Bất cập quanh việc biệt phái trong ngành giáo dục ở Nghệ An: Nỗi niềm giáo viên 'biệt phái'

Hơn 10 năm trước, các Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Nghệ An lâm vào cảnh thiếu người. UBND tỉnh Nghệ An cho phép các huyện được điều động giáo viên về làm viên chức biệt phái. Tuy nhiên, chính sách điều động, thay đổi qua từng năm đã tác động trực tiếp đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm, niềm tin của đội ngũ nhà giáo.

Với chế độ chính sách không đảm bảo, việc thu hút giáo viên cốt cán ở cơ sở lên công tác tại các Phòng GD&ĐT sẽ gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2012, để bố trí đủ công chức cho các Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện chủ trương biệt phái cán bộ, giáo viên tại các trường học về cho Phòng GD&ĐT. Những người thuộc diện biệt phái thời điểm đó hầu hết đều là hiệu phó hoặc hiệu trưởng từ các trường, được lựa chọn kỹ càng để giúp việc cho Phòng.

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định mỗi nơi vận dụng một khác, tạo ra không ít kẽ hở.Mới đây kết quả các cuộc thanh tra ở tỉnh Nghệ An cho rằng, việc chi trả các khoản phụ cấp cho cán bộ, giáo viên biệt phái từ trường học về Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong những năm qua là không đúng quy định. Sau khi có kết quả thanh tra, không chỉ bị cắt phụ cấp, hàng trăm người còn bị yêu cầu phải nộp lại số tiền phụ cấp đã nhận trong những năm gần đây.

Vấn đề này đã tác động trực tiếp đến quyền lợi, cuộc sống, nghề nghiệp, tâm tư, tình cảm, thậm chí là niềm tin của đội ngũ nhà giáo. Từ thực tế của những người trong cuộc, phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đi sâu vào những 'góc khuất' của câu chuyện từ phía chính quyền "dùng dằng" trong xử lý.

Người không ... danh phận

Không giấu được nỗi buồn, cô Đặng Thị Hồng (51 tuổi) - làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu, chia sẻ với chúng tôi, đi dạy từ những năm 1992, là một giáo viên có năng lực nên năm 2008, cô được phong Nhà giáo ưu tú khi chỉ mới 36 tuổi. Cô cũng là Nhà giáo ưu tú trẻ nhất ở Nghệ An từ xưa đến nay và là một trong vài người trẻ nhất của cả nước. Cô Hồng cũng là giáo viên dạy giỏi Quốc gia, sau nhiều năm cống hiến, năm 2013 cô được bổ nhiệm là Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Sơn.

Một năm sau, dưới sự vận động của cấp trên, cô chấp nhận thôi chức hiệu trưởng, trở thành giáo viên biệt phái lên làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu, với nhiệm vụ là quản lý chuyên môn khối tiểu học.

Vài tháng đầu ở vị trí mới, cô Hồng vẫn được bảo lưu mức lương giống như khi còn là hiệu trưởng. Sau đó, phụ cấp chức vụ bị cắt do không còn giữ chức Hiệu trưởng nữa. "Vì thế, mà kể từ khi lên làm việc tại Phòng GD&ĐT, mức lương mỗi tháng giảm khoảng 1 triệu. Dù thu nhập có giảm, nhưng tôi vẫn vui vẻ làm việc, cống hiến cho ngành…", cô Hồng kể.

Cô Hồng là một trong hàng trăm giáo viên ở Nghệ An bị dừng chi trả phụ cấp, đồng thời bị yêu cầu truy thu số tiền đã nhận trong những năm qua. "Từ khi nhận được tin, tôi thật sự sốc, cảm thấy tổn thương vô cùng. Gắn bó với nghề hơn 30 năm rồi, bây giờ lại bị cho là không phải nhà giáo, không được hưởng thâm niên nghề…", cô Hồng nói.

Sau hơn 30 năm công tác, đến nay hệ số lương của cô Hồng là 5,36, phụ cấp ưu đãi 35% (hay còn gọi là phụ cấp đứng lớp), phụ cấp thâm niên nhà giáo: 29%. Mức lương được nhận vào tháng 7/2023 là hơn 14,5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo như quyết định mới ban hành, những trường hợp như cô Hồng sẽ bị cắt phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên nghề từ tháng 8/2023. Mức lương của cô Hồng vì vậy giảm xuống chỉ còn hơn 8,6 triệu mỗi tháng. Không những vậy, cô còn bị buộc phải nộp lại số tiền phụ cấp đã nhận kể từ năm 2021 đến nay.

"Khi nhận được tin dừng chi trả phụ cấp thì đã sốc rồi, sau đó lại còn bị yêu cầu truy thu nữa. Chúng tôi thật sự rất hoang mang. Tính ra, tôi phải nộp lại gần 200 triệu đồng. Khoản tiền đó chúng tôi lấy đâu ra…", cô Hồng chua xót nói.

Cô Phạm Thị Bích Lưu, (người đứng nói) Phòng GD&ĐT Diễn Châu trong một chương trình tập huấn.

Cũng như cô Hồng, cô Phạm Thị Bích Lựu (49 tuổi), cho hay "Nhiều ngày nay, tôi không còn tâm trí để làm việc, kể từ khi nhận được tin bị dừng chi trả phụ cấp và yêu cầu truy thu". Cô Lựu cho biết cô là Nhà giáo ưu tú từ năm 2014, nhiều lần đạt giải nhất giáo viên giỏi cấp tỉnh và là giáo viên dạy giỏi Quốc gia. Trước khi được biệt phái lên làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu vào cuối năm 2014, cô là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diễn Kỷ.

Thời điểm tháng 7/2023, cô Lựu đang được hưởng hệ số lương 5,36, phụ cấp ưu đãi 35%, phụ cấp thâm niên nhà giáo: 28%. Mức lương được nhận tại tháng 7/2023 là hơn 14,4 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2023, các phụ cấp đều bị cắt, mức lương của cô Lựu chỉ còn khoảng 8,6 triệu đồng, chỉ bằng một nửa giáo viên có cùng thâm niên dạy ở trường. "Cũng là nhà giáo như nhau mà không hiểu sao chúng tôi lại bị đối xử như vậy", cô Lựu nói.

Trong những năm qua, việc biệt phái giáo viên được xem là tất yếu bởi hiện nay, biên chế cho các phòng giáo dục chỉ có từ 4 – 6 người và chủ yếu đảm nhận các chức vụ như trưởng, phó các đơn vị trong Phòng GD&ĐT. Một số ít phòng có thêm từ 1 – 2 biên chế để phụ trách chuyên môn. Để bù vào "khoảng trống" này, việc biệt phái giáo viên từ các trường là tất yếu và có những người dù đã công tác tại phòng giáo dục từ 10 – 15 năm vẫn là giáo viên biệt phái.

Theo nhiều giáo viên đang biệt phái, khi họ quyết định biệt phái lên làm việc tại các phòng giáo dục, chủ yếu là vì trách nhiệm với ngành. Còn lại, nếu so sánh hoặc "cân đo đong đếm" thì có phần chưa thỏa đáng. Bởi lẽ, cán bộ biệt phái ngay cả "danh xưng" cũng chưa rõ ràng, họ không phải công chức, không phải viên chức cũng không phải thầy giáo, cô giáo. Trong khi đó, các chế độ khác lại thường xuyên bị "nâng lên đặt xuống", dù họ chỉ đi theo điều động của địa phương, của ngành và có quyết định biệt phái rõ ràng.

Khoảng trống giáo dục

Thầy giáo Nguyễn Đình Tiệp (41 tuổi) làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Đô Lương, không giấu được những uất ức kể từ khi nhận được tin bị cắt chế độ và bị truy thu các khoản như tiền đứng lớp, tiền thâm niên từ năm 2021 đến nay. Theo lời thầy Tiệp, thầy đi dạy từ năm 2006 từng là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trù Sơn từ năm 2013.

Năm 2016, thầy được biệt phái lên làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Đô Lương. Hiện nay, mức lương của thầy Tiệp bao gồm cả phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên nghề cũng chỉ có 7,8 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu trừ đi các khoản phụ cấp này, mỗi tháng thầy Tiệp chỉ còn khoảng 5 triệu đồng, tương đương với một giáo viên mới ra trường. "Nhận được thông tin, ai nấy đều hoang mang. Nhà thì xa thị trấn, với mức lương như vậy thì thật sự khó mà làm việc được", thầy Tiệp cay đắng.

Các giáo viên biệt phái ở Phòng GD&ĐT đều là những người có năng lực được tuyển chọn từ cơ sở.

Qua tìm hiểu, hầu hết số giáo viên biệt phái tại các Phòng GD&ĐT, hiện nay mức lương trên dưới 10 triệu đồng, bao gồm cả phụ cấp. Nếu khoản phụ cấp bị cắt, thu nhập của họ ngang với giáo viên mới ra trường, dù trước đây họ cũng từng là hiệu phó, hiệu trưởng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tất Tây – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương, đơn vị hiện có 14 nhân sự, nhưng có đến 7 người là giáo viên biệt phái từ các trường lên chia sẻ: "Trước khi lên biệt phái, họ hầu hết đều là hiệu phó hoặc hiệu trưởng, là những người giỏi nhất ở các trường được chúng tôi lựa chọn để giúp việc cho Phòng. Tuy nhiên, kể từ khi nhận được tin các khoản phụ cấp bị cắt, lại còn phải yêu cầu truy thu, tâm lý ai nấy đều hoang mang. Nhiều người đã bày tò nguyện vọng quay trở lại trường. Nếu cứ như vậy, sau này sẽ không ai dám đi biệt phái lên Phòng làm việc nữa. Trong khi đó, hầu hết công việc đều do đội ngũ này đảm nhận", ông Nguyễn Tất Tây nói.

Thầy giáo Nguyễn Văn Quyền – nguyên Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Trù Sơn tâm sự: "Trước khi chuyển lên phòng giáo dục, chúng tôi có một quyết định từ Phó Hiệu trưởng xuống giáo viên rồi sau đó mới có quyết định chuyển về phòng theo đúng quy trình. Nhưng bây giờ trở lại, chúng tôi sẽ làm gì ở trường cũ? Nếu tiếp tục làm lãnh đạo nhà trường thì vị trí đã kín chỗ. Còn để trở lại làm giáo viên thì thiệt thòi cho chúng tôi quá!".

Thời điểm này, tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương đã có 7 giáo viên biệt phái vừa có quyết định quay trở lại nhà trường sau thời hạn 3 năm tăng cường biệt phái theo quy định. Cầm tờ quyết định trên tay, không chỉ lãnh đạo phòng mà các giáo viên đều băn khoăn, trăn trở.

Thầy Nguyễn Thanh An - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông: "Họ xin về trường hết rồi, giờ không có người làm nữa, công việc của những người còn lại vì thế tăng lên gấp bội".

Nếu như ở huyện Đô Lương, việc thiếu người làm việc vẫn còn đang là nỗi lo thì ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện miền núi Con Cuông, chuyện này đã trở thành hiện thực. Nhiều ngày nay, trên phòng làm việc của Trưởng phòng giáo dục huyện Con Cuông Lê Thanh An luôn bề bộn giấy tờ, tài liệu, bởi ông phải kiêm thêm nhiều công việc của cấp dưới.

"Họ xin về trường hết rồi, giờ không có người làm nữa, công việc của những người còn lại vì thế tăng lên gấp bội", ông An nói Phòng Giáo dục huyện hiện cũng là phòng rơi vào tình trạng "cám cảnh" nhất từ trước đến nay, khi cả phòng chỉ còn lại 4 người làm việc.

Báo Sức khỏe và Đời sống sẽ tiếp tục thông tin về bất cập quanh chuyện biệt phái trong ngành Giáo dục ở Nghệ An. Bài 2: Những khoản nợ "từ trên trời rơi xuống".

Bài 2: Những khoản nợ "từ trên trời rơi xuống".

Hoàng Trinh - Khánh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bat-cap-quanh-viec-biet-phai-trong-nganh-giao-duc-o-nghe-an-noi-niem-giao-vien-biet-phai-169231004210448648.htm