Bất lực kéo giá vàng

Phiên đấu thầu vàng thứ 5 của Ngân hàng Nhà nước diễn ra hôm qua 8/5 và đúng như dự đoán: vàng lại ế, chỉ 3.400 lượng vàng đấu thầu thành công, còn lại 80% không có người mua. Nếu ai đó đặt câu hỏi Ngân hàng Nhà nước có buồn không khi bán hàng bị... ế ?

Tôi tin chắc câu trả lời sẽ không có chữ ”buồn” bởi đơn giản, Ngân hàng Nhà nước không muốn đứng ra mua hay bán vàng. Đây là những phiên đấu thầu “bất đắc dĩ” trước áp lực của thị trường cần một nguồn cung mới!

Quản giá vàng là câu chuyện đau đầu của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ khi cách đây tròn một hoa giáp, vàng trở thành món hàng đầu cơ hứa hẹn lợi nhuận cao, thậm chí đi vào đời sống người dân như một loại phương tiện thanh toán. Mục đích Nghị định 24 ra đời khi đó nhất quán thương hiệu vàng SJC vốn được thị trường ưa chuộng, chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch, được xác lập làm thương hiệu vàng miếng quốc gia. Nghị định 24 cũng xác lập việc độc quyền kinh doanh vàng miếng thương hiệu SJC thuộc về Ngân hàng Nhà nước. Doanh nghiệp SJC là đơn vị gia công theo các đơn đặt hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, nói như ông Trương Văn Phước, nguyên thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, cách đây 12 năm, Nghị định 24 ra đời trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đối diện với lạm phát cao, hoạt động huy động vàng, cho vay vàng trên bảng cân đối của ngân hàng thương mại xảy ra hết sức phổ biến. Ngoài ra còn có sự tồn tại của các sàn vàng, mà ở đó người ta kinh doanh không chỉ vàng vật chất mà còn “đánh” vàng tài khoản không biết đâu mà quản. Chính vì thế, khi Nghị định 24 ra đời, hiện tượng vàng hóa, gửi vàng của dân trong các ngân hàng đã không còn. Bởi Ngân hàng Nhà nước đã không cho phép sự tồn tại của vàng trên bảng cân đối của các ngân hàng thương mại, kể cả hoạt động huy động và cho vay.

Thế nhưng, do thời gian qua, đặc biệt là trong khoảng 6 tháng vừa qua, thị trường vàng quốc tế đã có sự gia tăng mạnh về giá, bởi nhiều lý do như xung đột, chính sách tiền tệ, lạm phát. Giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế có lúc chênh lệch lên đến 20 triệu đồng/lượng. “Đây là lý do vì sao Chính phủ liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có những quyết sách để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế”, ông Phước nhấn mạnh.

Có nhiều quan điểm khác nhau về việc sử dụng công cụ nào, giải pháp nào để kéo giá vàng xuống? Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là “thị trường khan vàng sẽ cho đấu thầu bán ra và là người ra giá. Chính điều này đã khiến các “nhà vàng” không vui vì giá vàng khởi điểm đấu thầu luôn ngang bằng hay chỉ kém tí chút so với giá vàng đang bán ra với quan điểm: Giá vàng trong nước phải liên thông theo giá vàng thế giới, chứ không có kiểu “một mình một chợ” hoặc chênh cao, hoặc tăng giảm trái chiều.

Thời gian qua, giá vàng đang tăng trên thị trường quốc tế. Thậm chí đang có những dự báo giá vàng có thể lên tới 3.000 USD/Oz. Đáng tiếc, sự dai dẳng của lạm phát khiến các ngân hàng trung ương chăm cắt giảm lãi suất. Điều này đã biến vàng trở thành một kênh đầu tư quan trọng. Rất nhiều quốc gia mua vàng dự trữ, đã đẩy “cầu vàng” cao đột biến, tạo sức ép lên mặt bằng giá.

Ngân hàng Nhà nước không “rộng cửa” nhập vàng hay cho doanh nghiệp nhập vì lo ngại làm tăng cầu ngoại tệ, vô hình chung tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD . Từ đó làm căng thẳng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia (hiện tại, một năm Việt Nam mới nhập số vàng trị giá khoảng 3 tỷ USD trong khi dự trữ ngoại hối của chúng ta trên 100 tỷ USD). Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nhu cầu mua bán, dự trữ bình thường của doanh nghiệp người dân, coi vàng như một hàng hóa vẫn không được thực thi. “Và nếu cứ “ngăn sông cấm chợ” không có nhập khẩu vàng thế này, thì không bao giờ có chuyện giá vàng được kéo xuống” - ông Nghĩa khẳng định.

Khánh Huyền

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bat-luc-keo-gia-vang-post1635543.tpo