Bất đồng về thương mại vẫn tồn tại sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã được cả thế giới dõi theo cùng với cuộc họp trực tuyến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhưng theo các nhà phân tích, việc tìm ra điểm chung cho các cuộc đàm phán trong tương lai vẫn chưa được đảm bảo.

Trong khi cả hai bên dường như gác lại những lời gay gắt gần đây để giải quyết các vấn đề kinh tế song phương, các nhà phân tích Trung Quốc vẫn đặt câu hỏi về điều gì đằng sau “sự cạnh tranh chiến lược” của Mỹ và các cuộc đàm phán sẽ tiến triển bao xa trong bối cảnh các bài hùng biện chống Trung Quốc trên Đồi Capitol và những ý kiến rằng Trung Quốc là một “nền kinh tế phi thị trường”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến tuần này. Ảnh: Reuters.

Cuộc gặp trực tuyến hôm thứ 3 giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cho thấy hai nước đều quan tâm đến việc hạ nhiệt, nhưng họ vẫn còn cách biệt nhau về các vấn đề kinh tế, ảnh hưởng địa chính trị, công nghệ và nhân quyền.

Chen Fengying, một thành viên cấp cao của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), cho biết việc mua hàng của Trung Quốc theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một, cùng với các vấn đề chuỗi cung ứng, có thể là chủ đề thảo luận trong tương lai, đặc biệt khi chính quyền ông Biden xem xét hạ nhiệt tỷ lệ lạm phát tại Mỹ.

Nếu các vấn đề được giải quyết, Mỹ có thể hủy bỏ mức thuế 7,5% mà họ áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 120 tỷ USD và giảm 25% mức thuế đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD.

Bà Chen cho biết thỏa thuận giai đoạn một - được ký vào tháng 1 năm 2020 và sẽ hết hạn vào ngày 31 tháng 12 - nhìn chung là tốt mặc dù có một số tranh cãi về sở hữu trí tuệ về việc Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ.

Bà nói: “Thỏa thuận này không cần phải được thương lượng lại, nhưng nên được gia hạn với một số loại thỏa thuận mới.”.

Trung Quốc đã hứa sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ từ năm 2020-21, so với mức của năm 2017, nhưng Trung Quốc đang không đạt được mục tiêu đề ra.

Theo thông cáo báo chí Mỹ đưa ra sau cuộc hội đàm hôm thứ 3: “Tổng thống Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Trung Quốc thực hiện các cam kết giai đoạn một và mong muốn thấy được tiến triển thực sự trong các cuộc trò chuyện mà đại sứ Katherine Tai đang có với người đồng cấp, Phó Thủ tướng Liu He.”

Trong khi các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ và các giao dịch mua bán có thể mang lại kết quả thấp trong các cuộc đàm phán trong tương lai, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung, một nhóm vận động đại diện cho hơn 200 doanh nghiệp Mỹ, dự kiến các vấn đề khác vẫn sẽ được tiếp tục xem xét.

Trong số đó có cả các vấn đề sẽ được tiếp tục thảo luận như khả năng tiếp cận thị trường bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, nới lỏng các hạn chế đi lại, giải quyết trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và nghĩa vụ của Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Chủ tịch hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, Craig Allen, cho biết trong một tuyên bố qua email rằng: “Chúng tôi hy vọng các cuộc họp riêng biệt sẽ sớm được lên lịch để thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại với Trung Quốc. Những thách thức là rất lớn và cần phải được thảo luận nhiều hơn”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ rằng các vấn đề kinh tế phức tạp sẽ nằm trong chương trình nghị sự, đặc biệt là khi chúng sẽ được thảo luận sau thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết tại rằng: “Washington đang đánh giá đầy đủ các công cụ có sẵn để đối phó với các hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc.”

Hôm thứ 4 vừa qua, Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu cũng đã cùng tuyên bố gia hạn quan hệ đối tác ba bên nhằm “giải quyết những thách thức toàn cầu do các chính sách và thông lệ phi thị trường của các nước thứ ba đặt ra”. Bà Katherine Tai đang trên đường tới Seoul và New Delhi để tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Á.

Nhưng niềm tin dường như đang tăng lên ở Trung Quốc, rằng nước này có sức mạnh kinh tế và đoàn kết chính trị để chống lại những thách thức của Mỹ.

Xu Lin, người đã đàm phán về chính sách công nghiệp trong thời gian Trung Quốc gia nhập WTO, cho biết chính sách chống Trung Quốc của ông Biden không đi chệch hướng so với chính quyền Trump

Xu đề nghị Trung Quốc cần gây áp lực với các nước phương Tây bỏ lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cao. Ông nói: “Nếu Mỹ từ chối làm như vậy, Trung Quốc có quyền áp dụng các chính sách thay thế xuất khẩu trong các lĩnh vực liên quan.”

Bà Chen Fengying cho hay Mỹ có thể sẽ tiếp tục các chính sách cứng rắn và thậm chí có thể trở nên cứng rắn hơn.

Theo bà:”Mỹ thích đàm phán với các đồng minh của mình hơn là đàm phán trực tiếp với Trung Quốc, bởi vì họ đã nhận ra rằng họ không thể cạnh tranh với Trung Quốc một mình nữa.”

Huy Hoàng (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-dong-ve-thuong-mai-van-ton-tai-sau-hoi-nghi-thuong-dinh-my--trung-post168046.html