Bất ngờ với mức án tòa dành cho nữ bị cáo có 'tiền án đầy mình' vẫn tổ chức đánh bạc trên sông Đà

4 lần bị kết án về tội 'Đánh bạc' và 'Tổ chức đánh bạc', thế nhưng đang trong thời gian thử thách, Đào Thị Nhung vẫn tiếp tục tổ chức đánh bạc khiến 12 người vào vòng lao lý. Song, mức án mà HĐXX TAND huyện Thanh Thủy dành cho nữ bị cáo này mới là điều đáng nói.

Tổ chức đánh bạc trên sông Đà

Theo Bản án số 40/2020/HS-ST ngày 7-9 của TAND huyên Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ do Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Lương Viết Tú ban hành, do không có việc làm ổn định nên Đào Thị Nhung, SN 1969, trú tại xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy đã nảy sinh việc sử dụng nhà ở của mình cho các đối tượng đánh bạc với mục đích thu tiền phế 500.000 đồng/người. Sau đó, Nhung thuê thuyền đánh cá của Nguyễn Đăng Lục neo đậu trên sông Đà vào ban đêm để các đối tượng đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa.

Khoảng gần 23g ngày 11-7-2019, do biết Nhung tổ chức đánh bạc nên một số đối tượng đến nhà Nhung để đánh bạc. Sau khi gọi thêm người, Nhung đã rủ 8 đối tượng lên thuyền neo đậu trên sông Đà để đánh bạc. Nhung chuẩn bị công cụ đánh bạc rồi gọi taxi đưa các đối tượng ra sông Đà. Nhung gọi cho Lục lái thuyền đưa các đối tượng ra giữa lòng sông Đà đánh bạc. Tại đây, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Tuyển, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Văn Duy, Nguyễn Thị Lý, Đinh Tiến Thành và Phan Bá Nhi tham gia đánh bạc bằng hình chơi xóc đĩa. Còn Nhung và ba đối tượng khác ngồi xem.

Khi đi, Nhung mang theo gần 117 triệu đồng để cho các đối tượng đánh bạc vay lấy lãi với lãi suất “cắt cổ” là 500.000 đồng/10.000.000 đồng. Tại đây, Nhung cho Nhi vay 20 triệu đồng và thu tiền phế của mỗi con bạc là 500.000 đồng. Khoảng 1g ngày 12-7-2019, sau khi nhận được điện thoại của Nguyễn Văn Quang, Nhung đã rủ mọi người trên thuyền về nhà Nhung tiếp tục đánh bạc. Sau đó, Hùng, Duy, Tân, Lý cùng về nhà Nhung.

Tại nhà Nhung, các đối tượng Hùng, Duy, Tân, Lý, Quang, Triệu Sinh Tuân, Trần Như Cương và Đinh Kông Thuận tiếp tục chơi xóc đĩa ăn tiền. Nhung thu được 4 triệu tiền phế và cho Quang vay 70 triệu đồng với mức lãi suất “cắt cổ” trên. Đến khoảng 2g50’ cùng ngày, CA huyện Thanh Thủy bắt quả tang các đối tượng đang sát phạt nhau. CQCA thu giữ hơn 301 triệu đồng, trong đó số tiền tại chiếu bạc trên sông Đà là 48,8 triệu đồng, còn tại nhà Nhung là 127,8 triệu đồng. CQCA cũng xác định, Nhung thu lợi bất chính gần 11 triệu đồng tiền phế và cho vay lãi, còn Lục nhận 500.000 đồng tiền cho thuê thuyền để đánh bạc.

Trong quá trình điều tra, Nhung khai nhận đã nhiều lần tổ chức đánh bạc tại thuyền của Lục và nhà ở của mình. Tuy nhiên, các lần tổ chức đánh bạc trước Nhung không xác định được thời gian, địa điểm, người chơi cụ thể và số tiền Nhung thu lời bất chính từ việc tổ chức đánh bạc, ngoài lời khai của Nhung không có chứng cứ nào khác chứng minh nên các cơ quan tố tụng ở huyện Thanh Thủy không có căn cứ xem xét.

Chân dung nữ quái Đào Thị Nhung với bốn lần bị kết án về tội “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc” khi bị CQCA bắt giữ.

Nhân thân “cực xấu” nhưng mức án thì...

Cáo trạng số 08/CT-VKS-TT do ông Hoàng Phúc Thọ, Viện trưởng VKSND huyện Thanh Thủy ký ngày 6-2 đã truy tố Nhung và Lục về tội “Tổ chức đánh bạc” theo điểm c khoản 1 Điều 322, BLHS; truy tố Thành, Nhi và Tuyển về tội “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 321, BLHS; còn Hùng, Tân, Duy, Quang, Thuận, Tuân, Lý và Cương bị truy tố về tội “Đánh bạc” theo khoản 2 Điều 321, BLHS. Nhiều đối tượng bị truy tố có nhân thân xấu đã bị xử lý về tội “Đánh bạc”, trong đó Đào Thị Nhung có 4 lần bị kết án. Cụ thể:

Bản án số 40/2010/HSST ngày 26-8-2010 của TAND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ xử phạt Nhung 13 triệu đồng về tội “Đánh bạc” và mãi đến tháng 12-2018, Nhung mới thi hành án xong. Gần 4 tháng sau, tức ngày 23-12-2010, Nhung tiếp tục bị TAND huyện Thanh Thủy xử phạt 12 tháng tù treo cũng về tội danh trên. Trong khi chưa chấp hành xong bản án thì Nhung tiếp tục bị bắt về tội “Đánh bạc” nhưng ngày 12-2-2012, Nhung chỉ bị TAND huyện Thanh Thủy tuyên phạt 3 tháng tù giam.

Sau đó, Bản án số 18/2017/HSST ngày 4-5-2017 của TAND huyện Thanh Thủy xử phạt Nhung 24 tháng tù treo, thời gian thử thách 48 tháng về tội “Tổ chức đánh bạc”. Trong khi chưa được xóa án tích đối với bản án số 40/2010/HSST của TAND huyện Thanh Sơn và chưa chấp hành xong bản án số 18/2017/HSST của TAND huyện Thanh Thủy thì Nhung tiếp tục bị bắt về tội “Tổ chức đánh bạc”. Vì vậy, CQCSĐT và VKSND huyện Thanh Thủy đã đánh giá, bản thân Nhung là người có nhân thân xấu, nhiều lần bị xét xử về tội “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc” nhưng bị can không lấy đó làm bài học để rút kinh nghiệm cho bản thân. Lần phạm tội này, Nhung phải chịu hai tình tiết tăng nặng đó là “Phạm tội hai lần trở lên” và “Tái phạm” theo điểm g, h khoản 1, Điều 52, BLHS.

Bác bỏ quan điểm trong Cáo trạng, HĐXX cho rằng, do việc tổ chức đánh bạc và đánh bạc của các bị cáo diễn ra trong một thời gian kế tiếp nhau; khi các bị cáo đang đánh bạc trên thuyền thì bị cáo Quang có nhu cầu tham gia đánh bạc và gọi hỏi bị cáo Nhung; Nhung bảo các bị cáo khác nghỉ để di chuyển về nhà Nhung tiếp tục đánh bạc để Quang có điều kiện tham gia cùng và các bị cáo khác đều đồng ý… Do vậy HĐXX không áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội hai lần trở lên” đối với Nhung và bốn bị cáo khác.

HĐXX TAND huyện Thanh Thủy cũng cho rằng, tại Bản án số 18/2017/HSST của TAND huyện Thanh Thủy xử phạt Nhung 24 tháng tù treo, thời gian thử thách 48 tháng, khi đang chấp hành thời gian thử thách, bị cáo lại tiếp tục phạm tội. Bản án số 40/2010/HSST của TAND huyện Thanh Sơn xử phạt Nhung 13 triệu đồng về tội “Đánh bạc”. Bản án này là tình tiết định tội của Bản án số 18/2017/HSST của TAND huyện Thanh Thủy nên trong bản án không xác định bị cáo Nhung phải chịu tình tiết tăng nặng là “Tái phạm”. Do đó, lần phạm tội này của bị cáo Nhung chỉ phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Tái phạm”.

Căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nhung 12 tháng tù và chuyển hình phạt 24 tháng tù treo thành 24 tháng tù của bản án số 18/2017/HSST, buộc bị cáo Nhung phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 36 tháng tù; các bị cáo Hùng, Tân, Duy, Quang, Thuận, Tuân và Cương bị xử phạt 36 tháng tù; các bị cáo Lục, Lý, Nhi, Tuyển bị phạt từ 12 đến 36 tháng tù treo, còn bị cáo Thành bị phạt 20 triệu.

Đánh giá về vụ án, Luật sư Nguyễn Duy Hoàng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, HĐXX TAND huyện Thanh Thủy tuyên phạt bị cáo Nhung 12 tháng tù là quá “ưu ái”, không đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội của bị cáo này. “Bởi lẽ, việc tổ chức đánh bạc của Nhung có tính chất chuyên nghiệp. Nhung là người cầm đầu, rủ rê, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho các con bạc sát phạt nhau để thu tiền phế, thậm chí còn mang theo tiền cho các con bạc vay với lãi suất “cắt cổ”. Số tiền thu giữ trên chiếu bạc, phần lớn là của Nhung cho các con bạc vay. Nhung có nhân thân xấu, 4 lần bị kết án nhưng lại chỉ bị phạt mức án thấp nhất của khung hình phạt là 12 tháng tù, trong khi đó nhiều bị cáo khác không có tiền án, tiền sự thì bị phạt 36 tháng tù giam”, luật sư Hoàng nhận định.

Được biết, bị cáo Nguyễn Xuân Tân đã kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm số 40/2020/HS-ST ngày 7-9 của TAND huyên Thanh Thủy vì cho rằng, HĐXX sơ thẩm chưa đánh giá đúng mức độ phạm tội của bị cáo Nhung và chưa đánh giá đúng các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo Tân đáng được hưởng. Bị cáo Tân cho rằng, bị cáo đã ra tự thú trước khi bị CQCA phát hiện và bị cáo tích cực phối hợp với CQĐT khai ra bị cáo Tuyển và sau đó bị cáo Tuyển mới bị khởi tố.

Quốc Doanh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bat-ngo-voi-muc-an-toa-danh-cho-nu-bi-cao-co-tien-an-day-minh-van-to-chuc-danh-bac-tren-song-da-211128.html