'Bắt nạt' và văn hóa tranh luận

Những ngày gần đây, ồn ào chuyện bài thơ 'Bắt nạt' của Nguyễn Thế Hoàng Linh trên mạng xã hội. Bài thơ này nằm trong sách Ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa 'Kết nối tri thức với cuộc sống' do Nhà Xuất bản Giáo dục phát hành. Bài thơ được trích từ tập thơ 'Ra vườn nhặt nắng' in năm 2017. Cuộc tranh luận nổ ra gay gắt từ trang cá nhân của chính nhà thơ và các trang mạng xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phía những người ủng hộ cho rằng bài thơ ngũ ngôn theo lối đồng dao sử dụng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đồng thời, bài thơ cũng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, giúp các em hiểu được tác hại của bắt nạt và biết cách lên tiếng chống lại hành vi này. Từ đó xóa nhòa khoảng cách tốt/ xấu, bạn/ thù để cùng xích lại gần nhau. Một vấn đề xã hội đầy cấp bách nhưng đã vào thơ bằng một thái độ trẻ thơ, vui vẻ, dễ tiếp nhận.

Phía phản đối, lên tiếng về việc bài thơ “Bắt nạt” được đưa vào sách giáo khoa, chủ yếu nghiêng về hướng phê bình nghệ thuật. Bởi, việc lựa chọn đưa tác phẩm nào vào sách giáo khoa cũng cần phải có sự thẩm định, chọn lựa kỹ càng và cân nhắc. Với việc sử dụng ngôn ngữ ngây ngô, thiếu tính biểu cảm, thậm chí khiên cưỡng ép vần giữa “bắt nạt” và “mù tạt” cho thấy thẩm mỹ nghệ thuật kém. Vì thế mạch thơ rời rạc, thiếu hấp dẫn...

Sự tranh cãi xung quanh một bài thơ là hết sức bình thường và phần nào cho thấy đời sống văn chương khá sôi động. Mỗi người cảm thụ tác phẩm văn học theo một cách khác nhau, quan trọng là có văn hóa tranh luận.

Có lẽ từ lâu rồi, tranh luận thường lấy mạng xã hội làm không gian thực thi. Và quan trọng hơn hết là các cuộc tranh luận này đa số mang tính cá nhân, ít tính học thuật, chủ yếu theo hai hướng: tô hồng hoặc phủ nhận sạch trơn. Đặc biệt là thái độ “mạt sát” giữa phe bên này và bên kia.

Quả thật, công bằng mà nói, bài thơ “Bắt nạt" không hay nhưng cũng chẳng phải quá dở. Có một chủ đề hay, bắt trend những vấn đề của xã hội hôm nay. Bắt nạt không chỉ là bạo lực học đường mà còn là câu chuyện cá lớn nuốt cá bé, giàu ức hiếp nghèo, mạnh luôn thắng kẻ yếu. Nhưng điểm hạn chế là bài thơ có một vài đoạn/khổ thơ tác giả... bí vần.

Chính bản thân Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng mong chờ sự thẩm định của giới phê bình. Bởi tác giả có thể viết bài thơ này hay, bài kia rất dở. Nhưng để một tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa chắc chắn phải có bộ tiêu chí từ giá trị tư tưởng đến giá trị nghệ thuật. Sách giáo khoa là sự chuẩn mực, không nên là cuộc thử nghiệm luồng gió mới của văn chương hiện đại.

Hiểu được điều đó thì cuộc tranh luận sẽ nhanh chóng có hồi kết. Một bài thơ không hay có thể đọc vui vui cho nhau nghe, nhưng để những đứa trẻ thuộc thơ, yêu thơ thì phải là bài thơ hay, bài thơ đi cùng năm tháng.

CHI ANH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/bat-nat-va-van-hoa-tranh-luan/29073.htm