Bất cập xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn yêu cầu các địa phương dừng tuyển thẳngvào lớp 10 THPT bằng chứng chỉ IELTS, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, cần tính toán áp dụng với kỳ thi tuyển sinh vào đại học (ĐH).

Ảnh: minh họa

Với việc nở rộ các phương thức xét tuyển những năm gần đây, IELTS được coi như một tấm “vé thông hành” để vào các trường ĐH. Theo phương án tuyển sinh năm 2024, đến thời điểm này, cả nước có 32 trường ĐH đã công bố xét, ưu tiên thí sinh có chứng chỉ IELTS, trong đó có những trường top đầu như: ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Dược Hà Nội...

Không thể phủ nhận điều này đã góp phần tạo ra một phong trào thi đua học tập tiếng Anh sôi nổi. Theo xếp hạng chỉ số thông thạo Anh ngữ EF năm 2023, Việt Nam thuộc top 50 nhóm các nước có mức độ thông thạo trung bình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục quan ngại, việc xét tuyển này cũng bộc lộ một số bất cập: không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các thí sinh các vùng miền khi tiếp cận bậc học ĐH, đặc biệt là việc đánh giá thiếu chuẩn xác trình độ của học sinh.

Tiếng Anh chỉ là một môn học thuộc tư duy ngôn ngữ, không phải là kỹ năng tối quan trọng để đánh giá năng lực thí sinh, càng không thể đại diện cho tất cả các môn học khác, đặc biệt là các môn khoa học cơ bản. Việc lấy điểm tiếng Anh để xét tuyển thẳng vào ĐH có thể nhìn thấy rõ những bất cập như học lệch, không đảm bảo tính công bằng xã hội.

Thực tế, để hoàn thành một khóa học IELTS lấy chứng chỉ quốc tế thì phải bỏ ra một khoản học phí rất lớn, hàng chục triệu đồng, hiển nhiên không phù hợp cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Việc tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS sẽ vô tình chiếm chỗ của học sinh trong những gia đình thu nhập thấp mà vẫn phải học toàn diện các môn.

Thế nên, việc lấy IELTS làm tiêu chí để trao đổi trong những kỳ thi lớn vào THPT hay ĐH đều rất bất hợp lý.

Bộ GD&ĐT thừa nhận, sở dĩ nhiều học sinh theo đuổi thi IELTS vì các trường đặt ra những tiêu chí tuyển sinh riêng, trong đó ưu tiên xét tuyển thẳng bằng chứng chỉ IELTS nhằm mục đích thu hút nhiều sinh viên để tăng quy mô đào tạo, trong khi thực chất ngoại ngữ chỉ là một môn học và Bộ chưa bao giờ cho phép dùng chứng chỉ này để vào thẳng THPT.

Dư luận cho rằng, không nên lấy môn tiếng Anh đại diện cho tiêu chuẩn xét tuyển vào trường ĐH. Tuy nhiên, để không lãng phí chứng chỉ IELTS mà các em cố gắng mới đạt được, có thể quy đổi điểm IELTS sang tín chỉ học phần tiếng Anh tương đương theo quy định ở trường ĐH hoặc áp dụng cơ chế ưu tiên cộng điểm, nhưng không nên cào bằng để tuyển thẳng đầu vào như hiện nay.

Thực tế cho thấy, những trường ĐH vốn có chương trình đào tạo tốt, tỉ lệ có việc làm cao đã nhận thức rất rõ những bất cập khi xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và thận trọng trong việc xét tuyển đầu vào.

Nhưng trong bối cảnh việc xét tuyển ĐH bằng chứng chỉ IELTS vẫn là xu hướng tuyển sinh được ưa chuộng, các thí sinh cũng cần xác định rõ ngoại ngữ như một công cụ bổ trợ và khuyến khích học chứ không nên cào bằng coi như một môn học chuyên ngành để tránh việc học lệch. Song song với đó, các trường nên đa dạng phương thức tuyển sinh, trong đó chứng chỉ ngoại ngữ chỉ nên được xem là một tiêu chí khi xét tuyển kết hợp, có vậy mới đảm bảo được mục tiêu cao nhất là chất lượng đào tạo.

Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần sớm có định hướng cụ thể cho các cơ sở giáo dục, đào tạo để giải quyết vấn đề quá coi trọng chứng chỉ ngoại ngữ khi tuyển sinh ĐH, giúp cho các thí sinh và gia đình phải nhìn nhận lại việc trang bị nền tảng kiến thức cho con em mình phù hợp và tránh lãng phí.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bat-cap-xet-tuyen-bang-chung-chi-ielts-post473749.html