Bảo vệ trẻ thông minh

An toàn trong nhà trường từ lâu đã được ngành giáo dục đặt thành một trong những mối quan tâm hàng đầu. Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, đây lại là vấn đề 'nóng' không chỉ riêng các cơ quan quản lý mà nhiều phụ huynh và cả xã hội chú ý.

Có lẽ vì thế khi học sinh trở lại lớp, nhiều biện pháp bảo vệ "quá đà" đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hiệu quả học tập của học sinh.

Thấy rõ những bất cập, tiếp thu phán ánh của nhân dân, sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành ở địa phương đã kịp thời ra các văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế. Ngay trong ngày, đã không còn những hình ảnh phòng học nóng bức do không dám bật điều hòa trong thời tiết nắng nóng; các em nhỏ không còn phải đeo khẩu trang trong lớp hay đội cả mũ che giọt bắn...

Ngành giáo dục đã kịp thời sửa lỗi. Nhưng cũng từ bài học này cho thấy thực tế là ngành giáo dục nói chung và các trường học nói riêng dường như vẫn chưa định hình rõ biện pháp, phương án chủ động, thông minh để bảo vệ an toàn cho trẻ. Dù đã từ lâu, hằng năm, nội dung an toàn trường học đều được ngành giáo dục lên kế hoạch, triển khai thực hiện trên cơ sở có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội. Thế nhưng, hệ thống giáo dục phổ thông ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc lồng ghép mà chưa có chương trình riêng, chưa có giáo viên chuyên trách.

Bảo vệ một cách chủ động, từ xa, từ sớm thông qua việc hình thành kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ; bồi dưỡng kiến thức đối phó với dịch bệnh, thiên tai cho chính giáo viên trực tiếp đứng lớp hằng ngày là giải pháp bảo vệ thông minh nhất. Lấy ví dụ ở đất nước Nhật Bản, từ lúc bắt đầu đến trường, các em nhỏ đã được giáo dục kỹ năng thích ứng và tự bảo vệ bản thân trước động đất, sóng thần. Thậm chí ở một số quốc gia thường xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn còn được xây dựng thành một môn học bắt buộc trong chương trình.

Không chỉ dịch Covid-19, mỗi năm, ở mọi miền của đất nước phải hứng chịu biết bao cơn bão, trận lũ, câu hỏi đặt ra là phải làm gì để vừa chủ động ứng phó với thiên tai, vừa bảo đảm hoạt động giáo dục không bị gián đoạn. Thiên tai, địch họa là điều khó tránh khỏi và cần phải được lường trước. Để bảo vệ học sinh, bảo đảm hoạt động giáo dục ít bị ảnh hưởng, ngành giáo dục cần phải thay đổi tư duy và cách làm về trang bị kỹ năng sinh tồn cho trẻ để bảo vệ các em từ xa, từ sớm.

ĐÔNG A

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/bao-ve-tre-thong-minh-617515