Bát Xát chú trọng thực hiện tiêu chí thu nhập

Những năm qua, huyện Bát Xát luôn quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tạo 'đòn bẩy', giúp địa phương sớm đạt các tiêu chí nông thôn mới.

Huyện Bát Xát hiện có 8 xã đạt 19/19 tiêu chí (Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược, Mường Vi, Bản Xèo, Mường Hum, Dền Sáng, A Mú Sung); 8 xã đạt 15 tiêu chí; 4 xã đạt 11 - 13 tiêu chí. Trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí thu nhập có vai trò thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Thực hiện tiêu chí này, những năm qua, Bát Xát tích cực triển khai Đề án số 01 về phát triển trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng một phần công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kế hoạch phát triển kinh tế trong năm. Huyện cũng đẩy mạnh sản xuất tăng vụ; chú trọng mở rộng một số sản phẩm chủ lực như lê VH6 (288 ha), chè (209 ha), chuối (1.000 ha), lúa Séng cù, hoàng sin cô, dong riềng, rau… Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp đúng hướng, thu nhập của người dân tăng dần. Đến nay, trên địa bàn huyện có 8 xã đã đạt tiêu chí thu nhập.

Người dân xã Trịnh Tường sản xuất rau trái vụ.

Người dân xã Trịnh Tường sản xuất rau trái vụ.

Trịnh Tường là xã vùng cao của huyện, đang trên lộ trình phấn đấu “về đích” nông thôn mới. Đến thời điểm này, xã đã đạt 15/19 tiêu chí và đang đẩy nhanh thực hiện 4 tiêu chí còn lại (trường học, thu nhập, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm). Tuy nhiên, tiêu chí thu nhập đang gặp khó. Người dân Trịnh Tường có nguồn thu chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, vùng sản xuất hàng hóa như chuối, rau an toàn, rau trái vụ, dược liệu… được hình thành giúp người dân nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, không ít người có thêm nguồn thu nhờ sang nước bạn làm thuê. Thế nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến nhiều chuỗi sản xuất hàng hóa bị ngưng trệ; việc thay đổi các chính sách biên giới của nước bạn cũng đóng cửa hoàn toàn với cư dân biên giới. Những yếu tố đó tác động không nhỏ đến nguồn thu của người dân. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2021 chỉ đạt 30,75 triệu đồng, trong khi để đạt tiêu chí này, thu nhập bình quân đầu người phải đạt 36 triệu đồng (tiêu chí năm 2021) và 39 triệu đồng (tiêu chí năm 2022).

Không riêng Trịnh Tường, tiêu chí thu nhập cũng khó đối với các địa phương khác, nhất là những xã vùng cao, vùng khó khăn. Những năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ hàng hóa giảm, các chuỗi vận chuyển, tiêu thụ đến các thị trường xuất khẩu, ngoài tỉnh bị đứt gãy, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và phía Nam khiến người sản xuất thua lỗ. Bên cạnh đó, tại vùng trồng rau trái vụ và dược liệu, kỹ thuật canh tác của người dân còn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, giá trị đạt thấp, chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư liên kết sản xuất. Ngoài ra, hầu hết người dân khu vực vùng cao Bát Xát vẫn sản xuất nông nghiệp theo hướng quảng canh, thủ công truyền thống nên năng suất lao động chưa cao, hiệu quả kinh tế không lớn. Cũng bởi vậy, sản xuất nông nghiệp tại các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới đáp ứng nhu cầu an sinh.

Ông Lục Như Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Huyện Bát Xát đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Để làm được điều đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho huyện lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư sản xuất nông nghiệp, ưu tiên phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực theo Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy.

Cụ thể, Bát Xát sẽ tập trung vào các cây trồng như dược liệu, chuối, chè, quế và kinh tế đồi rừng. Về vật nuôi, Bát Xát sẽ phát triển chăn nuôi lợn và ngựa. Huyện cũng có kế hoạch đầu tư hạ tầng nông thôn, hạ tầng thủy lợi để thúc đẩy sản xuất; tiếp tục xây dựng thương hiệu cho nông sản, đặc biệt là chương trình OCOP; thực hiện công tác khuyến nông và bảo vệ thực vật, mục tiêu là tạo nên vùng sản xuất hàng hóa an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/359039-bat-xat-chu-trong-thuc-hien-tieu-chi-thu-nhap