Bát Xát mở rộng diện tích các trường học

Những năm qua, Bát Xát có nhiều cố gắng trong việc mở rộng diện tích các trường học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện mô hình trường học gắn với thực tiễn.

Nhiều trường có nhu cầu mở rộng quỹ đất

Năm học 2021 - 2022, Trường PTDT bán trú THCS Sàng Ma Sáo có 13 lớp học với 492 học sinh, trong đó có 400 học sinh bán trú. Với số lượng học sinh bán trú đông, nhưng nhà trường mới có 25 phòng ở cho học sinh bán trú, tính trung bình mỗi phòng có 16 học sinh, vượt gấp đôi so với quy định. Nhà trường có nhu cầu xây dựng thêm các phòng ở bán trú, xây thêm nhà đa năng và 5 phòng học chức năng để có thể đạt chuẩn quốc gia. Việc xây dựng các công trình này cần tới diện tích đất không nhỏ.

Thầy giáo Đinh Ngọc Nam, Phó Hiệu trưởng nhà trường đưa chúng tôi đi tham quan nhà bán trú mới đang xây gần khu bán trú cũ của học sinh và cho biết: Những năm gần đây, số lượng học sinh ngày càng tăng, nhu cầu ở bán trú của các em cũng tăng theo. Từ năm 2018, trường đã tham mưu cho UBND xã vận động các hộ hiến 2.200 m2 đất để xây dãy phòng ở bán trú cho học sinh. Vừa qua, nhà trường cùng chính quyền xã tiếp tục vận động 3 hộ hiến 3.380 m2 đất để xây dựng các công trình còn thiếu; một tổ chức từ thiện đã ủng hộ trường xây dựng nhà bán trú học sinh với diện tích 300 m2, đủ cho 150 học sinh ở. Việc mở rộng diện tích còn giúp trường có thêm đất tăng gia, sản xuất, đảm bảo rau xanh cho bữa ăn của học sinh bán trú và các em có môi trường “học đi đôi với hành”, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế…

Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nậm Chạc mượn đất của các hộ dân để thực hiện mô hình trường học nông trại.

Tương tự, những năm qua, Trường PTDT bán trú THCS Trịnh Tường gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quỹ đất, kéo theo những cản trở trong tổ chức các hoạt động giáo dục. Thầy giáo Phạm Văn Học, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trường đang có 15 lớp học với 512 học sinh, trong đó có 375 học sinh bán trú. Khó khăn nhất của trường là quỹ đất quá hẹp, không thể xây thêm nhà đa năng, phòng ở bán trú, phòng học chức năng… Với 24 phòng ở bán trú như hiện nay, trung bình mỗi phòng có 16 học sinh và 2 em phải ngủ chung 1 giường. Nhà ăn của học sinh cũng phải tận dụng khoảng sân hẹp phía hiên nhà bán trú. Ngoài ra, trường học và nhà bán trú xây gần trung tâm chợ Trịnh Tường, đối diện qua Tỉnh lộ 156, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thầy và trò nhà trường rất phấn khởi vì mới đây, UBND tỉnh đã đồng ý với đề xuất của UBND huyện Bát Xát về việc cho trường di chuyển sang vị trí khác rộng rãi hơn.

Đảm bảo diện tích đất cho các trường

Trên địa bàn huyện Bát Xát, hầu hết các trường có nhu cầu mở rộng quỹ đất, đặc biệt là các trường PTDT bán trú, trường có học sinh bán trú. Theo thông tin của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát, từ năm 2015 đến năm 2020, thực hiện Đề án Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, huyện Bát Xát đã sáp nhập 35 trường thành 16 trường; gộp các điểm trường mầm non và tiểu học, xóa 14 điểm trường. Đến nay, toàn huyện có 62 trường với hơn 24.300 học sinh.

Dự báo đến năm 2030, huyện Bát Xát sẽ có 59 trường, 994 lớp, hơn 36.000 học sinh. Trong 10 năm tới, huyện Bát Xát dự kiến xóa 6 điểm trường mầm non, tiểu học; tách 3 trường mầm non; sáp nhập 6 trường có quy mô nhỏ. Để thực hiện mục tiêu này, huyện tiếp tục rà soát mở rộng quỹ đất các trường và xây dựng các công trình cần thiết phục vụ đổi mới giáo dục.

Trường THCS và THPT Bát Xát được xây dựng thêm công trình mới.

Theo kế hoạch, tới đây, huyện sẽ mở rộng diện tích một số trường như PTDT bán trú Tiểu học Trịnh Tường, PTDT bán trú Tiểu học Sàng Ma Sáo, PTDT bán trú Tiểu học và THCS Trung Lèng Hồ. Đối với trường PTDT bán trú THCS Y Tý, PTDT bán trú THCS Trịnh Tường, Mầm non Dền Thàng, Mầm non thị trấn Bát Xát, do không thể mở rộng quỹ đất nên UBND tỉnh đồng ý cho chuyển sang vị trí khác xây trường mới.

Ông Đỗ Đức Chiến, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bát Xát cho biết: Năm 2021, UBND huyện Bát Xát đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát quỹ đất phục vụ việc thực hiện mô hình trường học gắn với thực tiễn, đảm bảo mỗi trường học đều có vườn rau xanh. Tổng số quỹ đất thực hiện mô hình nông nghiệp trong trường học là 30.000 m2. Qua rà soát, toàn huyện có 36 trường đăng ký thực hiện mô hình. Một số trường học cần mở rộng thêm diện tích trồng rau tập trung ở các xã: Quang Kim, Cốc Mỳ, Bản Vược, A Mú Sung, Nậm Pung, Sàng Ma Sáo, Pa Cheo, Mường Vi…. với tổng diện tích hơn 8.000 m2.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: Để tháo gỡ khó khăn trong việc mở rộng diện tích các cơ sở giáo dục, giải pháp của huyện là tận dụng quỹ đất hiện có; bố trí quỹ đất ở các khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường.

Huyện Bát Xát sẽ thực hiện tốt việc giao đất đã được giải phóng mặt bằng xây dựng trường, khuyến khích và có hình thức ghi công các cá nhân, tổ chức tự nguyện hiến đất. Huyện cũng lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình, dự án, xã hội hóa trong mở rộng quỹ đất cho các cơ sở giáo dục; tiếp tục tuyên truyền, vận động hiến đất cho nhà trường.

Bà Sùng Hồng Mai cũng cho rằng, trong quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, việc xác định địa điểm xây trường, nhất là các trường liên cấp khi sáp nhập phải đảm bảo tính khách quan và thuận lợi cho người học; phải đặt lợi ích chung trên lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; tránh tư tưởng cục bộ địa phương trong bố trí địa điểm; quy hoạch trường, lớp phải gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thống nhất cao trong chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường học và người dân.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/355133-bat-xat-mo-rong-dien-tich-cac-truong-hoc