Basedow: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng bệnh và cách điều trị

Basedow là bệnh lý mạn tính, Basedow là một rối loạn tự miễn dịch và là một dạng bệnh nội tiết phổ biến nhất hiện nay.

Thông thường hệ thống miễn dịch thường tạo ra các kháng thể để nhằm mục tiêu loại virus, vi khuẩn hoặc chất lạ khác. Nhưng với người mắc Basedow - vì những lý do chưa được hiểu rõ - hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể đối với một phần tế bào trong tuyến sản xuất hormone ở tuyến giáp.

1. Nguyên nhân gây Basedow

Basedow theo thống kê, phần lớn có liên quan đến di truyền (chiếm khoảng 79%). Phần còn lại do các yếu tố khác như tuổi tác, giới tính, cơ địa, môi trường sống, hóa chất có trong thực phẩm ăn uống hằng ngày. Hiện tại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Basedow như:

- Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người thân mắc Basedow thì có khả năng mắc bệnh cao hơn

- Phụ nữ mang thai và sau khi sinh

- Người mắc các bệnh lý rối loạn tự miễn dịch khác: đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp…

- Người hút thuốc

- Ngừng corticoid đột ngột

Phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị Basedow mang lại kết quả chắc chắn nhất, ít biến chứng.

2. Dấu hiệu Basedow

Các dấu hiệu của bệnh Basedow sẽ được chia theo 2 nhóm bao gồm biểu hiện tại tuyến giáp và biểu hiện ngoài tuyến giáp. Người bệnh xuất hiện một số triệu chứng như:

Biểu hiện tại tuyến giáp

- Bướu giáp: Người bệnh có bướu giáp lớn khi sờ vào thấy mềm, có tính đàn hồi hoặc hơi cứng.

- Tim mạch: Nhịp tim nhanh, hồi hộp

- Thần kinh cơ: Hai tay có biểu hiện run kèm theo yếu cơ

- Người bệnh thường mệt mỏi, thay đổi tính khí thất thường dễ nóng giận, cáu gắt, mất ngủ hoặc khó tập trung

- Tăng chuyển hóa: Thân nhiệt tăng và dễ có cảm giác nóng, nhạy cảm với nhiệt độ, dễ toát mồ hôi, da ấm, ẩm.

- Tiêu hóa: Hay đi đại tiện, ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân, tiêu chảy hoặc nôn mửa

- Tiết niệu sinh dục: Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, rối loạn kinh nguyệt…

Biểu hiện ngoài tuyến giáp

- Biểu hiện ở mắt: Mắt lồi, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, mất thị lực, cảm giác cộm trong mắt…

- Các vấn đề về da: Da đỏ và dày lên hay gặp ở phần cẳng chân hoặc mu bàn chân.

- Các đầu chi sưng to

- Ngoài ra còn có thể gặp một số bệnh lý khác như: đái tháo đường, suy vỏ tuyến thượng thận, nhược cơ năng…

3. Basedow có lây không

Basedow không phải là bệnh lây nhiễm.

Người mắc Basedow cần được thăm khám, điều trị tại các cơ sở chuyên khoa và sử dụng thuốc theo điều trị của bác sĩ.

4. Phòng ngừa Basedow

Basedow gây nguy hiểm cho hệ tim mạch nếu như không được điều trị kịp thời và điều trị đúng cách. Thậm chí bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng tử vong trong tình trạng suy tim, suy kiệt. Và đặc biệt trong tình trạng cơn bão giáp, một trong những biến chứng nặng của bệnh. Hiện tại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh do vậy không có phương pháp nào để ngăn chặn hoàn toàn việc mắc Basedow, tuy nhiên có thể chủ động thực hiện một số cách sau để giảm nguy cơ:

- Duy trì một cuộc sống lành mạnh, nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách ăn uống đầy đủ và khoa học (hạn chế ăn các thực phẩm chứa quá nhiều i-ốt), tập thể dục thường xuyên.

- Tránh hút thuốc và hút thuốc thụ động. Vì hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh Basedow và bệnh mắt Basedow.

- Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái và suy nghĩ tích cực. Tránh những căng thẳng mệt mỏi về cả thể chất và tinh thần.

- Nếu mắc Basedow bạn cần điều trị bệnh dứt điểm trước khi mang thai. Vì thai sản là yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng thêm.

- Thăm khám sức khỏe định kỳ

5. Cách điều trị Basedow

Bệnh Basedow là bệnh lý mạn tính, do đó người bệnh cần xác định điều trị kiên trì và lâu dài. Có 3 phương pháp chính để điều trị Basedow là nội khoa (dùng thuốc), phóng xạ (uống i-ốt 131) và phẫu thuật (mổ) tuyến giáp.

Điều trị nội khoa

Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị Basedow là thuốc kháng giáp, thuốc chẹn beta, thuốc ức chế miễn dịch…

Điều trị bằng i -ốt phóng xạ

Điều trị i-ốt phóng xạ thường chỉ định cho bệnh nhân lớn tuổi, thất bại với điều trị nội khoa, có chống chỉ định với thuốc kháng giáp tổng hợp hoặc có chống chỉ định với phẫu thuật. Chống chỉ định của điều trị i-ốt phóng xạ với phụ nữ dự định có thai, đang mang thai, đang cho con bú, hoặc lồi mắt nặng.

Phẫu thuật

Đây là phương pháp khi người bệnh thất bại với điều trị nội khoa và điều trị bằng i-ốt. Tùy vào từng tình trạng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Phẫu thuật này tốt nhất nên được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm. Phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị mang lại kết quả chắc chắn nhất, ít biến chứng.

ThS.BS. Hoàng Vũ

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/basedow-nguyen-nhan-trieu-chung-lay-truyen-va-cach-dieu-tri-169240305162519266.htm