Bay cùng cánh dù

Bình minh ló rạng, trên bầu trời phớt hồng của tỉnh Phú Yên, từng cánh dù lần lượt bung mở, nhẹ nhàng bay trên không. Để có thể rời cửa máy bay, bay bổng giữa trời cao, các học viên của Trường Sĩ quan Không quân phải rèn luyện rất nghiêm túc từng động tác và chiến thắng chính mình.

Từng học viên được kiểm tra túi dù rất kỹ trước khi lên máy bay.

Bay giữa trời cao

Hơn 3 giờ sáng, chuông reo, các học viên nhanh chóng khởi động, ăn sáng và khẩn trương ra bãi tập kết dù. Tuy phải di chuyển từ TP. Nha Trang ra nhưng tất cả đều không mệt, phấn chấn chờ kiểm tra sức khỏe, rồi xếp hàng, tập lại động tác mặt đất.

Đến 5 giờ 45, phía chân trời chuyển dần sang màu hồng phớt. Từ cuối đường băng, chiếc trực thăng Mi-171 ầm ì tiến lại gần. Chúng tôi bám theo học viên lên máy bay mà tưởng chừng bị thổi bay bởi cánh quạt tạt gió mạnh như cơn lốc, xoáy cát bay mù mịt. Trong tiếng động cơ ầm ầm, "con chim sắt" nhấc mình bay vút lên không trung, hướng tới độ cao 800m. Ngồi trong chiếc máy bay huấn luyện không điều hòa, không ghế ngồi êm ái và luôn rung lắc, chúng tôi thấy rất tự hào, hồi hộp như thể sắp được bung dù bay cùng học viên và ngắm đất nước thân yêu từ trên cao.

Sẵn sàng bay vào bầu trời.

Máy bay đến điểm thả dù. Cửa bắt đầu mở. Ánh sáng chói lòa cùng gió mạnh đột ngột thốc vào khoang. Bên ngoài, chỉ có khoảng không bao la với những dải mây bạc lững lờ mờ ảo. Cảm giác rợn ngợp khó tả xâm chiếm chúng tôi. Các học viên bình tĩnh xếp hàng chờ lệnh. Chăm chú quan sát chiếc "dù mồi" được thả đầu tiên, đánh giá xong các yếu tố bên ngoài, Trung tá Cao Sỹ Viên - Chỉ huy thả dù đập khẽ vào vai học viên, ra khẩu lệnh "Nhảy!". Lập tức, học viên Trịnh Xuân Phú - lớp K50 tung người dứt khoát vào khoảng không. Trên máy bay, ai đó khẽ đếm thời gian anh rơi tự do: "1 giây, 2 giây, 3 giây, giật vòng dây kéo!". Dưới máy bay, dù của anh Phú cũng vừa nở xòe đu đưa. "Thành công rồi!", ai đó khẽ reo. Lần lượt từng học viên khác tiếp tục nhảy vào không trung theo lệnh của Trung tá Viên, mỗi người cách nhau 2 - 3 giây. Biển, hồ, đất liền dần hiện rõ…

Dưới mặt đất, Trung tá Lại Đình Bảo - Chỉ huy điều khiển dù nắm chắc loa, căng mắt dõi theo từng học viên thoát ly cửa máy bay. Dù vừa bung, anh liên tục hướng dẫn học viên đánh giá hướng gió, điều khiển dù đáp về chữ T (tâm) màu cam trên mặt đất. Dù gần tiếp đất, anh nhắc: "Chú ý, 3 chụm! 3 chụm!" (chụm 2 mũi chân, 2 gót chân, 2 đầu gối để bảo đảm an toàn tiếp đất).

Vừa tiếp đất, anh Phú phấn chấn chia sẻ: "Lúc chuẩn bị rời cửa máy bay, tôi cũng hơi "khớp", có chút sợ hãi, hồi hộp, tim đập nhanh hơn. Thế nhưng, khi nhảy ra và bung dù được thì rất phấn khích, bao nhiêu lo âu, hồi hộp bay đâu hết. Tôi rất vui vì lái được dù về tâm. Đây là thao tác khó, ít người làm được". Anh Hồ Quốc Đạt - lớp K50 khẳng định: "Chúng tôi được luyện tập rất kỹ, nắm vững các yếu lĩnh động tác kỹ thuật, xử lý tốt những tình huống bất trắc xảy ra trên không nên rất tự tin".

Luyện kỹ năng, rèn bản lĩnh

Nhảy dù là một nội dung huấn luyện quan trọng của học viên phi công quân sự. Để có phút bung dù ngoạn mục trên bầu trời, học viên phải rất nỗ lực luyện tập, bởi quá trình nhảy dù có thể xảy ra nhiều tình huống: Dù chính không mở; học viên rơi vào dòng khí thăng, giáng khiến dù bị chao lắc; dù lôi người đi do gặp gió mặt đất lớn… Vì vậy, trước khi thực hành, học viên phải hoàn thành nội dung lý thuyết và thực hành bay trên mô phỏng, đồng thời rèn luyện thể lực hàng ngày với nhiều nội dung thể thao hàng không.

Chúng tôi tới trường khi các học viên vừa xong giờ học lý thuyết, đang luyện tập với vòng quay trụ. Từng người bước vào vòng quay, buộc chặt bàn chân, tay vào vòng quay và xoay 360 độ với tốc độ chóng mặt. Thượng úy Phạm Thanh Tùng - Trợ lý thể thao Tiểu đoàn 3 của trường liên tục nhắc: "Chú ý gót! Giữ chặt hông! Giữ tốt điểm nhìn! Miết chặt bàn chân!". Yêu cầu đạt đối với nội dung đu quay là quay được 21 vòng/phút; với vòng quay trụ là 46 vòng/phút. Dừng vòng quay, có học viên mới đỏ lựng mặt, toát mồ hôi. Anh Hoàng Minh Sơn - lớp K50 cho biết, ban đầu tập chưa quen thấy khó, nhưng được hướng dẫn và luyện tập nhiều, anh đã thực hiện tốt.

Hướng dẫn nhảy dù trên mô phỏng.

Trung tâm Mô phỏng của trường như một khoang lái thu nhỏ, với đầy đủ trang thiết bị mô phỏng hiện đại, như: Buồng tập lái máy bay, phòng bắn ảo... Cabin mô phỏng có bảng điều khiển, hệ thống công tắc, đèn báo hiệu như khoang lái máy bay. Thử đeo kính thực tế ảo và ngồi vào cabin mô phỏng, lập tức tôi có cảm giác lâng lâng như đang ngồi trên ghế lái, trước mặt là khoảng không, phía dưới là sân bay, đường sá, bờ biển. Nhập lệnh tăng độ cao, các địa tiêu mờ dần… Đại tá Trịnh Quang Vĩnh - giảng viên nhà trường cho biết, trong phần học lý thuyết, học viên được truyền đạt rất kỹ về nguyên lý bay; khí động học; nội dung, số liệu, bài bay, khẩu lệnh, phương pháp dẫn đường; xử lý các tình huống bất trắc trên không; công dụng, nguyên lý, vị trí hệ thống trang thiết bị trên máy bay… Hoàn thành phần lý thuyết, học viên mới được học trên mô phỏng. Để thị phạm, Trung tá Nguyễn Văn Huấn - nhân viên trung tâm nhanh nhẹn vào giá treo dù, đeo kính thực tế ảo, kết nối với máy tính. Dây treo dù rút lên cao. Sau lệnh "Nhảy", anh tung người, thực hiện động tác thoát ly cửa máy bay, đếm giây, rồi giật vòng dây kéo. Từ trạng thái rơi tự do, giá treo dù đưa anh vào trạng thái lơ lửng như vừa bung dù. Thiết bị giúp học viên rèn luyện cảm giác, tâm lý, nhảy dù đúng tư thế, bung dù chuẩn xác đến từng giây, bình tĩnh điều khiển dây lái. Thiết bị còn giả lập gió giật, mưa rơi, dù lắc, đứt dây, xoắn dây… cho cảm giác mặt đất giãn rộng khi gần tiếp đất. Học viên Lương Thái Hoàng - lớp K52 nói: "Thực hành nhảy dù trên mô phỏng giúp tôi thành thạo các yếu lĩnh động tác kỹ thuật, bình tĩnh, vững vàng bước vào thực hành nhảy dù".

Thượng tá Nguyễn Đức Thuận - Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Mô phỏng cho biết, khoảng 7 năm trước, khi học xong lý thuyết, học viên xuống thực hành bay ngay nên còn bỡ ngỡ, tâm lý; kỹ năng, kỹ xảo, kiến thức, kỹ thuật lái gặp khó. Từ khi có trung tâm, học viên được làm quen với cảm giác ở trên không; biết phân phối chú ý, kiểm soát số liệu trên các đồng hồ; điều khiển các trạng thái bay, thế bay; xử trí những tình huống bất trắc trên không... Hệ thống mô phỏng huấn luyện bay có thể tái cấu hình sử dụng nhiều loại máy bay. Huấn luyện nhảy dù trên mô phỏng giúp học viên có bản lĩnh vững trước khi nhảy dù thực tế, luyện kỹ năng lái dù, hạn chế rủi ro trong quá trình huấn luyện. Qua đó, nhà trường giảm được thời gian, chi phí đào tạo thực hành bay.

Chia tay chúng tôi khi vầng dương vừa lên, nhiều học viên vẫn lâng lâng cảm giác phấn khích khi bay lượn cùng cánh dù. Học viên Nguyễn Danh Hiệp - lớp K50 thổ lộ: "Lúc dù bung, tận hưởng phút bay bổng giữa trời cao và lái dù về tâm thật sự là cảm giác rất khó quên. Trở thành phi công phục vụ Tổ quốc là mơ ước của rất nhiều bạn trẻ. Tôi sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để thực hiện ước mơ đó".

Đại tá NGUYỄN QUANG HÙNG - Phó Hiệu trưởng, Tham mưu trưởng Trường Sĩ quan Không quân: Nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của đào tạo học viên phi công quân sự và đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện; chú trọng đầu tư nguồn lực; tích cực, chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng vào huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, nhà trường đã được đầu tư nhiều trang thiết bị ứng dụng công nghệ mô phỏng, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo. Đến nay, cơ bản các cơ quan, đơn vị trong trường đã ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng vào huấn luyện, diễn tập. Ứng dụng công nghệ mô phỏng trong huấn luyện vừa bảo đảm sát thực tế chiến đấu, vừa nhằm thực hiện tốt phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

NGUYỄN VŨ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202404/bay-cung-canh-du-8423f26/