Bầu cử tổng thống Pháp: Biến thách thức thành lợi thế

Ông Emmanuel Macron tái đắc cử Tổng thống Pháp với 58,54% số phiếu, lần thứ hai đánh bại đối thủ Marine Le Pen của đảng cực hữu Tập hợp dân tộc (RN), người giành được 41,46% số phiếu.

Ông Emmanuel Macron tái đắc cử tổng thống Pháp với 58,54% số phiếu. (Nguồn: Reuters)

Kết quả này đã được dự báo trước từ rất sớm. Đầu năm 2022 và nhất là từ khi ông Macron tuyên bố chính thức tái tranh cử đầu tháng 3/2022, các thăm dò dư luận cho thấy Tổng thống đương nhiệm sẽ giành chiến thắng cách biệt ít nhất 4 điểm % so với ứng cử viên đối lập cho dù là ai.

Những vận động xã hội-chính trị đáng lưu tâm

Điều đáng quan tâm trong kết quả ngày 24/4 nằm ở hai chỉ số: tỷ lệ 41,46% phiếu bầu cho ứng cử viên Marine Le Pen và 28,01% tỷ lệ người không đi bỏ phiếu. Lần đầu tiên trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp, một ứng cử viên cực hữu đạt được số phiếu lên đến hơn 40% trong vòng hai và cũng lần đầu tiên kể từ năm 1969, có gần 30% cử tri không đi bỏ phiếu.

Về ngắn hạn, kết quả bỏ phiếu lần này cho thấy, xu thế hướng nội, bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa, dân túy ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong xã hội và chính trị Pháp. Xu thế này sẽ tiếp tục tác động đến các cuộc bầu cử quốc hội vào tháng Sáu tới khi các đảng cực hữu cũng như cực tả sớm dự báo kết quả và chuẩn bị cho “vòng thứ ba” nhằm giành vị thế đảng đối lập chính với Tổng thống Macron.

Về dài hạn, kết quả bầu cử vòng hai này phản ánh những vận động đáng lưu tâm của xã hội và chính trị Pháp trong vòng 20 năm trở lại đây.

Thứ nhất, xu thế xóa bỏ ranh giới, lưỡng phân tả - hữu truyền thống của Đệ ngũ cộng hòa Pháp. Nếu như cuộc bầu cử 2017, các đảng cánh tả truyền thống, đặc biệt đảng Xã hội thất bại nặng nề, trở nên tê liệt và gần như không còn khả năng quay lại nắm quyền thì ở cuộc bầu cử này, đảng cánh hữu truyền thống “Những người Cộng hòa” cũng thảm bại đến mức không đủ 5% phiếu bầu để được hoàn trả chi phí tranh cử.

Thứ hai, kết quả này cho thấy sự trỗi dậy của các đảng phi truyền thống với “Nền cộng hòa tiến bước” của ông Macron, đảng “Tập hợp dân tộc” của bà Le Pen vốn được cải tổ từ đảng “Mặt trận dân tộc” của cha bà - ông Jean-Marie Le Pen, đảng “Nước Pháp bất khuất” hay “Tái chinh phục”. Điểm chung của các đảng này là đều mới thành lập, đặt mục tiêu phá bỏ thế lưỡng phân chính trị, thậm chí chống lại hệ thống.

Thứ ba, kết quả này phản ánh sự phân hóa, chia rẽ ngày càng sâu sắc trong xã hội Pháp: giữa một “nước Pháp trên cao” đối lập với “nước Pháp dưới thấp” (thu nhập, học thức, địa vị…); giữa một phần xã hội Pháp hướng nội, lo lắng về các thách thức an ninh, an toàn, bản sắc với phần còn lại hướng ngoại, cởi mở và chấp nhận các thách thức thay đổi do toàn cầu hóa, tự do hóa đem đến; giữa một nước Pháp dân túy, muốn đi theo con đường Brexit, thoát ly EU và một nước Pháp khác muốn đặt mình trong EU, là một phần của EU và thông qua EU đảm bảo vị thế của Pháp trên thế giới.

Thắng lợi lớn, cam kết nhiều

Ông Macron đã tái cử thành công cho dù trong năm năm qua chính quyền của ông lần lượt phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng như “Áo vàng”, Covid-19 hay Ukraine… Tuy nhiên, các thách thức lớn đang ở phía trước.

Khó khăn lớn nhất không nằm ở việc thực hiện chương trình nghị sự mà chính ở sự phân hóa của nước Pháp. Nếu như năm 2017, ông Macron đã tận dụng mối rạn nứt này trong xã hội và chính trị Pháp để bất ngờ ra tranh cử và giành chiến thắng thì ở nhiệm kỳ hai này, đây lại là thách thức lớn nhất. Kết quả bỏ phiếu vòng một cho thấy có tới gần 60% cử tri đi bỏ phiếu cho các lực lượng cực hữu hoặc cực tả (Le Pen, Mélenchon, Zemmour).

Thêm vào đó, hơn 28% cử tri không đi bỏ phiếu ở vòng hai. “Đám đông im lặng” luôn tồn tại trên chính trường và xã hội Pháp và nơi họ biểu đạt ý kiến thường lại là đường phố chứ không phải ở hòm phiếu. Trong lần bầu cử vòng hai, nhóm này chiếm tỷ lệ rất cao, thậm chí vượt tỷ lệ cử tri đã bỏ phiếu cho ông Macron ở vòng một. Le Figaro trích dẫn một thăm dò dư luận tiến hành ngoài phòng bỏ phiếu cho thấy, 56% cử tri sẵn sàng không bỏ phiếu cho LREM và các đồng minh trong kỳ bầu cử quốc hội tháng Sáu tới nhằm ngăn chặn ông Macron có toàn quyền điều hành đất nước.

Khó khăn thứ hai là về phương pháp điều hành, quản trị của ông Macron. Trong nhiệm kỳ đầu, ông được ví von như là “thần Jupiter” bởi đã theo đuổi cách tiếp cận theo chiều dọc, bỏ qua các thiết chế trung gian xã hội. Một trong những hệ quả là nước Pháp lâm vào khủng hoảng “Áo vàng” trong năm 2018-2019 đe dọa nền dân chủ và sự ổn định xã hội.

Thái độ của một bộ phận cử tri Pháp đối với phong cách quản trị của ông Macron đã phản ánh rõ nét trong kết quả bầu cử. Bản thân ông Macron cũng nhận thức rõ thách thức này và cam kết sẽ thay đổi phong cách làm việc. Đây mới chỉ là cam kết từ phía ông Macron. Sự cố gắng của ông cũng cần đến sự hồi đáp của người dân, điều chưa chắc ông có ngay được khi mà hàng loạt cuộc biểu tình, thậm chí kèm theo bạo lực đã nổ ra ngay song song với buổi lễ mừng chiến thắng của ông đêm 24/4.

Thứ ba, đó là khó khăn về việc thực hiện chính sách, cam kết quan trọng của ông Macron. Ưu tiên hàng đầu cần thực hiện ngay sau bầu cử là về sức mua. Ông Macron cam kết ngay trong hè này sẽ thông qua một đạo luật đặc biệt về sức mua của người dân. Ông cũng cam kết đảm bảo ổn định mức giá các mặt hàng thiết yếu là gas và điện, đảm bảo đời sống của các hộ gia đình có thu nhập thấp. Trong ngắn hạn, các cam kết này có thể hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của LREM từ nay đến tháng Sáu. Thực tế sẽ rất khó khăn khi đà tăng trưởng đã chững lại, nợ công và lạm phát. Còn cuộc khủng hoảng Ukraine đang làm giá nhiên liệu tiếp tục leo thang.

Nhiệm kỳ mới chắc chắn sẽ mang lại rất nhiều thách thức cho tân Tổng thống Macron và nước Pháp dù ông Macron quyết toàn tâm, toàn ý cho các kế hoạch cải cách còn dang dở, bởi đây là nhiệm kỳ cuối cùng của ông.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-tong-thong-phap-bien-thach-thuc-thanh-loi-the-181895.html