Bật máy lạnh bao nhiêu độ là tốt nhất?

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh điều hòa không phải nguyên nhân gây bệnh, điều quan trọng là chúng ta sử dụng đúng cách hay chưa.

Nhiều gia đình phải bật điều hòa cả ngày lẫn đêm để cảm thấy thoải mái hơn. Ảnh: Bob Vila.

TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ đang bước vào giai đoạn nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất lên đến 38-39 độ C vào giữa trưa. Vào buổi tối, nhiệt độ cùng hơi nóng bốc lên cũng khiến không gian khá nóng bức.

Điều này kéo theo nhu cầu sử dụng các thiết bị điện làm mát, đặc biệt là điều hòa của người dân tăng cao. Nhiều gia đình phải bật điều hòa cả ngày lẫn đêm để cảm thấy thoải mái hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người dân không lưu ý điều chỉnh một số thói quen khi dùng điều hòa có thể ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe trong mùa nóng này.

Mức nhiệt thích hợp

Trao đổi với Tri thức - Znews, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho rằng mức nhiệt độ điều hòa ở 25-27 độ C là vừa đủ.

"Để nhiệt độ thấp quá rất tốn điện, chúng cũng tạo ra mức nhiệt chênh lệch lớn giữa trong phòng ngoài trời, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi chúng ta ra, vào phòng có điều hòa", bác sĩ Huy Hoàng nói.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cũng cho hay trẻ nhỏ thường được khuyến khích dùng điều hòa ở mức 22-23 độ C. Tuy nhiên, mức này có thể khiến bé hơi lạnh, cha mẹ nên điều chỉnh ở khoảng 25-26 độ C.

Trẻ không được giữ ấm, bị nhiễm lạnh khi dùng điều hòa dễ liệt dây thần kinh số 7. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý giữ kín vùng cổ, ngực, bàn chân của trẻ, tránh để gió từ điều hòa thốc thẳng vào người trẻ.

Theo bác sĩ Hoàng, người dân cũng không nên bật điều hòa liên tục cả ngày. Bạn nên dùng điều hòa 6-7 giờ, sau đó nghỉ 3-4 giờ và mở cửa cho không khí trong phòng lưu thông. Khi sử dụng, người dân có thể đặt một chậu nước hoặc dùng máy tạo độ ẩm trong phòng để duy trì độ ẩm vừa phải, khoảng 50-70%.

Người dân không nên bật điều hòa liên tục cả ngày. Ảnh: Thụy Trang.

Điều hòa không có "tội"

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, phân tích bản chất điều hòa là hút không khí trong phòng, đi qua một dàn lạnh và thổi không khí lạnh xuống.

Ông cũng nhấn mạnh điều hòa không có "tội", quan trọng là chúng ta sử dụng chúng như thế nào. Khi dùng điều hòa, người dân thường mắc 3 thói quen sau, dễ dẫn đến nguy cơ bệnh tật cho cả người lớn và trẻ nhỏ.

- Không vệ sinh dàn lạnh: Đây là nơi nấm mốc, vi khuẩn bám vào, khi thổi gió lạnh, chúng sẽ thổi những chất độc vào không khí, gây hại cho sức khỏe.

- Phòng để quá nhiều đồ: Điều hòa hút không khí làm xáo trộn không khí trong phòng. Bạn để đồ nhiều và bẩn, máy lại sẽ hút bụi đó lên, sau đó thổi ra, gây viêm nhiễm đường thở.

- Để nhiệt độ quá thấp: Điều hòa làm không khí lạnh, kèm theo khô. Đây là 2 yếu tố ảnh hưởng đến lớp bảo vệ niêm mạc đường thở.

Khi trẻ nằm điều hòa lạnh sẽ phản ứng với không khí lạnh bằng cách phồng mạch máu mũi để hạn chế hít không khí lạnh. Trẻ có cơ địa mũi dị ứng, mỗi lần nằm máy lạnh sẽ nghẹt mũi, khó chịu.

Vì vậy, theo bác sĩ Nam, người dân cần lưu ý vệ sinh môi trường, điều hòa thường xuyên, mở cửa sổ, mở thêm máy tạo ẩm, không được để không khí quá lạnh.

Bên cạnh đó, thói quen vừa bật quạt vừa dùng điều hòa cũng không hiệu quả. Vị chuyên gia cho rằng điều hòa cũng có phần giống quạt nhưng cho ra hơi mát. Quạt thông thường sẽ chỉ tạt hơi gió. Mỗi lần tạt hơi gió sẽ đẩy không khí trực tiếp vào đường thở của em bé, gây bệnh hô hấp.

Vị chuyên gia cho hay nếu duy trì nhiệt độ ổn định trong phòng và không bị quạt tạt qua tạt lại sẽ giúp trẻ ngủ ngon và sâu giấc hơn. Vì vậy, chúng ta nên tắt chế độ đảo chiều gió ở điều hòa và để nhiệt độ ổn định trong cả đêm, không quạt hơi lạnh trực tiếp vào người bé.

Đồng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cũng lưu ý người lớn không nên ngồi điều hòa ngay sau tắm, khi đang say rượu hay vừa đi nắng hay tập thể thao về. Chúng đều là những hành động không tốt, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông phân tích sau khi tắm, cơ thể mất nhiệt, nếu vào phòng điều hòa lạnh ngay sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái bị hạ thân nhiệt, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan quan trọng trong cơ thể.

"Tương tự, khi say rượu hay vừa tập thể thao vào phòng điều hòa lạnh, các mạch máu ngoại biên đang giãn nở, gặp nhiệt độ lạnh đột ngột sẽ co thắt, gây tăng huyết áp tạm thời. Lòng mạch bị thu hẹp có thể khiến các cục máu đông gây tắc mạch, dẫn đến đột quỵ hoặc thậm chí đột tử", bác sĩ Hoàng nói.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bat-may-lanh-bao-nhieu-do-la-tot-nhat-post1469617.html