Bầu cử Thái Lan căng thẳng, kịch bản nào có thể xảy ra?

Theo giới chuyên gia, hiện nay đang có ít nhất 3 kịch bản có thể xảy ra trong cuộc bầu cử Thủ tướng Thái Lan.

Ông Pita có thể tiếp tục tranh cử Thủ tướng

Sau cuộc bỏ phiếu đầu tiên để bầu Thủ tướng Thái Lan không thành công vào ngày 13/7 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha cho biết các vòng bỏ phiếu tiếp theo sẽ diễn ra vào các ngày 19 và 20/7.

Ông Pita Limjaroenrat - người đang dẫn dắt liên minh 8 đảng đối lập tại Thái Lan và là ứng viên duy nhất - vẫn có thể tiếp tục tranh cử nếu lại được liên minh 8 đảng đề cử.

Ứng viên Thủ tướng Thái Lan Pita Limjaroenrat (Ảnh: Bloomberg).

Giáo sư Kevin Hewison từng công tác tại Đại học North Carolina (Mỹ) nhận định rằng nhiều khả năng liên minh 8 đảng sẽ tiếp tục đề cử ông Pita làm ứng cử viên tranh cử chức thủ tướng.

Tuy luật không giới hạn số lần Quốc hội Thái Lan bỏ phiếu bầu thủ tướng nhưng một số nhà phân tích cho rằng tỷ lệ ủng hộ ông Pita trong nội bộ liên minh 8 đảng sẽ giảm đi nếu ông vẫn tiếp tục thất bại trong các vòng bỏ phiếu tiếp theo.

Đảng Pheu Thai có thể đề cử ứng viên của riêng mình

Theo hãng tin Reuters, trong trường hợp ông Pita vẫn không giành đủ số phiếu cần thiết để trở thành thủ tướng trong các vòng bỏ phiếu tiếp theo, khả năng là Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) - đảng lớn thứ 2 trong liên minh 8 đảng đồng thời là đảng về nhì trong cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan hồi tháng 5 vừa qua, sẽ cử đại diện của đảng này làm ứng viên.

Cũng đưa ra kịch bản này, hãng Bloomberg cho rằng ông Pita có thể nhường bước và ủng hộ đảng liên minh Pheu Thai nếu không thể trở thành thủ tướng sau các vòng bầu cử sắp tới.

Ông Isra Sunthornvut - cựu nghị sĩ Quốc hội Thái Lan (thuộc Đảng Dân chủ) cho biết ông sẽ không bất ngờ khi tuần tới, ông Pita lên tiếng ủng hộ Đảng Pheu Thai đứng đầu trong chính phủ mới “vì lợi ích của đất nước”.

Theo Bloomberg, trong trường hợp này, thách thức đối với đảng Pheu Thai trong việc thành lập chính phủ mới là tìm cách nhận được sự ủng hộ từ phe bảo thủ trong khi vẫn liên minh với Đảng Tiến bước (Move Forward) của ông Pita vì trong quá trình tranh cử, phe bảo thủ đã bất đồng với đề xuất sửa đổi Luật Khi quân gây tranh cãi của Đảng Tiến bước.

Theo Bloomberg, khó khăn trên có thể khiến đảng Pheu Thai cân nhắc rút khỏi liên minh 8 đảng, tìm cách thành lập chính phủ do một trong ba ứng viên thủ tướng của đảng này đứng đầu.

Trước đó, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra từng cho rằng đảng Pheu Thai sẽ không ủng hộ những nỗ lực nhằm sửa đổi Luật Khi quân.

Bloomberg cũng nhận định việc không ủng hộ thực hiện cải cách này sẽ giúp Pheu Thai tăng cơ hội nhận được lá phiếu ủng hộ từ 250 thượng nghị sĩ vốn do Quân đội Thái Lan chỉ định, từ đó thành lập chính phủ mới.

Có thể thành lập chính phủ thiểu số do quân đội hậu thuẫn

Hãng Bloomberg cũng đưa ra kịch bản khác trong đó Thượng viện Thái Lan ủng hộ thành lập chính phủ thiểu số do ông Anutin Charnvirakul thuộc Đảng Bhumjaithai hoặc lãnh đạo của một trong số các đảng do quân đội hậu thuẫn. Tuy nhiên, khả năng này đi kèm rủi ro dẫn đến các cuộc biểu tình của những người ủng hộ liên minh 8 đảng đối lập.

Ngoài ra, Bloomberg cũng cho rằng phe bảo thủ tại Thái Lan có thể lấy cớ đảng Tiến bước cam kết sẽ sửa đổi Luật Khi quân để kiến nghị các tòa án tại Thái Lan giải thể đảng này, hủy bỏ kết quả cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 vừa qua.

Thực tế, trước thềm bầu cử, ông Pita đang đối mặt với hàng loạt vụ kiện. Mới đây, luật sư Theerayuth Suwankaesorn đã đệ đơn kiện ông Pita, cáo buộc việc ứng viên thủ tướng này và đảng Tiến bước cam kết sửa đổi Luật Khi quân đồng nghĩa “có ý định lật đổ chế độ quân chủ”. Ngày 12/7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan thông báo đã tiếp nhận vụ kiện này.

Về phần mình, Đảng Tiến bước cho biết, họ không yêu cầu hủy bỏ hoàn toàn Luật Khi quân mà chỉ muốn quy định rõ luật chỉ nên áp dụng khi Hoàng gia Thái Lan khiếu nại để tránh bị lạm dụng.

Tuy nhiên, ông Hewison cho rằng quá trình giải thể đảng Tiến bước hoặc hủy bỏ kết quả bầu cử, nếu xảy ra, sẽ cần nhiều thời gian. Hãng tin Bloomberg cũng cho rằng động thái này có thể làm dấy lên các cuộc biểu tình trên quy mô lớn tại Thái Lan.

Bên cạnh đó, ông Pita cũng đang đối mặt rắc rối pháp lý khác khi Ủy ban Bầu cử Thái Lan đề nghị Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông Pita liên quan tới cáo buộc sở hữu cổ phần công ty truyền thông iTV khi tham gia tranh cử. Luật Bầu cử Thái Lan quy định ứng viên nghị sĩ không được sở hữu công ty truyền thông.

Trong bối cảnh thủ tướng tiếp theo của Thái Lan vẫn là ẩn số, hãng tin Bloomberg cho rằng bế tắc kéo dài trong việc thành lập chính phủ mới tại Thái Lan sẽ khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào nền kinh tế quy mô 500 tỷ USD. Theo Bloomberg, quá trình mở rộng nền kinh tế của Thái Lan đã bị tụt lại so với một số thị trường mới nổi khác tại Đông Nam Á trong và sau đại dịch Covid-19.

Việc chậm trễ thành lập chính phủ mới cũng gây tác động tiêu cực lên thị trường trái phiếu, cổ phiếu, đồng nội tệ của Thái Lan.

Ngày 14/7, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan - ông Sanan Angubolkul cho biết lĩnh vực kinh tế tư nhân mong muốn chính phủ mới được thành lập trong thời gian sớm nhất để nền kinh tế Thái Lan có thể tiếp tục phát triển thuận lợi.

Hoàng Anh (Theo Bloomberg)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bau-cu-thai-lan-cang-thang-kich-ban-nao-co-the-xay-ra-d597354.html