Bất cập bởi chạy đua tăng trưởng 'nóng'

Là sản phẩm mang tính nhân văn, bảo vệ con người trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, nhưng khách hàng lại hoang mang, lo lắng khi tham gia - đây đang là nghịch lý của thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Để người dân hiểu đúng, tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm, đòi hỏi ngành này cần nghiêm túc nhìn nhận lại, tiến tới lành mạnh hóa thị trường.

Nguyên nhân không từ sản phẩm mà do cách làm

Sau khoảng gần 30 năm hình thành và phát triển, thị trường BHNT ở Việt Nam đã cung cấp hơn 500 sản phẩm BHNT, bảo hiểm sức khỏe. Với gần 14 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 900.000 đại lý, người lao động.

Đây cũng là kênh huy động vốn trung và dài hạn đầu tư trở lại nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hơn 1 triệu lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội. Trong năm 2022, DN BHNT đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 616.000 tỷ đồng, số tiền bảo hiểm chi trả cho khách hàng lên tới 42.561 tỷ đồng. Năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm cả nước ước đạt 245.877 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm 2021. Quy mô doanh thu này đã lớn gấp 3 lần so với năm 2015.

Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng có phần “nóng” này cũng là nguyên nhân khiến thị trường bảo hiểm ở Việt Nam xuất hiện một số bất cập về chất lượng hoạt động tư vấn, chăm sóc, cũng như bồi thường quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng... Những vụ việc lùm xùm gần đây liên quan đến BHNT đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, dấy lên sự nghi ngại, mất niềm tin vào ngành này.

Không chỉ là vấn đề dư luận quan tâm, những tồn tại của ngành BHNT cũng làm nóng nghị trường của Quốc hội những ngày gần đây. Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước sáng 31/5, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) dành toàn bộ thời gian để chia sẻ về vấn đề bảo hiểm nhân thọ thời gian qua.

Làm rõ hơn về vấn đề này, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, qua tổng hợp kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội cho thấy cử tri rất lo lắng khi tham gia BHNT.

“Chúng tôi có nhận được một đơn dài 5 trang của 100 công dân cùng ký, với tiêu đề là “Đơn khiếu nại” về việc một công ty bảo hiểm thông qua kênh ngân hàng có hành vi lừa dối khách hàng tiền gửi tiết kiệm ký hợp đồng BHNT. Đến hôm nay, họ đặt ra 3 nhóm thiệt hại của 100 người này khoảng 25 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 3, tháng 4 có 73 người khiếu nại đã được công ty này thanh toán toàn bộ. Trong đó, công ty có bắt họ cam kết không được thông tin việc thanh toán đó, rồi phải bảo đảm giữ bí mật” – ông Lưu Bình Nhưỡng thông tin.

Thẳng thắn nhìn nhận tồn tại của ngành BHNT, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) Phạm Thu Phương chỉ ra, ngành BHNT đã phát sinh những vấn đề nhất định về chất lượng hoạt động tư vấn, chất lượng chăm sóc, giải quyết quyền lợi cho khách hàng.

Trong quá trình phát triển cũng đã xuất hiện rất nhiều kênh phân phối bảo hiểm mới bên cạnh kênh phân phối truyền thống, đó là kênh phân phối qua ngân hàng. Trong quá trình triển khai, việc kiểm soát chất lượng tư vấn qua kênh ngân hàng còn nhiều vấn đề phức tạp, chưa chặt chẽ. Có thông tin phản ánh nhân viên ngân hàng có hiện tượng mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ, thậm chí ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm mới cho vay vốn.

Thay đổi cách quản lý

Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu tổng quát là hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm đầy đủ, minh bạch, bình đẳng và đồng bộ.

Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đang rà soát trình Chính phủ nghị định bổ sung xử phạt hành chính trong kinh doanh bảo hiểm, để phù hợp hơn với thực tế. Chúng tôi tin tưởng, khi văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm được ban hành sẽ chấn chỉnh hoạt động bảo hiểm theo hướng bảo vệ khách hàng.
Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm Phạm Thu Phương

Chiến lược đặt ra mục tiêu cụ thể là doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 15%/năm, đến năm 2025, quy mô đạt 3 - 3,3% GDP; tăng trưởng bình quân giai đoạn 2026 - 2030 là 10%/năm, đến năm 2030 quy mô đạt 3,3 - 3,5%. Đến năm 2025 có 15% dân số tham gia BHNT; đến năm 2030 có 18% dân số tham gia BHNT.

Để đạt được mục tiêu trên, theo TS Cấn Văn Lực (Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia), chúng ta cần rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự liên quan như đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn. DN bảo hiểm cần rà roát chính sách, quy trình nội bộ cũng như xem lại, rà roát lại mạng lưới đại lý, tư vấn bảo hiểm.

Cùng với đó, Chính phủ cần có chương trình Quốc gia giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức về bảo hiểm của người dân tăng lên. Ngược lại, bản thân các đại lý bảo hiểm cần rà soát lại, gia cố lại nhân viên của mình.

“Hiện nay chúng ta có quy định pháp luật đầy đủ về nhiều lĩnh vực, trong đó thông tư hướng dẫn luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Tôi mong Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư, quy định, hướng dẫn, triển khai luật kinh doanh bảo hiểm. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát lại thông tư nội ngạch để làm tốt hơn việc liên kết giữa ngân hàng và DN” – TS Cấn Văn Lực đề xuất.

Đồng tình với quan điểm trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, khung pháp luật về thị trường bảo hiểm, kinh doanh bảo hiểm khá đầy đủ, toàn diện. Đặc biệt là sự tiến bộ của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, những bất cập khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm được cơ quan soạn thảo nêu rõ.

Vì vậy, nên tập trung vào việc thực thi quy định, Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm. “Vấn đề xử lý hiện nay nên tập trung về tổ chức thực thi, giám sát việc thực thi luật ở lĩnh vực này” – ông Phan Đức Hiếu chỉ ra.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm Phạm Thu Phương cho biết, mục tiêu bảo vệ người tham gia bảo hiểm luôn được đặt lên hàng đầu, từ thiết kế chính sách đến thanh, kiểm tra.

Cụ thể, về thiết kế chính sách Luật Kinh doanh bảo hiểm từ năm 2000 đến năm 2022 đều quy định trường hợp đại lý bảo hiểm làm sai và gây thiệt hại cho người mua thì DN bảo hiểm phải chịu trách nhiệm. Pháp luật cũng quy định rõ trách nhiệm của DN là phải kiểm tra, giám sát đại lý bảo hiểm.

Về phía cơ quan quản lý giám sát, chúng tôi đã đề xuất bổ sung văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, cụ thể là dự thảo nghị định và thông tư nhằm cụ thể hóa hoạt đồng tư vấn của đại lý bảo hiểm, đặc biệt là quy định về triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng - cần có quy định riêng.

Bên cạnh đó, cụ thể hóa trách nhiệm của DN trong kiểm tra, giám sát đại lý; minh bạch hóa thông tin hợp đồng; xây dựng bản tóm tắt hợp đồng bảo hiểm, nêu rõ thời hạn đóng phí, cùng các thông tin quan trọng khác.

Mặc dù là nước đang phát triển, với quy mô dân số đông nhưng theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tỷ lệ thâm nhập BHNT (được tính bằng tổng phí BHNT trên GDP của Việt Nam) ở mức dưới 2% - thấp hơn nhiều so với mức bình quân trên thế giới là 3,3%. Tương ứng với tỷ lệ người dân tham gia BHNT tại Việt Nam mới chỉ có 11%. Trong khi đó, tại Philippines khoảng 38% dân số, tại Malaysia khoảng 50%, Singapore khoảng 80%, Mỹ khoảng 90%...

Cần có phương pháp kiểm tra phù hợp, khoa học, mang tính chất kịp thời, theo nguyên tắc quản lý kiểm tra ngẫu nhiên hoặc theo nguyên tắc về quản lý rủi ro, khi phát hiện thì phải xử lý một cách nghiêm minh. Làm thế nào để có thể gia cố được cách thức, phương thức giám sát một cách có hiệu quả. Cơ quan quản lý Nhà nước, các hiệp hội minh bạch hóa, công khai hóa thông tin trong quản lý đến từng đối tượng. Đối với người mua bảo hiểm, cũng nên tự nâng cao hơn nhận thức và trở thành một người tiêu dùng có hiểu biết, có nhận thức.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội Phan Đức Hiếu

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bat-cap-boi-chay-dua-tang-truong-nong.html