Bảo vệ trẻ em trong một thế giới đầy biến động, thách thức

Là tương lai của nhân loại, mọi trẻ em dù ở bất kỳ đâu đều có quyền được sống an toàn, khỏe mạnh, được học hành và phát triển, song thực tế một thế giới đầy biến động hiện nay đang khiến trẻ em phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ xung đột vũ trang, bạo lực cho đến biến đổi khí hậu, tác hại của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới… đỏi hỏi phải cấp bách bảo vệ trẻ em - cũng chính là bảo vệ quyền con người ở giai đoạn sớm nhất để xây dựng một tương lai phát triển bền vững mai sau.

Thay vì được đến trường, trẻ em ở Dải Gaza đang trở thành nạn nhân của xung đột vũ trang

Thay vì được đến trường, trẻ em ở Dải Gaza đang trở thành nạn nhân của xung đột vũ trang

Bảo đảm mọi quyền lợi cho mỗi trẻ em

Một báo cáo mới của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố nhân dịp Ngày Trẻ em thế giới 20-11 hàng năm cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa khi rất nhiều trẻ em trên toàn cầu hiện đang sống trong một thế giới ngày càng nhiều thách thức, đặc biệt là xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu. Ước tính của Liên hợp quốc cho thấy, hiện nay có khoảng 400 triệu trẻ em trên toàn cầu, tức là cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ, đang sống trong xung đột hoặc phải chạy trốn khỏi các khu vực xung đột, bạo lực.

Nhiều em đang bị thương, bị giết hoặc bị xâm hại tình dục trong các cuộc xung đột, bạo lực. Một số trẻ em thậm chí còn bị các lực lượng hoặc nhóm vũ trang tuyển dụng. Liên hợp quốc đã xác minh có hơn 315.000 vụ vi phạm nghiêm trọng về quyền trẻ em ở các khu vực xảy ra xung đột, bạo lực từ năm 2005 đến 2022. Các cuộc xung đột trên thế giới đã đẩy nhiều trẻ em vào cảnh mồ côi, bị bắt đi lính, bị lạm dụng. Báo cáo mới đây của UNICEF đưa ra con số đáng báo động về số trẻ em ở khu vực Mỹ Latin và Caribe rời bỏ đất nước để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo UNICEF, do bạo lực, cuộc sống cơ cực và thời tiết khắc nghiệt trong nước, trong năm 2022, khoảng 40.000 trẻ em đã vượt rừng Darien đầy nguy hiểm, ngăn cách giữa Trung và Nam Mỹ. Con số này tăng vọt so với mức 29.000 ghi nhận trong năm 2021. Trong khi đó, theo Liên hợp quốc, hơn một nửa trong tổng số 14,8 triệu trẻ em tị nạn trong độ tuổi đến trường trên thế giới không được học hành chính quy. Đến cuối năm 2022, số trẻ em tị nạn trên thế giới đã tăng gần 50% so với con số 10 triệu người một năm trước đó. Liên hợp quốc cũng cảnh báo về tình trạng bạo lực ngày càng tăng đối với trẻ em ở các quốc gia có xung đột. Sự kết hợp các yếu tố như xung đột vũ trang kéo dài, tình trạng di tản trong nước và ra nước ngoài, cùng khả năng tiếp cận nhân đạo hạn chế đã dẫn đến tình trạng ngày càng nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng. Đặc biệt, những ngày qua, thế giới phải chứng kiến hàng nghìn trẻ em người Palestine trở thành nạn nhân trong cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas. Đã có hơn 4.500 trẻ em thiệt mạng tại Dải Gaza kể từ khi xung đột bùng phát ngày 7-10. Ước tính, trung bình mỗi 10 phút có trẻ em ở Dải Gaza tử vong.

Những điều mà trẻ em Dải Gaza hay ở bất kỳ nơi nào có xung đột phải chịu đựng chính là sự thực đau đớn nhất nhắc nhở với thế giới rằng, nhiệm vụ bảo vệ quyền cho những công dân nhỏ tuổi vẫn chưa được hoàn thành, cho dù đó là quyền cơ bản nhất - quyền được sống. Trong bối cảnh ấy, Ngày Trẻ em thế giới 20-11 năm nay, UNICEF lấy chủ đề là “For every child, every right” (Bảo đảm mọi quyền lợi cho mỗi trẻ em) như một lời nhắc nhở sâu sắc. Liên hợp quốc hối thúc cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp, chấm dứt xung đột, hỗ trợ nhân đạo mạnh mẽ hơn, đồng thời mở rộng các tuyến di cư an toàn cho trẻ em cùng gia đình để giúp bảo vệ quyền lợi và tương lai của trẻ em trong các khu vực xung đột.

Xây đắp một tương lai phát triển bền vững

Bên cạnh xung đột, trẻ em còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng khác, trong đó có biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực từ các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới… Những cú sốc liên tiếp do biến đổi khí hậu càng làm gia tăng mức độ trầm trọng của các khủng hoảng hiện nay và nhân cấp nguy cơ bạo lực trẻ em. UNICEF ước tính khoảng 1 tỷ trẻ em trên thế giới đang đối mặt với nguy cơ cực cao chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm gia tăng các nguy cơ với trẻ em như tình trạng khan hiếm nước dùng, bệnh tật, ô nhiễm không khí, các hình thái thời tiết cực đoan… tất cả những yếu tố môi trường được coi là có ảnh hưởng đáng kể tới quá trình sinh trưởng của trẻ trong giai đoạn hoàn thiện cơ thể từ ý thức đến thể chất.

Các dịch bệnh nguy hiểm cũng đã đẩy khoảng 100 triệu trẻ em rơi vào tình cảnh nghèo đói. Trong khi đó, đói nghèo lại là nguyên nhân chính dẫn tới bạo lực trẻ em, trong đó phải kể đến các tình trạng như lao động trẻ em, tảo hôn, buôn bán trẻ em, lạm dụng tình dục và tuyển mộ trẻ em cho các đường dây tội phạm, bạo lực cực đoan. Số trẻ em là đối tượng bị sử dụng lao động đã tăng lên 160 triệu, 35% các nạn nhân buôn người được phát hiện là trẻ em. Nguy cơ các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới đối với trẻ em đang ngày càng gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trẻ em chiếm 15% trong số các nạn nhân của tình trạng bạo lực mạng được báo cáo, chưa kể những nguy cơ tiềm tàng khác. Tất cả những yếu tố kể trên khiến hàng triệu trẻ em trên thế giới không được hưởng các quyền cơ bản, không được hỗ trợ và được bảo vệ như trong quy định của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, được thông qua ngày 20-11-1989, là công ước nhân quyền được công nhận rộng rãi nhất trong lịch sử, bao hàm 3 trụ cột chính gồm bảo vệ trẻ em trước mọi loại phân biệt, ưu tiên những lợi ích tốt nhất cho các em và đảm bảo cho các em quyền được sống, phát triển. Công ước cũng khẳng định mỗi đứa trẻ sinh ra đều có quyền, bất kể dân tộc, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, khả năng hay bất kỳ tình trạng nào khác. Tới nay hơn 195 quốc gia đã phê chuẩn công ước, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn khi phê chuẩn vào tháng 2-1990. Việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em đã mang lại nhiều tiến bộ, như giảm số ca tử vong có thể ngăn chặn được ở trẻ em, tăng số trẻ em tới trường và giảm nghèo đói cũng như tăng khả năng được tiếp cận nước sạch và dinh dưỡng. Tuy nhiên, điều đó chưa diễn ra đồng đều trên thế giới, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trước xung đột, bạo lực hay biến đổi khí hậu... Hàng triệu trẻ em vẫn bị vi phạm những quyền cơ bản được sống an toàn, khỏe mạnh, phát triển.

Mọi trẻ em, ở bất kỳ đâu, đều có quyền được sống trong một thế giới hòa bình và phát triển. Những ngày này, hàng loạt thông điệp như vậy càng phải được lan tỏa, thúc giục toàn thế giới cần hành động quyết liệt hơn nữa để chấm dứt tình trạng vi phạm quyền trẻ em, để mọi trẻ em trên khắp thế giới đều được đảm bảo những nhóm quyền cơ bản: quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia. Trẻ em là tương lai của nhân loại, bảo vệ quyền trẻ em vì thế cũng là bảo vệ quyền con người ở giai đoạn sớm nhất để xây đắp một tương lai phát triển bền vững cho thế giới.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bao-ve-tre-em-trong-mot-the-gioi-day-bien-dong-thach-thuc-post558653.antd