Bắt đầu từ chiếc bao xanh

Có lần, nghe ca sĩ hát bài 'Làng quan họ quê tôi', đến câu 'Con sông Cầu, làng bao quanh', cố nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã nhăn mặt, nói: 'Hát thế là sai rồi. Câu hát phải là 'con sông Cầu làm bao xanh' kia mà!'.

GD&TĐ - Có lần, nghe ca sĩ hát bài “Làng quan họ quê tôi”, đến câu “Con sông Cầu, làng bao quanh”, cố nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã nhăn mặt, nói: “Hát thế là sai rồi. Câu hát phải là “con sông Cầu làm bao xanh” kia mà!”.

Hình ảnh Liền chị Bắc sông Cầu ngày nay.

Bài hát được nhạc sĩ quê ở huyện Diễn Châu, Nghệ An sáng tác năm 1978, sau khi nhận được bài thơ từ người bạn viết, nhà thơ Nguyễn Phan Hách - người lớn lên ở Thuận Thành, miền quan họ Bắc Ninh - sáng tác vào năm 1969 và in trên báo Văn nghệ từ năm đó.

Lần mở bài thơ của Nguyễn Phan Hách, có thể đọc ngay những câu đầu nhà thơ viết:

Sông Cầu làm bao xanh

Ngang lưng làng Quan họ

Những cánh buồm nhớ thương

Câu ca đầu ngọn gió…

Nhiều bạn trẻ ngày nay sẽ không biết “bao xanh” là gì, nên chuyện hát này nhầm câu hát trong bài “Làng quan họ quê tôi” cũng không hiếm. Xin nói ngay, “bao xanh” là chiếc thắt lưng của phụ nữ ngày xưa, thường được dùng từ một dải lụa màu sắc, không chỉ có tác dụng làm “phụ kiện” cần thiết trong trang phục truyền thống và lễ hội mà còn có tác dụng như một chiếc túi, ví đựng đồ của các bà, các chị.

Trong trang phục của phụ nữ thời xưa ở khắp dải Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có vùng văn hóa Kinh Bắc, các bà, các chị gia đình trung lưu, khá giả, vào ngày lễ, Tết, thường mặc áo dài tứ thân mớ ba, mớ bảy, đi hài hay dép da trâu mũi cong, cầm thêm chiếc nón thúng quai thao và không thể thiếu những chiếc bao thắt ở quanh eo. Chữ “bao” đã mang ý nghĩa đây là vật dụng chủ yếu để đựng đồ, nhưng với bàn tay khéo léo của người phụ nữ Bắc Bộ, đã trở thành một món thời trang duyên dáng, bắt mắt.

Những chiếc bao mà các bà, các chị thời xưa dùng để thắt vào eo thường gồm hai loại, đó là bao ngoài, hay ruột tượng, may bằng sồi se, màu đen, có tua bện hai đầu bao, khổ rộng. Loại bao này có thể chứa cả xâu tiền đồng rồi thắt gọn ngang eo, luồn qua lưng áo dài, bó chặt lấy các thân áo trước, rồi thắt múi to để che trước bụng. Tuy nhiên, loại bao này thường chỉ dùng khi chợ búa, buôn bán, giúp các bà các chị chứa tiền bạc, đồ đạc quý giá hay thậm chí vài cân gạo, muối... Còn vào ngày lễ, Tết, chị em thắt bao trong, là loại bao nhỏ, bằng chừng một phần ba của ruột tượng, dùng để thắt chặt cạp váy vào eo. Thắt lưng sẽ được buộc múi ra phía trước bụng, tạo thành những múi hoa nhiều màu sắc.

Những chiếc bao thắt lưng này gồm nhiều màu sắc tươi sáng, được nhuộm lúc gần Tết, sang xuân để mặc đi lễ, hội như màu hoa lựu, màu hoa đào, màu cánh sen, màu hoa hiên (vàng tươi), màu hồ thủy (xanh nhạt), màu thiên thanh, màu xanh cốm, màu xanh lá mạ, màu nõn (đọt) chuối...

Cùng với áo mớ ba mớ bảy màu nâu non, những chiếc váy lĩnh đen, yếm đào, những chiếc bao thắt múi từ vòng eo con gái, phất phơ trong gió tạo nên những bức tranh sống động và tươi sáng của mùa xuân, mùa lễ hội của làng quê Việt Nam.

Tuy những chiếc bao lưng có nhiều màu sắc, nhưng “bao xanh” với màu mạ non có lẽ gợi cảm hứng sâu đậm nhất với các nhà thơ dân gian và hiện đại, nên đã xuất hiện trong rất nhiều bài ca dao từ xưa, như:

Hỡi cô thắt lưng bao xanh

Có về làng Mái với anh thì về

Làng Mái có lịch có lề

Có sông tắm mát, có nghề làm tranh.

Để nói về làng Mái, tức làng làm tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

Tuy nhiên, câu thơ gợi cảm với cô gái thắt lưng bao xanh còn xuất hiện ở trong những phiên bản ca dao về các làng quê khác, như:

Hỡi cô thắt lưng bao xanh,

Có về làm cốm với anh thì về.

Để nói về làng cốm Vòng, thôn Dịch Vọng, huyện Từ Liêm cũ, nay thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Hoặc:

Hỡi cô thắt bao lưng xanh

Có về kẻ Bưởi với anh thì về

Làng anh có ruộng tứ bề

Có hồ tắm mát, có nghề quay tơ.

Được nhân dân vùng “kẻ Bưởi”, nay là các phường Bưởi, Nghĩa Đô, thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội hát để ca ngợi quê hương.

Bước sang phong trào thơ mới, chiếc thắt lưng xanh cũng được đưa vào thi phẩm của các nhà thơ mới. Trong bài “Đám cưới mùa xuân” sáng tác năm 1944, đã đăng báo Ngày nay, thi sĩ Đoàn Văn Cừ đã viết:

Dăm bảy cô phủ mình trong những chiếc

Áo Đồng Lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh.

Đồng Lầm là tên dân dã của làng Kim Liên, nay là phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Ở đây thời xưa có nghề nhuộm vải nâu. Màu nâu của áo, màu đỏ của yếm và màu xanh của chiếc thắt lưng đã hòa trong thi phẩm của tác giả “Chợ Tết” thành một bức tranh đầy màu sắc, như Đoàn Văn Cừ vẫn thường “phối màu” trong các tác phẩm khác.

Không chỉ ghi dấu trong hình ảnh các liền chị quan họ hay các bà các chị Đồng bằng Bắc Bộ, chiếc thắt lưng xanh cũng xuất hiện trên trang phục truyền thống của các cô gái Mường xinh đẹp. Hình ảnh chiếc thắt lưng xanh cùng chiếc khăn trắng của một cô gái Mường vùng Kim Bôi, Hòa Bình thời kháng chiến chống Pháp đã gợi cảm hứng cho nhạc sĩ Tô Hải sáng tác nên ca khúc “Nụ cười sơn cước” nổi tiếng, với những câu hát quyến rũ: “Hình dung, một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trắng, một chiếc vòng sáng lóng lánh, với nụ cười nàng quá xinh”.

Nói đến thắt lưng xanh, có lẽ tình nhất, nồng nàn nhất, Xuân nhất, chính là những câu thơ trong bài “Mùa xuân xanh” của thi sĩ Nguyễn Bính sáng tác năm 1937:

Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh

Tôi đợi người yêu đến tự tình

Khỏi lũy tre làng tôi nhận thấy

Bắt đầu là cái thắt lưng xanh.

Đọc đến đây, hẳn những người yêu ca khúc “Làng quan họ quê tôi” khi hát đến câu “Con sông Cầu làm bao xanh” sẽ không còn nhầm lẫn nữa, để khi hát lên, chắc sẽ làm hài lòng cả cố nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và cố nhà thơ Nguyễn Phan Hách, hai đồng tác giả của ca khúc được nhiều thế hệ khán thính giả yêu thích.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/bat-dau-tu-chiec-bao-xanh-tWpM6zY7g.html