Bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm

Tuy toàn tỉnh Khánh Hòa có số lượng cơ sở thực phẩm rất lớn nhưng đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) lại quá mỏng. Trong khi đó, các quy định về quản lý ATTP vẫn còn bất cập, chồng chéo khiến cho công tác này gặp nhiều khó khăn.

Những khó khăn

Hiện nay, toàn tỉnh có 17.453 cơ sở thực phẩm, trong đó có 2.402 cơ sở sản xuất, 3.165 cơ sở kinh doanh, 3.629 cơ sở dịch vụ ăn uống, 8.257 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy số lượng cơ sở lớn song đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATTP lại mỏng, đặc biệt là ở tuyến huyện và xã, đồng thời phải kiêm nhiệm nhiều việc nên gặp rất nhiều khó khăn, bị động trong triển khai hoạt động kiểm tra, hậu kiểm, phòng ngừa và khắc phục sự cố ATTP.

Ông Nguyễn Lý - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Y tế thị xã Ninh Hòa cho biết, ngành Y tế thị xã đang quản lý 162 cơ sở thực phẩm, y tế cấp xã quản lý 2.387 cơ sở. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATTP mỏng, nhất là ở tuyến xã, đồng thời chưa được chuyên môn hóa. Ngoài ra, công cụ, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra thiếu và lạc hậu nên đa số đánh giá bằng cảm quan, khiến việc xác định và xử lý vi phạm không khả thi, chủ yếu là nhắc nhở. Còn theo ông Bùi Anh Tuấn - nhân viên Ban Quản lý chợ Vĩnh Hải (TP. Nha Trang), trung bình ngày thường, lượng hàng thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm về chợ khoảng 2 - 2,5 tấn; hàng rau, củ quả khoảng 3 - 5 tạ. Vào các dịp lễ, Tết, lượng hàng tăng gấp rưỡi. Do lượng hàng về nhiều, phân phối nhỏ lẻ từ nhiều nhà cung cấp, hộ kinh doanh và qua nhiều khâu trung gian nên khó kiểm soát hết được nguồn gốc, xuất xứ. Trong khi đó, đội ngũ làm công tác quản lý ATTP tại chợ chỉ có 2 người, bộ dụng cụ test nhanh chỉ có thể kiểm tra một vài chỉ số thông thường nên việc đánh giá độ an toàn của thực phẩm còn hạn chế.

Một quầy hàng thực phẩm tươi sống tại chợ Xóm Mới (TP. Nha Trang).

Theo Nghị định số 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và thực phẩm bao gói sẵn; kinh doanh thức ăn đường phố… đều không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Do đó, theo ông Võ Hồng Vân - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, việc quản lý các cơ sở này đang gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, hiện nay, có quá nhiều văn bản liên quan đến công tác quản lý nhà nước về ATTP, nhiều quy định không đồng bộ, chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể…

Còn nhiều vi phạm

Qua các đợt kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm về ATTP, ngành chức năng đã ghi nhận những hành vi vi phạm phổ biến như: Sản xuất sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền, hay tiêu chuẩn đã công bố; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; bảo quản thực phẩm không phù hợp; không niêm yết giá hàng hóa rõ ràng. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; sử dụng phụ gia thực phẩm vượt quá mức tối đa cho phép; kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng; vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa...

Theo ông Võ Hồng Vân, Chính phủ cần bổ sung quy định ký cam kết bảo đảm ATTP đối với cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trước khi hoạt động, quy định xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở không chấp hành quy định này. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các nghị định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có nội dung chưa phù hợp với thực tế để tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp cho công tác quản lý nhà nước về ATTP được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATTP, Bộ Y tế cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về ATTP, đặc biệt là về công tác tham mưu, cưỡng chế đối với cơ sở không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu quản lý hiện nay, UBND tỉnh cần phân công, bố trí đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý nhà nước về ATTP tại các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện và xã.

Năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập 367 đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP tại 8.470 cơ sở, phát hiện 305 cơ sở vi phạm. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 83 cơ sở, với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 2 tháng đối với 5 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và nước đá dùng liền; buộc tiêu hủy 100kg chả cá, gần 2,5 tấn thịt đông lạnh, hơn 5,9 tấn rau, củ quả các loại, 17 con so biển, 1.080 đơn vị sản phẩm thực phẩm trị giá hơn 4 tỷ đồng thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương; buộc cơ sở vi phạm nộp lại số tiền lợi nhuận bất hợp pháp hơn 6,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và yêu cầu 222 cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ viết cam kết không tái phạm.

Trong số 3.495 mẫu thực phẩm được xét nghiệm năm 2023, có 56 mẫu không đạt. Trong đó, 47 mẫu dụng cụ ăn uống (xét nghiệm nhanh); 9 mẫu thực phẩm (xét nghiệm tại labo), gồm 4 mẫu nước uống đóng chai và 1 mẫu nước đá dùng liền có chỉ tiêu vi sinh vật không đạt quy chuẩn đã công bố; 1 mẫu chả cá có dư lượng phốt pho vượt mức quy định; 3 mẫu sản phẩm thuộc ngành Công Thương quản lý vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm.

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202401/bat-cap-trong-quan-ly-an-toan-thuc-pham-80044cd/