.html