Bầu cử QH Pháp: Làn sóng Macron sẽ chiếm đa số áp đảo

Liên minh Đảng Cộng hòa Tiến bước (LREM) và Đảng Phong trào Dân chủ (MoDem) đã giành thắng lợi lớn ở vòng 1. Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất vẫn cho thấy "làn sóng Macron" sẽ tiếp tục lấn át các đảng phái khác trong vòng 2 diễn ra ngày 18-6 để chiếm đa số áp đảo tại Hạ viện Pháp. Cuộc đổi mới chính trường chưa từng thấy ở Pháp sắp bắt đầu.

Siêu đa số để Tổng thống tiến bước

Trái với những lo ngại về kết quả thăm dò có thể không phản ánh đúng ý kiến cũng như nguyện vọng của đa số cử tri như ở nước Anh hay Mỹ, các dự báo đưa ra trong quá trình bầu cử Tổng thống rồi tới vòng 1 bầu cử Quốc hội vừa qua ở Pháp có sai số rất nhỏ. Kết quả ở vòng 1 ngày 11-6 vừa qua cũng như vậy khi LREM có 28,21% phiếu ủng hộ và MoDem được 4,12% phiếu so với dự báo là khoảng 33% cho cả hai đảng này.

Theo kết quả thăm dò công bố ngày 16-6, các đảng chính trị truyền thống sẽ tiếp tục phải hứng chịu thất bại trước "trận sóng thần" của liên minh LREM và MoDem. Hãng Odoxa dự đoán liên minh này có thể giành được 430-460 ghế trong tổng số 577 ghế tại Quốc hội khóa mới. Còn theo hãng Orpi, các ứng cử viên của LREM-MoDem sẽ giành thắng lợi áp đảo với tỷ lệ từ 440 đến 470 ghế.

Trong khi đó Đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) và Đảng Liên minh những người dân chủ và độc lập (UDI) chỉ được 70-95 ghế. Đảng Xã hội (PS) và liên minh sẽ tiếp tục đà đi xuống, chỉ được 25-35 ghế, nếu như vậy đây sẽ là một thất bại cay đắng so với 284 ghế ở khóa trước. Đây là sự lao dốc gây sốc của chính đảng PS khi bị thua liên tiếp trong giai đoạn 2012-2017 tại các cuộc bầu cử từ địa phương đến cấp tỉnh, cấp vùng rồi tới hai cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay. Tình cảnh bi đát này khiến cho tờ Giải phóng của cánh tả phải đưa ra lời bình rằng “Cánh tả: chẳng còn gì hết”.

Biểu đồ dự đoán kết quả của hãng thăm dò dư luận Odoxa.

Các đảng phái khác như Đảng Nước Pháp Bất khuất hay Đảng Mặt trận Quốc gia (FM) cũng khó có khả năng thay đổi được cục diện khi được dự đoán chỉ có được tối đa 15 và năm ghế. Như vậy, các đảng phái này không duy trì được sự ủng hộ của cử tri khi tỷ lệ ủng hộ giảm hơn một nửa so với cuộc bầu cử Tổng thống.

Khởi đầu thuận lợi của Tổng thống E. Macron

Trong cuộc bầu cử vòng 1 có bốn lực lượng chính trị lớn gồm LREM-MoDem, liên minh cánh hữu, liên minh cánh tả và FN đều hy vọng giành được 20-24% phiếu bầu như cuộc bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên chiến thắng áp đảo của LREM-MoDem ngày 11-6 cho thấy nhiều khả năng bầu cử vòng 2 sẽ là cuộc độc diễn của liên minh này. Lý do là chỉ có 48,71% cử tri đi bầu và đây là dấu hiệu cho thấy rất nhiều người dân Pháp biết kết quả đã an bài, thế nào cũng có lợi cho đảng của Tổng thống E. Macron. Hơn thế nữa chỉ trong vòng tám tháng qua, cử tri Pháp được huy động đi bỏ phiếu quá nhiều từ các cuộc bầu cử sơ bộ của các phe phái rồi tới cuộc bầu cử Tổng thống. Chính vì vậy nhiều người không quan tâm tới cuộc bầu cử Quốc hội.

Về lý thuyết các ứng cử viên của liên minh LREM-MoDem sẽ tiếp tục được cử tri dồn phiếu để vượt qua vòng 2 vì bất kỳ ứng cử viên nào dẫn đầu ở các khu vực bầu cử sẽ là người trúng cử chứ không cần phải có đủ tỷ lệ phiếu ủng hộ như quy định là 12,5%. Trong vòng 1, tỷ lệ đi bầu ở mức thấp kỷ lục so với những cuộc bầu cử lần trước và đã có lợi cho các ứng cử viên của liên minh LREM-MoDem.

Chính Tổng thống E. Macron đã đi một nước cờ vô cùng khôn khéo để chuẩn bị cho cuộc đấu lần này khi bổ nhiệm một thủ tướng thuộc cánh hữu, rồi đưa các ứng cử viên có nhiều tiềm năng nhất để đối đầu với các đối thủ của các đảng phái khác. Bước đi này đã khiến cho cuộc bầu cử lần này không còn là dịp để cử tri bày tỏ thái độ ủng hộ rõ ràng cho đảng của mình. Cùng lúc đó, Tổng thống E. Macron bắt đầu đưa ra kế hoạch cải cách đầu tiên, đồng thời thể hiện sự tự tin trên trường quốc tế. Kết quả thăm dò của hãng Ipsos cho thấy có 58% số người được hỏi cho biết họ hài lòng với những bước đi đầu tiên của Tổng thống.

Kết quả ở vòng 2 nhiều khả năng vẫn thuận buồm xuôi gió cho các ứng cử viên của liên minh này. Thành công của một phong trào chính trị có mặt trên chính trường Pháp mới được hơn một năm không chỉ phụ thuộc vào thời cuộc diễn biến phức tạp và sự suy yếu của các chính đảng truyền thống mà cả sự lựa chọn đúng người vào đúng vị trí và đúng thời điểm của ông Macron.

Thách thức và cục diện sắp tới

Các ứng cử viên của liên minh LREM-MoDem đã thắng lớn ở vòng 1 và tiếp tục được dự báo sẽ chiếm số ghế đa số áp đảo. Tuy nhiên dư luận đã đề cập ngay đến tính đại diện tại Quốc hội vì các chính đảng truyền thống có khả năng mất thế tranh luận.

Việc có được đa số tại Quốc hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tổng thống E. Macron thực hiện những cam kết đưa ra lúc tranh cử. Lời kêu gọi của Đảng LREM đã được cử tri ủng hộ ở vòng 1 tuy nhiên câu hỏi được báo chí cũng như các đảng phái khác đặt ra là liệu có xảy ra khả năng đảng của Tổng thống sẽ sử dụng lợi thế đa số áp đảo để gạt đi những ý kiến đối lập. Hơn thế nữa, các chính đảng truyền thống đang có xu hướng bị phân chia, không đồng thuận.

Tờ Les Echos cho rằng nếu số ghế của các đảng đối lập quá ít, việc cải cách hệ thống bầu cử và áp dụng hình phức bầu đại biểu Quốc hội theo tỷ lệ phiếu cần phải tính đến. Còn tờ Le Monde cho rằng Tổng thống E. Macron và đảng LREM còn rất nhiều việc phải làm khi đời sống chính trị của Pháp đã có sự thay đổi sâu sắc. Đó là làm thế nào để "quản lý" một đa số tại Quốc hội với những đại diện từ nhiều ngành nghề khác nhau, làm thể nào để những "tân binh" trong hoạt động chính trị có thể thực hiện chức năng "kiểm soát" hành pháp vì họ phụ thuộc rất nhiều vào Tổng thống và làm thế nào để những tiếng nói đối lập được thể hiện tại Quốc hội chứ không thông qua các cuộc biểu tình.

Điều này có thể xảy ra khi Tổng thống tiến hành dự án cải cách luật lao động và nhiều người lo ngại chính phủ sẽ chọn giải pháp đa số áp đảo để thông qua tại Quốc hội. Một số ứng cử viên thuộc các đảng khác nhau tuần này đề nghị các đối thủ LREM tranh luận trước khi bước vào vòng 2 nhưng không được chấp nhận nên cho rằng đây là chỉ thị của ban lãnh đạo của đảng này để tránh nguy cơ bị lộ các điểm yếu trước những đối thủ có kinh nghiệm.

Nhiều chính khách tên tuổi đã bị loại hoặc đứng sau các ứng cử viên thuộc đảng của Tổng thống E. Macron. Trong cuộc đua ngày 18-6, chỉ còn lại bà Marine Le Pen, chủ tịch Đảng cực hữu FN, ông Jean-Luc Mélenchon của Đảng Nước Pháp Bất khuất và cựu Thủ tướng Manuel Valls.

Sau cuộc bầu cử lần này, chính trường Pháp sẽ có nhiều gương mặt mới. Hiện nay nhiều nhà chính trị vừa là một lãnh đạo địa phương, vừa là một nghị sĩ. Theo quy định mới kể từ năm 2014, một nhà chính trị chỉ được chọn một trong hai vị trí này trong vòng ba năm kể từ khi trúng cử, vì vậy khoảng 36% trong tổng số 206 nghị sĩ đã không tham gia tái tranh cử lần này. Có hơn một nửa ứng của viên của LREM đến từ xã hội dân sự và chưa từng giữ chức vụ nào trong chính quyền các cấp và như vậy sẽ gặp nhiều thách thức để thực thi các cải cách sâu rộng ở nhiều cấp trên cả nước.

Diễn biến tiếp tục có lợi cho Tổng thống Emmanuel Macron và các ứng cử viên của liên minh LREM-MoDem. Kết quả cuộc bầu cử ngày 18-6 sẽ dẫn tới nhiều thay đổi cho nước Pháp trong 5 năm tới. Những ứng cử viên "nghiệp dư" của đảng LREM đã ở ngưỡng cửa Quốc hội để tiếp tục tiến bước cùng Tổng thống E. Macron, còn hai chính đảng truyền thống PS và LR sẽ chính thức mất vị trí kiểm soát chính trường Pháp kể từ năm 1958.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan/binh-luan-quoc-te/item/33192502-bau-cu-qh-phap-lan-song-macron-se-chiem-da-so-ap-dao.html