Bầu thủ lĩnh công đảng Anh: Em "hạ gục" anh

Ngày 25/9, báo chí Anh cho biết ông Ed Miliband, 40 tuổi, vừa được bầu là tân thủ lĩnh Công đảng sau 4 vòng đua gay cấn trong nội bộ đảng này ở Manchester. Ông được xem là hy vọng mới có thể giúp thay đổi hình ảnh Công đảng và đưa đảng này trở lại lãnh đạo nước Anh.

Trong khuôn khổ đại hội Công đảng Anh diễn ra ngày 25/9 ở Manchester, miền Bắc nước Anh, ông Ed Miliband đã được bầu làm thủ lĩnh mới với 50,65% số phiếu ủng hộ. Số phiếu này chỉ hơn một chút so với anh ruột của ông Ed là David Miliband, vốn được 49,35% số phiếu. Được biết tiến trình bầu lãnh đạo Công đảng rất phức tạp với 1/3 số phiếu thuộc về các thành viên của đảng, 1/3 số phiếu thuộc về các tổ chức công đoàn và 1/3 số phiếu còn lại nằm trong tay các nghị sĩ. Trong 4 vòng bỏ phiếu, David đã dẫn đầu tới 3 vòng và ở cách khá xa các đối thủ bị loại như Diane Abbott, Andy Burnham và Ed Balls. Tân lãnh đạo Công đảng Ed Miliband (trái) nhận lời chúc mừng từ anh ruột và là đối thủ David Miliband Tuy nhiên chính các nghiệp đoàn mới đem tới lá phiếu quyết định. Họ đánh giá chiến dịch tranh cử hướng nội của Ed cao hơn David. Ngoài ra Ed còn được ủng hộ từ các nhà hoạt động cơ sở trong hệ thống bầu cử của Anh. Kết quả vòng bỏ phiếu thứ 4, David nhận được 147.220 phiếu ủng hộ trong khi Ed nhỉnh hơn với 175.519 phiếu. Với kết quả này, ông Ed Miliband sẽ thay thế quyền thủ lĩnh Công đảng, bà Harriet Harman. Phát biểu sau khi giành chiến thắng, ông Ed Miliband đã ca ngợi các ứng viên khác, đồng thời cam kết thúc đẩy sự đoàn kết trong đảng và lãnh đạo Công đảng tiến lên phía trước. Theo ông, Công đảng cần phải hiểu những gì cử tri mong muốn trong các vấn đề tiền lương, nhập cư và nhà ở. Ông cũng chỉ trích quyết định của ban lãnh đạo trước đây của Công đảng ủng hộ cuộc chiến ở Iraq, khiến cử tri mất dần niềm tin đối với đảng này. Trẻ và đầy triển vọng Ed Miliband, tên đầy đủ Edward Miliband, sinh ngày 24/12/1969. Sinh tại London, Ed là con trai của bà Marion Kozak, một người Do Thái Ba Lan nhập cư vào Anh, và học giả Ralph Miliband. Khi còn trẻ, ông có thời gian bình luận phim và kịch trong chương trình Young London của kênh phát thanh LBC Radio. Miliband theo học tại trường Haverstock Comprehensive với kết quả tốt nghiệp đạt loại A. Tiếp đó ông theo học ngành Triết học, chính trị và kinh tế tại trường Corpus Christi thuộc Đại học Oxford. Ra trường với bằng Cử nhân, Ed tiếp tục theo học Thạc sĩ tại Trường Kinh tế London. Sau một thời gian ngắn làm phóng viên truyền hình, Ed trở thành người biên soạn diễn văn cho một quan chức Công đảng vào năm 1993 trước khi cộng tác với Thủ tướng tương lai Gordon Brown. Năm 1997, theo sau chiến thắng áp đảo của Công đảng, Ed được chỉ định làm cố vấn đặc biệt của Gordon Brown chuyên biên soạn các bài diễn văn. Hai năm sau, Ed có liên quan tới việc biên soạn tuyên ngôn của Công đảng trước các cuộc bầu cử Quốc hội Scotland. Ed đã từ chức Cố vấn đặc biệt ở Bộ Tài chính để làm việc trong chiến dịch tranh cử Scotland. Năm 2004, ông được chỉ định làm chủ tịch Hội đồng Các cố vấn Kinh tế của Bộ Tài chính, lãnh đạo việc hoạch định chính sách kinh tế dài hạn của Anh. Năm 2005, Ed lại từ chức khỏi vị trí đang đảm nhận ở Bộ Tài chính để tham gia tranh cử vào Quốc hội. Ông đã đánh bại đối thủ Michael Dugher để trở thành nghị sĩ Công đảng đại diện cho vùng Doncaster North. Năm 2007, khi Brown trở thành Thủ tướng, Ed và David cùng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng trong nội các, một sự kiện chưa từng xảy ra kể từ năm 1938. Ông được giao nhiệm vụ soạn thảo tuyên ngôn của Công đảng trước cuộc tổng tuyển cử tiếp theo. Hai năm sau, khi cuộc bê bối chi tiêu công quỹ ở Quốc hội Anh đang bị phanh phui, Ed đã được tờ Daily Telegraph gọi là “một trong những vị thánh” của cuộc bê bối do ông chỉ khai nhận mức phụ cấp rất thấp, bất chấp việc bản thân có quyền hưởng nhiều hơn thế. Tới tháng 5 năm nay, Ed bất ngờ tuyên bố sẽ tranh ghế lãnh đạo Công đảng và giành chiến thắng sát nút trước anh trai. Thách thức lớn trên đường trở lại quyền lực Với việc lên nắm ghế lãnh đạo Công đảng ở tuổi 40, Ed đã tự giới thiệu bản thân như một con người có khả năng mang tới sự “thay đổi” có thể chấm dứt kỷ nguyên “Tân Công đảng” do các nhân vật như Tony Blair và Gordon Brown tạo ra để mang đến những thay đổi mới. “Tôi hiểu điều người dân đang cảm thấy khi họ làm việc kéo dài nhiều giờ mà không được thưởng công và cảm thấy rằng chúng ta không đứng về phía họ. Tôi cũng hiểu rằng người dân không giữ định kiến về vấn đề nhập cư, người dân cảm thấy lo lắng và bất ổn về mức lương, điều kiện lao động, vấn đề nhà ở. Tôi hoàn toàn hiểu và tôi đã thấy nhu cầu phải thay đổi. Tôi cần phải thống nhất đảng để làm điều đó và tôi sẽ làm được” - Ed tuyên bố trong quá trình tranh cử. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng Ed sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong những năm tới, nhất là khi các nghiệp đoàn, bộ phận cử tri ủng hộ mạnh ông, đang chuẩn bị đối đầu với việc chính phủ có kế hoạch cắt giảm mức thâm hụt chi tiêu công từ 153 tỷ bảng xuống còn 111 tỷ bảng trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm 2015. Việc cắt giảm 40% mức chi tiêu tại một số cơ quan chính phủ có thể tạo ra tình trạng mất việc làm lan rộng trong khu vực hành chính công, nơi hơn 50% lao động là thành viên công đoàn. Tường Linh

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/131n20100927072026606t0/bau-thu-linh-cong-dang-anh-em-ha-guc-anh.htm