Bất cập trong cai nghiện ma túy bắt buộc

ĐBP - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, hạn chế sự phát sinh người nghiện ma túy. Song tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi việc tổ chức đưa người nghiện ma túy đi cai, đặc biệt là cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Bệnh nhân uống Methadone tại Trạm Y tế xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng. Ảnh tư liệu

Cầm bộ hồ sơ hoàn chỉnh dày cộp của một người đi cai nghiện tập trung, bà Tô Thị Hạnh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Ảng cho biết: Để hoàn thiện một bộ hồ sơ pháp lý và đưa người nghiện đi cai nghiện ma túy tập trung phải mất từ 5 - 6 tháng, thậm chí còn hơn nếu như trường hợp đó không hợp tác. Khi bắt quả tang người sử dụng ma túy lần 1 thì lập biên bản, đưa đi xét nghiệm tại trung tâm y tế, nếu có kết quả dương tính với ma túy thì chính quyền địa phương ra quyết định xử lý hành chính, đồng thời bàn giao đối tượng cho lực lượng công an, cơ sở và gia đình phối hợp giáo dục, quản lý. Sau 3 tháng chính quyền địa phương ra quyết định xác nhận hoàn thành thời gian giáo dục tại nhà của người nghiện ma túy. Lần 2 các thủ tục tương tự như lần 1, tuy nhiên không áp dụng giáo dục tại nhà mà xã đề nghị cai nghiện tập trung và chuyển hồ sơ lên Phòng Tư pháp huyện thẩm định, sau đó chuyển Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện tiếp tục thẩm định, ra công văn đề nghị tòa án cùng cấp, khi tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì lúc này mới đưa đối tượng đi cai nghiện tập trung.

Đấy là đối tượng nghiện ma túy hợp tác, nếu trong trường hợp không hợp tác như: Chống đối, cố tình uống các loại thuốc làm giảm tính chính xác kết quả xét nghiệm... thì mất nhiều thời gian. Trong khi từ lúc phát hiện đến khi hoàn thành thủ tục hồ sơ, đối tượng nghiện ma túy vẫn ở nhà, dễ gây mất an ninh trật tự tại địa phương, thậm chí nguy hiểm cho người khác. Điển hình là vụ đối tượng Phạm Trường Sơn, sinh năm 1978, trú tại thị trấn Mường Ảng, tháng 4/2020 đã dùng dao chém 2 người trong gia đình bị thương khi lên cơn nghiện. Sơn là trường hợp được theo dõi và trong thời gian hoàn thiện thủ tục cai nghiện ma túy tập trung.

Hiện toàn huyện Mường Ảng có gần 1.000 người nghiện ma túy. Năm 2021, theo kế hoạch, tổng số người cai nghiện ma túy trên toàn huyện Mường Ảng là 45 người, trong đó cai nghiện bắt buộc Tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội là 15 người, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng là 30 trường hợp. Tuy nhiên đến tháng 5/2021, mới chỉ có 3 trường hợp được đưa đi cai nghiện tại Trung tâm, 6 trường hợp đang trong thời gian hoàn thiện thủ tục hồ sơ, 6 trường hợp chưa biết khi nào mới hoàn thiện thủ tục.

Huyện Điện Biên là một trong những địa phương có tỷ lệ người nghiện ma túy cao. Theo hồ sơ quản lý, số người nghiện trên địa bàn huyện hiện có trên 2.000 người. Năm 2020 huyện chỉ có 39 người được đưa đi cai nghiện tập trung.

Trung tá Hoàng Ngọc Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy (Công an huyện Điện Biên) cho biết: Mặc dù huyện có người nghiện ma túy cao nhưng hàng năm số được đưa đi cai nghiện tập trung không nhiều. Nguyên nhân là do thủ tục để đưa người đi cai nghiện tập trung rất phức tạp. Từ lúc cơ quan chức năng lập hồ sơ đề nghị đưa người đi cai nghiện đến ngày tòa án ra quyết định phải qua rất nhiều thủ tục, nhiều thời gian; chưa kể ở mỗi khâu xét duyệt nếu hồ sơ có sai sót gì thì phải làm lại. Vì vậy, việc quản lý người nghiện trong thời gian chờ tòa án ra quyết định gặp nhiều khó khăn, thậm chí có đối tượng sau khi cơ quan chức năng hoàn thành thủ tục đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Theo số liệu cung cấp của cơ quan chức năng, hiện toàn tỉnh có trên 9.000 người nghiện ma túy, song số lượng người được đưa đi cai nghiện bắt buộc hàng năm rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do thủ tục còn rườm rà.

Ông Phạm Văn Tú, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Sở Lao động - Thương binh và xã hội) chia sẻ: Hiện Trung tâm có quy mô 500 giường bệnh với hệ thống máy móc, cơ sở vật chất được đầu tư nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, chưa năm nào Trung tâm sử dụng hết công suất giường bệnh. Cụ thể, năm 2017 có 293 người; năm 2018 có 398 người; năm 2019 có 398; năm 2020 có 328; và hiện tại trung tâm có 302 trường hợp, trong đó 27 trường hợp cai nghiện tự nguyện, còn lại là cai nghiện bắt buộc.

Cai nghiện ma túy thành công là cả hành trình dài, trong khi tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp. Để việc cai nghiện ma túy hiệu quả thì một trong những yêu cầu là nhanh gọn thủ tục, làm sao đảm bảo quy định nhưng phải kịp thời để đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc.

Tú Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/187660/bat-cap-trong-cai-nghien-ma-tuy-bat-buoc