Bất cập ảnh hưởng tới công tác Quản lý thị trường

(HQ Online)- Hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua giữa các cơ quan chức năng còn chồng chéo dẫn đến nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cơ sở kinh doanh rượu ngoại. Ảnh: Quang Tấn.

Cục Quản lý thị trường vừa tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác quản lý thị trường 6 tháng cuối năm 2016. Tại hội nghị, nhiều khó khăn vướng mắc được các đại biểu chia sẻ, thảo luận, tìm hướng tháo gỡ như: Hạn chế trong nhận thức trong đấu tranh chống buôn lậu; phối hợp giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp chưa hiệu quả. Cùng với đó là các bất cập cụ thể tại các địa phương trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, xử lý chợ hóa chất ở chợ Kim Biên (TP. Hồ Chí Minh), giải pháp phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát các tụ điểm tập kết, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại Hà Nội.

Vấn đề làm “nóng” hội nghị liên quan đến các khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật. Chia sẻ về vấn đề này, ông Chu Xuân Kiên – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Một số văn bản quy phạm pháp luật sau thời gian dài thực hiện đã bộc lộ hạn chế cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như Luật Thương mại, Luật Xử lý vi phạm hành chính; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới ban hành”.

Dẫn chứng cụ thể về bất cập trên, ông Kiên đã nêu một số mặt hàng cụ thể như: Thuốc lá điện tử; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, hiện nay, căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 67/2013/NFF-CP ngày 27-6-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá về kinh doanh thuốc lá quy định: “Sản phẩm thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu, và các dạng sản phẩm khác dùng để hút, nhai, ngửi”. Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng chưa có hướng dẫn cụ thể xác định mặt hàng thuốc lá điện tử có được quản lý như mặt hàng thuốc lá điếu hay không (có thuộc các dạng dùng để hít, ngửi).

Đối với vấn đề “nóng” hiện nay là an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Chu Xuân Kiên cho rằng có nhiều bất cập làm cho hiệu lực các văn bản quy phạm pháp luật không cao như: Phân công trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh; thiếu nhiều quy định chi tiết, cụ thể hoặc chưa phù hợp với nhiều loại hình hoạt động kinh doanh, khó khăn khi triển khai. Đồng thời, hiện nay cũng đang thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm thực phẩm; nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa phù hợp nhất là các quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế hoặc một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được ban hành đã lạc hậu nhưng chưa sửa đổi.

Đồng thời, tính ổn định của một số văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại chưa cao. Có những văn bản được các cơ quan chức năng ban hành chỉ trong một thời gian ngắn phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ (Nghị định 185/NĐ-CP). Sự thiếu ổn định đó gây khó khăn cho các chủ thể kinh doanh cũng như công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ quan Nhà nước.

Để giải quyết vấn đề trên, tại hội nghị, ông Trịnh Văn Ngọc – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan sớm đề xuất phương án xử lý các vấn đề hạn chế, bất cập trong thực tiế áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm. Trong đó, nổi lên là vướng mắc liên quan đến việc thực hiện giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính; nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt.

Ông Ngọc đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp trong công tác xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, điều kiện bảo đảm hoạt động, chế độ chính sách đối với công chức Quản lý thị trường theo quy định của Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Nếu sắp tới Chính phủ, các cơ quan, bộ, ngành thực hiện đúng nội dung của Pháp lệnh Quản lý thị trường thì chắc chắn công tác chông buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái sẽ có những chuyển biến tích cực”.

6 tháng đầu năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 87.093 vụ; phát hiện, xử lý 54.424 vụ vi phạm trên tổng số 59.775 hành vi (giảm 810 vụ, tương đương 1,5% so với cùng kỳ năm 2015), với tổng số thu nộp ngân sách hơn 329 tỷ đồng (tăng hơn 96 tỷ đồng, tương đương 41,2% so vứi năm 2015), trị giá hàng tiêu hủy hơn 82 tỷ đồng.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cu-dam-thep-cua-luc-luong-quan-ly-thi-truong.aspx