'Bắt tay' phát triển hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành Việt Nam – Trung Quốc

Việt Nam - Trung Quốc đang đứng trước những cơ hội lớn để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong hành lang kinh tế 5 tỉnh thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và không gian hợp tác giữa hai bên.

Hôm nay (13/11), tại Hà Nội khai mạc Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10. Với sự tham gia của hơn 250 đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành Trung ương; các tỉnh, thành phố và đại diện các tổ chức hiệp hội, doanh nghiệp, viện nghiên cứu,... của Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, việc thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức Hội nghị sau 03 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, là một điểm sáng trong quan hệ hợp tác địa phương hai nước Việt - Trung trong năm 2023, dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Nâng kim ngạch thương mại Việt Nam – Vân Nam lên 5 tỷ USD

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, nhận định thời gian qua, với nỗ lực chung to lớn của cả hai bên, quan hệ Việt Nam–Trung Quốc tiếp tục phát triển tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với đặc trưng gần gũi về địa lý, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Vân Nam đã hình thành và phát triển một cách tự nhiên trên nền tảng tình hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai bên và không ngừng được củng cố, vun đắp bởi các thế hệ tiền bối cách mạng và lãnh đạo hai nước.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng bày tỏ: “Tôi vẫn còn giữ nguyên những ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm tỉnh Vân Nam dự Hội chợ Trung Quốc – Nam Á tháng 8 vừa qua, với tình cảm chân thành và sự đón tiếp trọng thị của các đồng chí Trung Quốc dành cho đoàn Việt Nam”.

“Với quyết tâm cao của các địa phương và sự tham gia tích cực, hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tôi tin tưởng rằng, hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt-Trung sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc ngày càng phát triển”, theo Phó Thủ tướng.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh thông tin theo chương trình của Hội nghị, các địa phương của Việt Nam và Trung Quốc sẽ thảo luận về những cơ hội hợp tác cũng như khó khăn, thách thức, chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị hợp tác trên 03 cụm chủ đề trung tâm, đó là: Đầu tư, Thương mại; Văn hóa, Du lịch, Y tế, Giáo dục; Giao thông vận tải, Logistics.

Theo Tổng lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc) Hoàng Minh Sơn, về kết nối cơ sở hạ tầng khu vực biên giới, vừa qua hai bên đã mở cửa thêm được một cặp cửa khẩu mới tại Săm Pun (Việt Nam) – Điền Bồng (Trung Quốc); đồng thời phối hợp khai trương chuyến tàu chở hàng bảo quản lạnh từ Côn Minh đi Lào Cai (1 tuần 1 chuyến, được hưởng 50% cước vận tải cùng một số chính sách hỗ trợ khác)….

“Tôi tin tưởng rằng, các Thỏa thuận và thành tựu hợp tác song phương nói trên chắc chắn sẽ tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Vân Nam lên tầm cao mới, nhất là sẽ giúp hai bên sớm đạt được mục tiêu nâng kim ngạch thương mại Việt Nam – Vân Nam lên mức 5 tỷ USD mà Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Lãnh đạo tỉnh Vân Nam đã thống nhất”, Tổng Lãnh sự cho biết.

Hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) là con đường ngắn nhất nối Trung Quốc với các nước ASEAN qua cảng biển Hải Phòng. Đây cũng là con đường ngắn nhất kết nối Việt Nam với thị trường rộng lớn các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc như Trùng Khánh, Tứ Xuyên.

Vì vậy, việc tận dụng và phát huy tốt ưu thế của Hành lang kinh tế này có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ giúp phát triển kinh tế của từng địa phương thành viên, mà còn đóng góp cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Thúc đẩy nâng cấp và kết nối hạ tầng giao thông

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh đề nghị các bộ ngành hai nước, nhất là các địa phương dọc Hành lang kinh tế tập trung nguồn lực, tăng cường xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng logistic, kho lạnh, kiểm nghiệm, kiểm dịch; tăng cường kết nối giao thông, nâng cao năng lực vận tải, thông quan ở khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam – Vân Nam.

Cụ thể, đẩy nhanh hơn các thủ tục nội bộ hai bên về việc kết nối đường sắt tại ga Lào Cai - Hà Khẩu, nâng cấp hai lối mở Bát Xát (Lào Cai) - Ba Sái (Hà Khẩu) và Mường Khương (Lào Cai) - Kiều Đầu (Hà Khẩu) lên thành cửa khẩu song phương, phê duyệt phương án vận tải hàng hóa quốc tế tại cửa khẩu Xín Mần - Đô Long, xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng tại khu vực Bản Vược (Lào Cai) và Ba Xái (Hà Khẩu)…

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng chỉ ra, việc triển khai hợp tác “Hai hành lang một vành đai” giữa hai bên thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, như hai bên chưa có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; hợp tác thương mại chưa ổn định, thiếu bền vững, nhất là thương mại biên giới, trong đó, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc; Sự phối hợp và tính kết nối giữa các địa phương hai nước còn yếu, chưa thu hút được sự tham gia của các địa phương khác ngoài tuyến hành lang kinh tế.

Hiện nay, Bộ KH&ĐT và Ủy ban Cải cách và Phát triển nhà nước Trung Quốc đang trao đổi về “Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang một vành đai với Sáng kiến Vành đai và con đường” để triển khai trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương hai nước, nhất là các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế thúc đẩy hợp tác, kết nối.

Để thúc đẩy hợp tác “Hai hành lang một vành đai” nói chung và hợp tác trong Tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng, Bộ KH&ĐT đề xuất một số giải pháp sau: thúc đẩy nâng cấp và kết nối hạ tầng giao thông giữa hai nước, nhất là là hạ tầng khu vực biên giới, cửa khẩu; nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, du lịch và đi lại của người dân hai nước; Tăng cường thuận lợi hóa thương mại, nhất là đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá: “Thời gian tới, dù hai bên còn nhiều việc phải làm, có những khó khăn, thách thức phải vượt qua, song tôi tin tưởng rằng, chúng ta có cơ sở vững chắc và đang đứng trước những cơ hội lớn để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong hành lang kinh tế 5 tỉnh thành phố Việt-Trung, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và không gian hợp tác giữa hai bên”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần quyết tâm cao hơn nữa, chủ động và sáng tạo hơn nữa để góp phần thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung Cấp cao, nỗ lực không ngừng để củng cố, vun đắp cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ngày càng bền vững.

Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Về thương mại, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD, giảm 5,88% so với cùng kỳ năm 2022.

Về đầu tư, tính đến nay các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.032 dự án, tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Về hợp tác phát triển, Chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã cung cấp cho Việt Nam các khoản vay tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại để triển khai dự án trong các lĩnh vực như phát triển hạ tầng, y tế, văn hóa, giáo dục… đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.

Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 đến ngày 01/11/2022, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”. Trong đó, Lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước đã xác định phương hướng phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới, trong đó hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước.

Nguyệt Ánh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/apos-bat-tay-apos-phat-trien-hanh-lang-kinh-te-5-tinh-thanh-viet-nam-trung-quoc-1096562.html